Kỳ lạ con bò “xin quy y cửa Phật” ở Sài thành?
Trong một lần được người thương lái đưa ra lò mổ, khi đi ngang qua cổng chùa Pháp Hải (huyện Bình Chánh, TP.HCM), chú bò bỗng dừng lại không chịu đi?
Chứng kiến cảnh tượng ấy, nên các sư trong chùa đã mua lại con bò về nuôi. Cho rằng, cái duyên với Phật chưa dứt, vì thế các sư tại chùa Pháp Hải ngay lập tức làm lễ “quy y” cho chú bò(!?). Tuy nhiên, dư luận cho rằng việc “quy y” cho bò chỉ là điều mê tín.
Bò quỳ trước cửa Phật?!
Câu chuyện lạ lùng ấy diễn ra từ ngày 11/4/2011, một con bò được người thương lái mua từ nhà dân trên đường chở ra lò mổ. Khi đi ngang qua chùa Pháp Hải (ấp 2, xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TP.HCM), con bò đột nhiên đứng khựng lại mà không chịu đi? Thấy vậy, người này đã dùng bạo lực đánh đập, nhằm điều khiển chú bò cho lên xe tải đã chờ sẵn phía ngoài. Thế nhưng, đáp lại sự đánh đập ấy, chú bò vẫn chỉ đứng yên, chân không nhúc nhích mặc dù liên tục bị hành hạ.
Chùa Pháp Hải nơi chú bò “quy y”!?
Theo lời kể của những người chứng kiến sự việc hồi đó cho hay, đây là một chuyện vô cùng lạ lẫm mà trong đời chưa ai từng được gặp. Đánh đập, thậm chí nhờ thêm người xô đẩy, nhưng như một phép lạ nhiệm màu, bốn chân của con bò cứ cắm chặt xuống đất. Bất lực trước điều này, chủ nhân của nó đành ngồi vật ra đường thở một hồi dài để hết mệt. Ngay lúc đó, Đại sư Pháp Quang (ở nước ngoài, thỉnh thoảng mới về Việt Nam) và sư cô Thích Nữ Huệ Ngọc (Trụ trì chùa Pháp Hải) đang bàn đạo ngoài sân. Thấy chuyện huyên náo ở cổng chùa, Đại sư cùng sư cô liền bước ra xem sao. Lạ lùng thay, khi nhìn thấy Đại sư, chú bò bỗng dưng quỵ chân xuống, mắt nhìn như van lạy.
Sau khi nghe mọi người kể lại đầu đuôi câu chuyện, ngắm nhìn chú bò, Đại sư bỗng sững người hồi lâu. Cũng theo lời kể lại của một người trong chùa cho hay, sau cái sững mình đó, Đại sư đã nói với mọi người rằng, kiếp trước con bò này cũng theo nghiệp tu hành? Nhưng vì mải chơi nên không làm tròn đạo hạnh, về sau phải hóa kiếp làm bò để trả nợ. Khi ngang qua chốn thiền môn, chú bò này đã kịp thời ngộ đạo. Trước cảnh tượng đó, động lòng trắc ẩn, Đại sư Pháp Quang đã bàn với sư cô Thích Nữ Huệ Ngọc mua lại chú bò mang về chùa nuôi.
Ngay sau vụ mua bán trên, bởi cho rằng cái duyên với Phật chưa hết, các sư ở chùa Pháp Hải ngay lập tức làm lễ “quy y” cho chú bò. Kể về sự việc kỳ lạ này, sư cô Thích Nữ Trung Mẫn, tu tại chùa Pháp Hải cho biết: “Hôm đó là lễ Phật đản, nên rất đông phật tử cùng về chùa làm lễ, do đó ai nấy cũng đều được chứng kiến sự việc trên. Khi được “quy y” xong, chú bò cứ quỵ chân xuống mặt đất, mắt đăm đăm nhìn các cao tăng tới dự lễ. Tuy có xôn xao về chuyện hi hữu này, nhưng các phật tử có mặt đều tỏ thái độ thành kính, và cùng đọc vang những đoạn kinh để cầu chúc cho chú bò tu hết được con đường đạo hạnh bị đứt quãng từ tiền kiếp”.
Ni cô Thích Nữ Trung Mẫn kể lại câu chuyện với PV.
Từng chứng kiến buổi lễ “quy y” đó tại chùa Pháp Hải, ông Nguyễn Xuân Tiến (người dân ấp 2, xã Hưng Long, huyện Bình Chánh) cho biết: “Đó là một buổi trưa rất đặc biệt, hôm đấy chúng tôi được dự lễ “quy y” dành cho con vật. Ban đầu, ai cũng lấy làm lạ. Tuy nhiên, như lời các quý thầy trong chùa nói, Phật pháp vô biên, tất cả chúng sanh đều là một, đều có thể ngộ Phật pháp khi đến duyên. Hiểu ra nên chúng tôi đã rất thành tâm cung kính. Chúng tôi dành cho chú bò sự thành kính, như một người bình thường được giác ngộ. Có thể nhiều người vẫn không tin, nhưng trong tâm chúng tôi luôn tin một điều, đã là chúng sanh thì đều có thể đắc đạo”.
Lạ lùng chuyện chú bò mang pháp danh Thiện Sanh
Theo lời các vị ni cô tại chùa Pháp Hải, sau khi “quy y” xong, chú bò được đặt pháp danh là Thiện Sanh. Như những chúng sinh đắc đạo khác, khi “quy y nơi cửa Phật”, chú bò cũng được nghe kinh Phật. Để thuận tiện hơn, các sư đã cho đeo một chiếc máy phát tiếng kinh Phật quanh cổ “nhà tu hành” đặc biệt này. Vậy là hàng ngày, bất kể từ sáng tới tối chú bò đều được nghe tiếng kinh cầu này ở nơi chốn cửa Phật.
Sau khi “quy y”, bởi nhà chùa không đủ điều kiện để nuôi dưỡng nên sau nhiều cân nhắc, sư cô Huệ Ngọc đã phải gửi chú bò mang tên Thiện Sanh cho một phật tử trong xã Hưng Long nuôi nấng giúp. Tại nơi ở mới, Thiện Sanh vẫn được nghe tiếng kinh đều đặn, bởi đã được gắn một máy phát có những bài kinh Phật ngay dưới cổ. Theo lời các ni cô, có lẽ nhờ vậy nên suốt mấy năm qua con bò may mắn này vẫn sống rất tốt, mỗi khi các ni cô đến thăm nó đều tỏ ý vui mừng. Điều lạ là Thiện Sanh có nếp ăn ở cũng rất khác so với các chú bò của các hộ dân gần đó. Thiện Sanh ăn ít, ở sạch và đặc biệt thân thiện với con người. Người dân trong xóm ai cũng quý mến Thiện Sanh và luôn dành cho chú bò này những phần cỏ tươi ngon nhất.
Câu chuyện xảy ra đã lâu, nhưng vẫn còn gây tranh cãi với những ai từng biết hoặc nghe kể lại. Trước vấn đề đầy này, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Viện phó Học viện Phật giáo Việt Nam cho biết: “Theo tôi điều này không có gì đặc biệt để chứng tỏ rằng con bò đang “quy y” như một số hiện tượng đặc thù vẫn xảy ra ở chỗ này, hay chỗ khác. Theo truyền thống Phật giáo Trung Hoa, người ta nghĩ rằng, “quy y” cho các loài động vật, là gieo duyên cho chúng để tái sinh hết kiếp này để ra kiếp sau trở thành người. Thế nhưng, như những thông tin đề cập tới chuyện con bò tới chùa Pháp Hải “quy y” mà tôi nghe thấy, thì đó chỉ là hoạt động một chiều. Có nghĩa là, một vị tu sỹ đứng quây quần bên các phật tử, tại một ngôi chùa làm nghi thức “quy y” Tam bảo cho con vật. Thiết nghĩ, ý kiến mỗi người đưa ra đều có những điểm khách quan khác nhau, nhưng không thể xem đây là dấu hiệu cho thấy bò “quy y Phật” được. Vì thực tế mà nói, loài người đang kỳ vọng cho con bò “quy y”, nhưng nó lại không thể hiện được bất cứ động tác gì để nói lên điều đó”.
Quy y không thiết thực Thượng tọa Thích Nhật Từ cho biết thêm: “Thật ra, quy y là chỉ dành cho người, từ đó mới phát ra lời nói nhận thức và thái độ từ bi của mình: “Từ nay cho đến trọn đời, tôi xin chứng nhận đức Phật làm thầy, kính nhận chân lý đức Phật dạy làm thầy, kính nhận tăng đoàn cao quý làm thầy để dẫn dắt hướng thiện, bỏ ác, phụng sự xã hội...”. Đó mới là lễ quy y truyền thống của đạo Phật. Đối với con vật, mình có lòng thì đọc nghi thức quy y, chứ thực tế nó không thể quy y được, vì không thể phát biểu bằng miệng và cũng không thể tự tình nguyện làm việc đó. Trên nguyên tắc của Phật giáo, điều này được xem là quy y không thiết thực”. |
Đức Vượng
Video được xem nhiều nhất