Điện ảnh và câu chuyện kiểm duyệt

Tuổi trẻ - 01/11/2015, 11:24

Huân tước David Puttnam - đặc phái viên của Thủ tướng Anh về thương mại tại Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar - nói: "“Không riêng gì ở Việt Nam, tất cả nền điện ảnh đều có sự kiểm duyệt của nó".

Nhà làm phim từng đoạt 10 giải Oscar - huân tước David Puttnam tại hội thảo về điện ảnh tối 30-10  - Ảnh: M.TRANG

Nhà làm phim từng đoạt 10 giải Oscar - huân tước David Puttnam tại hội thảo về điện ảnh tối 30-10 - Ảnh: M.TRANG

Buổi hội thảo “Cơ hội nào cho điện ảnh Việt Nam vươn ra thế giới” diễn ra tối 30-11 với người chủ trì chính là huân tước David Puttnam - đặc phái viên của Thủ tướng Anh về thương mại tại Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar, đồng thời là nhà sản xuất phim có nhiều giải thưởng điện ảnh danh giá, không xôm tụ như kỳ vọng. 

Nhưng nhà làm phim có hơn 40 năm kinh nghiệm làm nghề đã nhìn thẳng, nói thật vào nhiều vấn đề đáng lưu tâm của nền công nghiệp điện ảnh thế giới.

Không né tránh hoặc trả lời qua quýt mang tính “giao lưu”, khi một nữ biên kịch hỏi David Puttnam về chuyện phim của ông đã bao giờ bị cắt vì kiểm duyệt chưa và ông có cảm thấy tức giận về chuyện đó hay không, Puttnam đã lên tiếng: “Không riêng gì ở Việt Nam, tất cả nền điện ảnh đều có sự kiểm duyệt của nó.

Tại Singapore, Mỹ... ở đâu cũng thế! Các bạn chắc đã xem bộ phim Thu Cúc đi kiện của đạo diễn Trương Nghệ Mưu? Các bạn thích phim chứ? Trước khi nói đây là một bộ phim bóc trần hiện thực xã hội quan liêu, mục nát của Trung Quốc thời đó, người ta nhớ đến bộ phim bởi đó là một câu chuyện phim xúc động, người ta bị cuốn hút vào hành trình đi tìm công lý của một người phụ nữ nông thôn qua diễn xuất tuyệt vời của ngôi sao Củng Lợi. Ý của tôi là trước khi đặt bút viết kịch bản phê phán điều này, lên án điều kia, bóc trần điều nọ, bạn phải hiểu đây trước tiên là một bộ phim...”.

Câu trả lời cuối cùng lại trở về với sức mạnh của tài năng và năng lực sáng tạo. Tất nhiên, một bầu không khí trong lành, một sự minh bạch trong kiểm duyệt phim cũng là vấn đề được vị đạo diễn nhấn mạnh.

“Khi tôi làm một bộ phim có nhân vật chính là một đôi trẻ tầm 19 tuổi, phim có cảnh cô gái đi tất dài và để lộ ra đoạn dây nối giữa tất và quần, đồng thời có cảnh hai nhân vật chính hôn nhau. Một vị cha xứ đã đề nghị cắt cảnh này vì cho rằng chúng dung tục. Tôi đã hỏi lý do vì sao lại cắt đi và thuyết phục họ đó là điều bình thường bởi vì họ yêu nhau.

Cuối cùng tôi đã chiến thắng! Câu chuyện này xảy ra rất lâu rồi vì vào thời điểm đó “hôn nhau” là điều không chấp nhận được trên phim. Nhưng tôi tin sự kiểm duyệt sẽ trưởng thành và phát triển cùng với sự đi lên của xã hội”.

Bên cạnh kiểm duyệt phim, một vấn đề khác luôn làm các đạo diễn, đặc biệt là những đạo diễn trẻ khi mới bắt tay thực hiện những bộ phim đầu tiên, là việc tự vấn: mình sẽ trở thành đạo diễn phim nghệ thuật hay phim thị trường? Thỏa hiệp hay không thỏa hiệp?

Để trả lời cho câu hỏi này, ngài huân tước đã đặt ra một câu hỏi khá thú vị: “Các bạn hãy trả lời giúp tôi: bộ phim Cánh đồng chết (The killing fileds, đạo diễn Roland Joffe) theo bạn là một phim thương mại hay nghệ thuật?”.

Không ai trả lời được! Nhưng nhà sản xuất bộ phim này, David Puttnam, đã có sẵn câu trả lời: Khi xem bộ phim dựa trên câu chuyện có thật về tội ác chiến tranh của Khmer Đỏ không ai nghĩ đó là một bộ phim thương mại. Nhưng thực tế bộ phim đã có doanh thu rất tốt với những suất chiếu đầy ắp khán giả ở khắp các phòng chiếu phim trên toàn thế giới.

“Việc của một đạo diễn là cố gắng kể những câu chuyện thật hấp dẫn, hấp dẫn ngay từ khi phim mới bắt đầu, rồi từ từ gia tăng chất lượng nghệ thuật cho bộ phim để làm khán giả phải ngạc nhiên, và chính người đạo diễn cũng phải ngạc nhiên.

Câu hỏi mình sẽ làm phim thị trường hay phim nghệ thuật sẽ khiến các đạo diễn tự đặt mình vào những khuôn khổ, tự giới hạn chính bản thân mình mà quên mất một điều: làm phim là để lắng nghe tiếng nói chân thành nhất trong chính trái tim của bạn” - David Puttnam lên tiếng.

 
MINH TRANG

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất