Kịch bản "chết chóc" khi xảy ra viễn cảnh Mặt trời biến mất

Kênh 14 - 25/08/2015, 08:02

Trái đất đóng băng, bóng tối vĩnh cửu, khả năng "bay lạc lối"... là những gì sẽ xảy ra nếu không có Mặt trời.

Sẽ không sai khi nhiều người quả quyết, Mặt trời là điều kiện tiên quyết cho sự sống trên một hành tinh. Bởi lẽ:
 
- Mặt trời có khối lượng gấp 330.000 lần Trái đất và sản xuất nguồn năng lượng mỗi giây bằng 100 tỉ quả bom hydro (còn gọi là bom nhiệt hạch, với mức năng lượng được giải phóng khi nổ bằng vài ngàn lần so với bom nguyên tử).
 
- Khối lượng lớn như vậy giúp Mặt trời tạo nên một lực hấp dẫn, giúp “trói chân” cả 8 hành tinh và một hành tinh lùn theo quỹ đạo.
 
-  Ở một khoảng cách vừa đủ, Trái đất được thừa hưởng một lượng nhiệt cần thiết để giữ cho nước ở trạng thái lỏng.
 
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu như Mặt trời biến mất? Câu hỏi này đã được đặt ra bởi rất nhiều khoa học gia, trong đó có thiên tài vật lý Albert Einstein.
 
Lực trọng trường khiến Hệ Mặt trời trở nên hỗn loạn

 

150817sun01-b3bb2

 

Mặt trời và nguồn năng lượng khổng lồ của nó

Newton và các khoa học gia từng tin rằng, lực trọng trường sẽ ảnh hưởng ngay tại thời điểm Mặt trời biến mất. Trái đất cùng các hành tinh khác sẽ mất đi điểm tựa, bay vào vô định trong vụ trụ, tạo nên sự hỗn loạn chưa từng có trong Hệ Mặt trời của chúng ta.

Nhưng ánh sáng thì không như thế. Ánh sáng từ Mặt trời cần 8 phút để tiếp cận Trái đất, vậy nên chúng ta sẽ vẫn có cơ hội nhìn thấy Mặt trời trong khoảng thời gian đó. Điều này đồng nghĩa với việc, chúng ta sẽ “cảm thấy” sự biến mất của Mặt trời nữa trước khi “nhìn” thấy điều đó.
 

150817sun02-b3bb2

Không có Mặt trời, Trái đất sẽ "trôi tự do" trong vũ trụ

Tuy nhiên vào năm 1915, các lý thuyết do Einstein đưa ra đã chứng minh rằng, lực trọng trường từ Mặt trời có vận tốc bằng vận tốc ánh sáng. 

Vì thế, nếu Mặt trời biến mất, chúng ta vẫn sẽ tận hưởng cuộc sống thường ngày trong vòng ít nhất là 8 phút trước khi thực sự cảm thấy thảm họa.

Màn đêm vĩnh cửu bao phủ lên toàn Trái đất

Thời điểm Mặt trời “mất tích”, loài người vẫn chưa chìm hẳn vào trong bóng tối. Đó là vì các hành tinh trong Hệ Mặt trời vẫn sáng trong một khoảng thời gian nhất định. 
 

Ví dụ như khi sao Mộc gần với Trái đất nhất sẽ cách khoảng 33 phút ánh sáng. Vậy nên thời gian chúng ta nhìn thấy Sao Mộc sẽ rơi vào khoảng hơn một giờ đồng hồ, bao gồm thời gian ánh sáng từ Mặt trời tiếp cận Sao Mộc, rồi phản xạ vào Trái đất của chúng ta.

150817sun03-b3bb2

Những vì sao vẫn tiếp tục sáng dù Mặt Trời đã "mất dạng"

Tuy nhiên, có một sự thật chắc chắn đó là ngay sau 8 phút đó, Trái đất sẽ rơi vào trạng thái “dừng hoạt động”. Theo Michael Stevens - chủ một kênh Youtube khoa học rất nổi tiếng thì ánh sáng biến mất sẽ khiến cây cối mất khả năng quang hợp - khả năng tổng hợp dưỡng chất của cây cối.

Các loài thực vật nhỏ gần như sẽ chết hàng loạt sau ít ngày. Không những vậy, chỉ sau một tuần, nhiệt độ bề mặt Trái đất sẽ giảm xuống 0 độ C, và rồi xuống đến âm 100 độ C trong năm đầu tiên.
 

150817sun04-b3bb2

Thảm thực vật sẽ nhanh chóng khô cằn

Các bề mặt đại dương sẽ đóng băng hoàn toàn, khiến toàn bộ Trái đất trở về Kỷ Băng hà vĩnh cửu. Nếu loài người có thể tìm ra cách sống sót trong điều kiện khắc nghiệt này, thì nơi ẩn náu duy nhất của họ là gần những ống thủy nhiệt dưới đáy Đại Dương – những ống dẫn truyền nhiệt lượng từ lõi Trái đất.

150817sun09-65bea

Bề mặt Trái Đất sẽ bị bao phủ bởi băng giá

Sự sống không biến mất


Hầu như mọi sinh vật sống trên Trái đất sẽ không thể sống được trong điều kiện này. Tuy nhiên, các loài động vật sinh sống quanh các ống thủy nhiệt dưới đại dương vẫn có thể tồn tại đến... hàng tỉ năm sau.

150817sun05-b3bb2

Chỉ những sinh vật chỉ sống dưới đáy đại dương mới có thể tồn tại


Lý do là vì chúng không cần đến Mặt trời mà tồn tại nhờ thức ăn và năng lượng từ lõi trái đất truyền qua các ống này. Đây cũng là một trong những lý do khiến các khoa học gia tin vào sự tồn tại của vi khuẩn ngoài Trái đất trên các hành tinh có nhiệt độ cực thấp trong vũ trụ.

Sự xuất hiện của một Mặt trời thứ 2?

Các nhà thiên văn học cho biết ngôi sao gần với Trái đất nhất là Alpha Centauri B, nằm cách Trái Đất 4,3 năm ánh sáng (khoảng 42,5 nghìn tỉ cây số).

150817sun06-b3bb2

Alpha Centauri B - ngôi sao gần với Trái Đất nhất


Hiện nay, Trái đất đang di chuyển theo quỹ đạo quanh Mặt trời với vận tốc 67.000 dặm/h (khoảng 107.826km/h). Nếu Mặt trời đột nhiên mất dạng, Trái đất sẽ tiếp tục di chuyển với vận tốc như thế theo đường thẳng.

150817sun07-b3bb2

Chúng ta có thể được "cưu mang" bởi một trong số hàng tỉ ngôi sao trong Dải ngân hà


Nếu Mặt trời biến mất vào đúng thời điểm, hành tinh của chúng ta sẽ mất khoảng... 43.000 năm để đến được Alpha Centauri B. 

Trong vòng 1 tỉ năm, Trái đất sẽ vượt qua quãng đường là 100.000 năm ánh sáng – quãng đường bằng với chiều dài của Dải ngân hà.

150817sun08-b3bb2

Hoặc rơi vào một hố đen vũ trụ nếu thiếu may mắn


Các nhà khoa học ước tính Dải ngân hà có khoảng 100 tỉ ngôi sao, cùng hàng tỉ lỗ đen vũ trụ. Vì vậy, có khả năng lớn Trái đất của chúng ta sẽ được một ngôi sao nào đó “cưu mang” hoặc nếu... thiếu may mắn thì rơi vào một lỗ đen vũ trụ.

Tất nhiên, tất cả những gì vừa được nêu chỉ có thể xảy ra nếu Mặt trời... thực sự biến mất. Theo các chuyên gia dự đoán thì khả năng này là gần như không thể, nhưng cũng đủ cho thấy được tầm quan trọng của "quả cầu lửa" đối với hành tinh của chúng ta.

 
Nguồn: BusinessInsider, Livescience

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất