Đố bạn biết: đâu mới là cách gọi tên Ghềnh Đá Đĩa đúng nhất?
Ít ai ngờ, có tới 4 cách gọi tên cho địa danh kỳ thú Ghềnh Đá Đĩa.
Khi nhìn vào bức hình dưới đây, liệu bạn có đoán ra địa danh nào được nêu trong đó không?
Chỉ cần tinh ý một chút là bạn hoàn toàn có thể đoán ra, địa danh được nhắc đến trong hình là Ghềnh Đá Đĩa nổi tiếng rồi.
Nhắc đến mảnh đất Phú Yên, không ai là không biết đến địa danh nổi tiếng Ghềnh Đá Đĩa. Nó là món quá quý giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho đất và người Phú Yên để ai đến đây đều ước mong một lần ghé thăm và chiêm ngưỡng.
Ghềnh Đá Đĩa cách thành phố Tuy Hòa khoảng 40km về phía Nam và thuộc xã An Ninh Đông, huyện Tuy An.
Cách ghi “GHỀNH ĐÁ ĐĨA” là cách ghi chúng tôi dựa theo bảng hiệu mà Khu du lịch này ghi ở đầu con đường rải nhựa dẫn vào bãi đá. Tuy nhiên, ở logo chính để quảng bá thì nó lại được ghi “GÀNH ĐÁ ĐĨA”.
Như thế, cùng một địa danh nhưng lại có hai cách ghi khác nhau ở nơi địa danh tồn tại. Nhưng sự bất nhất chưa dừng lại ở đó.
Trong một lần đến Phú Yên, khi nhắc đến địa danh này, tôi đã nghe những cách gọi tên khác nữa, đó là: Ghềnh Đá Dĩa, Gành Đá Dĩa. Hay chúng ta lên mạng và gõ “Ghềnh Đá Đĩa” thì kết quả cũng sẽ có đủ các cách như đã nêu.
Như vậy, có bốn cách gọi cho cùng một địa danh là: ghềnh Đá Đĩa, ghềnh Đá Dĩa, gành Đá Đĩa, gành Đá Dĩa.
Sự khác biệt giữa các tên gọi nằm ở cặp: “ghềnh/ gành”, “dĩa/ đĩa”. Đi giải thích sự khác biệt này cũng đồng nghĩa với việc chúng ta tiệm cận đến cách dùng chính xác nhất.
Trước tiên là cặp “ghềnh/ gành”. Theo từ điển tiếng Việt của tác giả Hoàng Phê thì “ghềnh”: (danh từ) - chỗ lòng sông bị thu hẹp và nông, có đá lởm chởm nằm chắn ngang làm dòng nước dồn lại và chảy xiết; ví dụ: Lên thác xuống ghềnh.
Hay một cách giải thích ngắn gọn hơn của trang tratu.soha.vn: ghềnh là nhiều khối đá hình lục giác nằm sát nhau như những chồng đĩa lớn, độc đáo.
Còn ở mục từ “gành” thì cả hai từ điển đều ghi đó là phương ngữ của “ghềnh”. Điều này có nghĩa, “ghềnh” là từ toàn dân, còn “gành” là từ địa phương, cụ thể là phương ngữ Nam Bộ.
“Gành” là phương ngữ Nam Bộ vì ở miền Nam, “gành” được sử dụng thay cho “ghềnh” không chỉ trong cách nói mà cả trong tên địa danh, như địa danh Gành Hào (tên một thị trấn thuộc huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu), hay người đọc cũng có thể quen thuộc với địa danh Tây Nam Bộ này qua bài hát “Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang” của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển. Theo đó, cách ghi “gành” + “Đá Đĩa” chưa hợp lý (Phú Yên là tỉnh thuộc vùng Nam Trung Bộ).
Tiếp theo là cặp “đĩa/ dĩa” , từ điển Hoàng Phê giải thích “đĩa”: (danh từ) Đồ dùng thường hình tròn, miệng rộng, lòng nông để đựng thức ăn.
Tương tự “ghềnh”, “đĩa” cũng là từ toàn dân. Còn “dĩa”, cũng theo từ điển Hoàng Phê, đó là phương ngữ của từ “đĩa”, cụ thể là phương ngữ miền Trung.
Thêm nữa, “dĩa” ở miền Bắc lại có nghĩa là “nĩa”, là đồ dùng thường làm bằng kim loại, có răng nhọn, cán dẹt, dùng để lấy thức ăn, ví dụ: Ăn cơm Âu dùng dao, thìa và nĩa (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê).
Có thể thấy, cùng một địa danh nhưng lại có nhiều cách gọi và các cách đều là sự cộng gộp của các từ với phạm vi sử dụng khác nhau:
1. Ghềnh Đá Đĩa: Ghềnh – từ toàn dân, Đĩa – từ toàn dân;
2. Ghềnh Đá Dĩa: Ghềnh – từ toàn dân, Dĩa – phương ngữ Trung Bộ;
3. Gành Đá Đĩa: Gành – phương ngữ Nam Bộ, Đĩa – từ toàn dân;
4. Gành Đá Dĩa: Gành – phương ngữ Nam Bộ, Dĩa – phương ngữ Trung Bộ.
Qua đó, chúng ta có thể xác định cách số (1) là cách gọi tên chính xác nhất. Việc sử dụng từ toàn dân trong trường hợp này là cần thiết và hợp lý.
Những cách gọi tên khác, dù không sai về nghĩa nhưng lại hạn chế về phạm vi sử dụng thì cũng có thể dẫn đến những hiểu nhầm không đáng có.
Video được xem nhiều nhất