Mang quả tim hiến tặng vượt nghìn cây số trong đêm

Ngoisao.net - 23/07/2015, 07:48

Chuyến bay đặc biệt từ TP HCM ra Huế mang theo quả tim của người vừa hiến tặng để ghép cho một bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối.

Người đàn ông hiến tặng nội tạng được gia đình yêu cầu không nêu danh tính. Anh sống tại đồng bằng sông Cửu Long, bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não rồi nguy kịch. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), sau nhiều ngày điều trị không khả quan, đến ngày 19/7, anh hoàn toàn chết não. Đây cũng là thời khắc bố mẹ anh quyết định cho phép bệnh viện lấy tạng để cứu người.

ghep-tim-copy-1870-1437532865.jpg

Nhiều người suy tim giai đoạn cuối cần tim để ghép, tuy nhiên lượng người chết não hiến tim tại Việt Nam vẫn chưa cao.

"Chúng tôi thuyết phục nhưng không nghĩ người nhà chấp thuận. Chính vì thế, khi nghe bố mẹ bệnh nhân đồng ý, cả êkíp đã phải thức cả đêm để tính toán việc lấy bộ phận nào, xác định bệnh nhân nào đang cần nội tạng và có cùng nhóm máu để có thể tiến hành ghép gấp bởi các bộ phận sau khi lấy không để được lâu", Giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Trần Ngọc Sinh, cố vấn khoa Thận - Tiết Niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết.

Cũng theo bác sĩ Sinh, sau khi bàn tính, các bộ phận được lấy để cứu người gồm hai quả thận, tim, phổi, gan, hai giác mạc. Trừ quả tim, các bộ phận khác như thận, gan và giác mạc đều có thể ghép tại TP HCM. 

"Tại Việt Nam, kỹ thuật ghép tim chỉ Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện được. Trong thế không thể phung phí 'báu vật' vừa được tặng, chúng tôi liên lạc với đồng nghiệp ngoài ấy và duyên may mỉm cười. Phía Bệnh viện Trung ương Huế cho biết đang có bệnh nhân cần thay tim mà lại có trùng nhóm máu với người hiến. Từ thời khắc đó, kế hoạch chuyển tim chính thức bắt đầu", giáo sư Sinh kể.

Do quả tim chỉ có thể dùng được sau 3 - 4 giờ bóc tách, chính vì thế sau khi nhận được thông tin, các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện một chuyến bay gấp trong đêm đến TP HCM, cùng thời điểm này, người được nhận tim cũng nhập viện để chuẩn bị cho ca ghép.

Rạng sáng 20/7, sau các khâu chuẩn bị, êkíp bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện việc bóc tách tim phổi ra khỏi cơ thể người hiến. Quả tim được bảo quản trong một quy trình đặc biệt trước khi các bác sĩ tức tốc ra sân bay khởi hành đoạn đường dài hơn nghìn cây số. 

"Điều may mắn là các chỉ số xét nghiệm từ mẫu máu của người nhận được các đồng nghiệm ở Huế mang vào cho thấy hoàn toàn tương đồng với người hiến tặng. Đây cũng là điểm thuận lợi để các đồng nghiệp ở Huế có thể thực hiện việc ghép tim", đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết.

Đến sáng 22/7, thông tin từ Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, sau khi được ghép tim, sức khỏe bệnh nhân ổn định và đang được chăm sóc đặc biệt tại khu hồi sức tim của bệnh viện này. 

Tại Việt Nam, lượng người mắc các chứng bệnh suy chức năng tim, phổi, thận, gan, giác mạc có nhu cầu được ghép lên đến hơn 20.000 người. Hiện nay, nguồn tạng hiến chủ yếu từ người cho sống là người thân của bệnh nhân nên chủ yếu chỉ hiến được gan và thận. Trở ngại lớn là nguồn tim, phổi, giác mạc hiến tặng từ những người đã chết não vẫn còn quá ít. “Chính vì lẽ này, việc có người chấp nhận hiến tạng là nghĩa cử đáng trân trọng”, phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nói.

Nhận định ý thức hiến tạng cứu người của cộng đồng đang thay đổi dần, bác sĩ Sơn cho biết chỉ riêng bệnh viện đã có 8 người chết chấp nhận hiến tạng và 15 người đã được cứu sống nhờ nghĩa cử này. Trước đó, ngày 18/6 gia đình một bệnh nhân ngưng tim cũng đã chấp nhận hiến hai quả thận của bệnh nhân này để cứu hai người đang bị suy thận giai đoạn cuối.

“Chúng tôi như được sinh ra lần thứ hai. Dù không biết người hiến là ai nhưng cả quãng đời còn lại, chúng tôi không thể nào quên ơn họ đã cứu mình. Rất mong xã hội có nhiều hơn nữa những người qua đời nhưng vẫn chấp nhận dùng một phần cơ thể của mình để nối dài sự sống cho người khác”, một trong hai bệnh nhân vừa được nhận thận chia sẻ.

Thiên Chương

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất