Hoàn cảnh khó khăn gia tăng tội phạm trẻ “máu lạnh”

Vietnamnet - 20/07/2015, 22:56

- Thời gian đây xảy ra nhiều vụ trọng án, thảm sát mà hung thủ tuổi đời còn rất trẻ. VietNamNet đăng tải một vài câu chuyện của luật sư về những vụ án mà người trẻ tuổi gây ra nhằm góp phần làm rõ nguồn cơn phạm tội, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho cộng đồng.

Hoàn cảnh khó khăn khiễn trẻ dễ phạm tội

LS Trương Quốc Hòe, Văn phòng Luật sư Inter đã từng bào chữa cho nhiều đối tượng khác nhau: người có chức vụ quyền hạn, địa vị trong xã hội có, người có hoàn cảnh khó khăn có, người già có, trẻ cũng có. Nhưng nhóm đối tượng thanh niên trẻ phạm tội khiến luật sư trăn trở nhiều nhất.

thanh niên, trẻ phạm tội, luật sư, câu chuyện, chia sẻ, hoàn cảnh, gia đình, xã hội, thảm sát

Tội phạm trẻ ngày càng gia tăng cả về số lượng và hành vi phạm tội (số liệu được tổng hợp vào những năm trước 2013). Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân).

“Trong nhiều trường hợp khi trao đổi, tiếp xúc với bị can trẻ tuổi tôi cảm thấy rất buồn vì hoàn cảnh khó khăn là nguyên nhân dẫn tới hành vi phạm tội của các em.

Tôi muốn kể về một vụ án tiêu biểu ở Bà Rịa - Vũng Tàu cách đây không lâu. Huỳnh Hữu H (SN 1995) và Trần Đức T (SN 1995) là đôi bạn thân, cùng học lớp 11 trường huyện. Do mê chơi, hết tiền nên H bốc đồng rủ T đi cướp giật tài sản. Mặc dù đang đi chữa bệnh thận hư nhưng T lại dễ dãi chấp nhận yêu cầu của bạn.

Chập tối 27/10/2012, T điều khiển xe mô tô chở H đi từ thị trấn Ngãi Giao vào xã Bình Giã. Chạy đến gần chợ Bình Giã, H phát hiện có chị Nguyễn Thị Kim L điều khiển xe mô tô lưu thông ngược chiều, trên cổ có đeo sợi dây chuyền vàng dạng hạt.

Ngay lập tức, H nói T quay đầu xe đuổi theo chị L. Khi T áp sát xe chị L, H liền giật mạnh sợi dây chuyền, sau đó cả hai tăng ga tẩu thoát. Tuy nhiên, từ biển số xe, cơ quan điều tra phát hiện ra T và các em đã phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội của mình.

Hay như một vụ án ở Hà Giang, em Nguyễn Thanh H đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an huyện Y khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “Cướp tài sản” – Điều 133 BLHS. Qua quá trình tiếp xúc tôi nhận thấy hành vi của em H không cấu thành tội “Cướp tài sản” như Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an huyện Y đã khởi tố.

Em Nguyễn Thanh H có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, bố mẹ mất sớm, em phải sống cùng bà ngoại già khi mới lên 5 tuổi. Bà ngoại của H dù sức khỏe đã yếu nhưng vẫn cố gắng buôn bán để H được đi học như các bạn. Khi H 15 tuổi thì bà ngoại qua đời. H phải bỏ học để đi làm công nhân kiếm sống. Vào tối ngày 30/11/2013, khi vừa từ nơi làm việc trở về nhà, H có thấy một người phụ nữ đang kêu “Cướp….cướp…”.

H vội vàng chạy xe theo đối tượng vừa giật được túi của người phụ nữ để lấy lại. Nhưng khi đã lấy lại được túi mang về cho người phụ nữ thì hai công an ập tới bắt H. Quá trình điều tra, người phụ nữ này không khai được kẻ giật túi của mình trông như thế nào nên cơ quan cảnh sát điều tra đã cho rằng H chính là người đã cướp túi của chị này (vì khi công an bắt giữ H thì chiếc túi đang trong tay H).

Khi tôi gặp H tại Cơ quan cảnh sát điều tra em một mực khai mình bị oan. Quá trình thu thập chứng cứ tôi cũng đã chỉ ra em H bị oan nên đã nhiều lần làm đơn đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra phải đình chỉ điều tra trả tự do cho H. Và cuối cùng Cơ quan cảnh sát điều tra đã trả tự do cho H”.

“Điều đáng tiếc, trong đa phần các vụ án, hoàn cảnh gia đình các bị cáo rất khó khăn, cha mẹ các em lại ly hôn, để lại những vết thương tâm hồn rất nặng nề.

Các em không được dạy dỗ và học hành đến nơi, đến chốn dẫn tới nhận thức cuộc sống và nhận thức pháp luật còn nhiều hạn chế. Để rồi bản thân các em đã không tự ý thức được những việc mình đang làm có mối nguy hiểm lớn cho gia đình và xã hội.

Do đó, cần tạo cho các em cơ hội trở về hòa nhập cộng đồng”, luật sư Hòe cho biết.

Không lường trước hậu quả

“Là luật sư tôi đã từng tiếp xúc với nhiều bị can trẻ tuổi. Qua quá trình tiếp xúc, trao đổi với các bị can tôi thấy rằng họ thường không lường trước được hậu quả từ hành vi của mình gây ra”, luật sư Hòe chia sẻ.

Lý giải cho điều này luật sư Hòe đưa ra hai dẫn chứng. “Thứ nhất, những bị can này thường có hoàn cảnh điều kiện kinh tế khó khăn, tình trạng hôn nhân của cha mẹ có vấn đề và các em bị đẩy ra đường kiếm sống khi còn rất nhỏ.

Vì vậy, các em không có cơ hội để tiếp cận các kiến thức xã hội nói chung và kiến thức pháp luật nói riêng. Các em không nhận thức được những hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội.

Thậm chí, nhiều em khi bị cơ quan cảnh sát điều tra bắt giữ về hành vi phạm tội của mình còn khóc lóc xin về với bố mẹ. Cũng có những em khi đối mặt với vành móng ngựa và hội đồng xét xử, vẫn ngơ ngác không hiểu vì sao mình phải vào tù.

Thứ hai, suy nghĩ của các bị can trẻ tuổi thường rất đơn giản. Những bị can trong gia đình nghèo khó thì thường suy nghĩ tìm đủ mọi cách để kiếm sống, thậm chí sa vào con đường phạm pháp, các em đều không có chút suy nghĩ về hậu quả của hành vi.

Những bị can nhà giàu thì nghĩ đơn giản là tiền của mình, mình muốn làm gì chẳng được. Ma túy, thuốc lắc được bán trong vũ trường, quán bar; phim ảnh đồi trụy thì "rải đầy" trên các vỉa hè... có tiền là mua được.

Những cụm từ như "giao cấu với trẻ vị thành niên", "tổ chức sử dụng chất gây nghiện bị cấm"... dường như quá trừu tượng, khó hiểu với các em”.

thanh niên, trẻ phạm tội, luật sư, câu chuyện, chia sẻ, hoàn cảnh, gia đình, xã hội, thảm sát

Theo luật sư Trương Quốc Hòe, việc giáo dục thanh thiếu niên cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và gia đình, xã hội. Ảnh minh họa

“Chính vì vậy, để hạn chế và đẩy lùi tội phạm ở lứa tuổi vị thành niên thời gian tới, các đơn vị cần quản lý giáo dục hiệu quả thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật tại địa phương mình

Thường xuyên nắm tình hình, quản lý đối tượng vị thành niên hư, đặc biệt chú ý số đối tượng thiếu niên đã từng có hành vi vi phạm pháp luật, từ đó chủ động các kế hoạch, phương án phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả; đẩy mạnh việc lập hồ sơ đối tượng vi phạm pháp luật chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự để tham mưu trình xét duyệt đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng hay đưa ra kiểm điểm, giáo dục tại cộng đồng, khu dân cư.

Tội phạm trong giới trẻ đang có chiều hướng gia tăng và khá nghiêm trọng. Do đó, việc giáo dục thanh thiếu niên cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và gia đình, xã hội. Chính sự giáo dục của gia đình, xã hội mới hình thành ý thức cá nhân trong mỗi con người, mỗi chủ thể" -  Luật sư Hòe nói.

Hạnh Thúy

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất