1. Đảo North Brother, New York
Giữa sông East tồn tại một hòn đảo bỏ hoang với lịch sử hết sức thăng trầm. Đảo North Brother từng là nơi đặt bệnh viện Riverdale, chuyên chữa trị cho các bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa, bệnh hoa liễu, các chứng nghiện và những bệnh lý tương tự - bệnh nhân nổi tiếng nhất tại đây là Typhoid Mary.
Vào năm 1904, 1.200 người đã thiệt mạng ngay gần bờ đảo North Brother khi chiếc thuyền hơi nước General Scolum bốc cháy và chìm xuống nước; rất nhiều thi thể đã bị đánh dạt lên bờ biển.
Ngày nay, hòn đảo này hoàn toàn bị bỏ hoang. Vào những năm 1950, hòn đảo là nơi đặt một cơ sở cai nghiện, phải đóng cửa vào những năm 60 khi tình trạng tham nhũng kéo dài nhiều năm tại đây bị phát giác. Những người cuối cùng sinh sống trên đảo đã rời khỏi đây vào năm 1963, và quyền trông coi đảo đã được giao lại cho Phòng Công viên vào năm 2001.
Động thực vật đã xâm chiếm trọn nơi đây, và những gì còn sót lại của nền văn minh đang dần dần đổ nát và tiêu biến. Thật sửng sốt khi nhìn thấy sự tiêu điều này ở thật gần với một trong số những khu vực có mật độ dân cư lớn nhất thế giới.
2. La Isla de las Muñecas - Đảo của những con búp bê, Mexico
Như truyền thuyết đã kể lại, người duy nhất sinh sống trên đảo, Don Julian Santana, đã tìm thấy xác của một bé gái dưới lòng kênh. Bị ám ảnh bởi linh hồn bế gái, ông đã cố gắng xoa dịu linh hồn cô bé bằng cách để lại những con búp bê như những vật hiến tế. Nhiều nhân chứng cho biết họ đã nhìn thấy những con búp bê cử động chân tay; những người ngồi trên thuyền cho biết những con búp bê đã cố gắng dẫn dụ họ bơi thuyền về phía đảo.
50 năm sau khi tìm thấy thi thể của bé gái và thu thập những con búp bê làm vật hiến tế, người ta đã phát hiện Don Julian bị chết đuối ngay tại chính nơi ông tìm thấy bé gái đó.
3. Đảo Bouvet, hòn đảo tách biệt nhất trên thế giới
Mặc dù đảo có vị trí nằm giữa Nam Phi và Nam Cực, song Na Uy lại là quốc gia nắm giữ quyền sở hữu đảo Bouvet. Lục địa gần nhất với đảo là Nam Cực, cách đảo hơn 1.600 km về phía nam. Hòn đảo có người ở gần nhất là Nam Phi, cách nơi này tới hơn 2570 km.
Một sỹ quan hải quân Pháp đã phát hiện ra đảo Bouvet vào năm 1739. Người Anh là những người đầu tiên chiếm đảo vào năm 1825, nhưng đã nhượng lại quyền sở hữu cho Na Uy vào năm 1928. Hiện đảo Bouvet đang được coi là một điểm bảo tồn tự nhiên, và Na Uy hiện đang vận hành một trạm khí tượng tự động tại đây.
Vào năm 1964, một đoàn thám hiểm Nam Phi đã tìm thấy một chiếc thuyền cứu hộ bị bỏ hoang trên bờ biển đảo Bouvet. Thuyền không mang dấu vết gì. Một cặp mái chèo và một chiếc thùng 166 lít nằm cách đó hơn 90m. Không có bất kỳ dấu vết nào khác của con người được tìm thấy, và không có ai có thể giải thích được vì sao con thuyền lại tới được hòn đảo tách biệt nhất với thế giới, xung quanh là những vùng biển dữ dội nhất.
4. Đảo Socotra, Yemen
Nằm trên vùng biển ngoài khơi bán đảo Somalia, đảo Socotra đã được mệnh danh là “nơi có khung cảnh kỳ lạ nhất trên thế giới.” Không giống như những hòn đảo tách biệt khác, hòn đảo này không có xuất phát từ núi lửa. Một phần ba quần thể thực vật tại đây chỉ có ở đảo Socotra, không thể được tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên hành tinh.
Chẳng hạn, cây máu rồng là loài cây chỉ mọc trên đảo Socotra. Chỉ có Hawaii, New Caledonia, và quần đảo Galapagos là sở hữu nhiều loài đặc hữu hơn Socotra.
Với sự đa dạng sinh học như vậy, đảo Socotra đã được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới vào năm 2008.
5. Okunoshima - đảo Thỏ, Nhật Bản
Từ nhiều thế hệ, hòn đảo thuộc biển nội địa Seto ở Nhật Bản đã là một ngôi nhà yên bình và tĩnh lặng của một vài gia đình ngư dân. Nhưng vào năm 1925, mọi thứ đã thay đổi. Mặc dù Nhật Bản đã ký kết Nghị định thư Geneva cấm sử dụng vũ khí hóa học, song việc phát triển và lưu trữ vũ khí hóa học thì vẫn không bị cấm. Một cơ sở bí mật chuyên phát triển khí độc đã được xây dựng tại Okunoshima.
Những tàn tích của nhà máy khí độc vẫn còn lại, và vào năm 1988, một bảo tàng dành riêng cho việc giáo dục sự thật về khí độc đã được mở cửa trên hòn đảo này. Ngoài những di tích kể trên, hòn đảo không còn dấu vết nào khác của quá khứ đen tối đó nữa. Thay vào đó, đảo lại tràn ngập những chú thỏ.
Những người tới đảo bị cấm không được phép săn bắt thỏ; chó và mèo cũng không được cho phép tới đảo. Những chú thỏ ở đây khá thân thiện và hiền lành; khách du lịch tới đây chỉ để cho những chú thỏ này ăn và chơi đùa với chúng.
6. Major Cay, Bahamas
Bạn sẽ không thấy có nhiều người sinh sống trên đảo Major Cay, nhưng bạn sẽ nhìn thấy một điều mà có lẽ bạn chưa nhìn thấy bao giờ: những chú lợn bơi.
Không ai hiểu rõ vì sao những chú lợn lại tới được đây. Một giả thuyết cho rằng một nhóm thủy thủ nào đó đã để lại chúng ở đây, với ý định quay trở lại nấu chúng thành món ăn, nhưng đã không trở lại. Một giả thuyết khác cho rằng những chú lợn đã thoát nạn sau một vụ đắm tàu và bơi tới nơi an toàn.
Một giả thuyết đáng thất vọng khác là chính phủ Bahamas đã đưa chúng tới đây để thu hút thêm du khách tới thăm - như thể chúng ta cần thêm lý do để đi du lịch ở Bahamas vậy.
Tại Major Cay có tổng cộng khoảng 20 chú lợn, tất cả đều là lợn hoang, tuy vậy những người dân địa phương và khách du lịch luôn cho chúng ăn đầy đủ.
7. Mỏ kim cương Diavik, Canada
Có vị trí thuộc vùng lãnh thổ phía Tây Bắc xa xôi, nằm ngay phía nam vòng cực Bắc, mỏ kim cương Diavik vận hành trên một hòn đảo có diện tích 20 km vuông. Diavik là mỏ kim cương lớn nhất Canada về sản lượng carat và cũng là một trong số những mỏ lạnh lẽo nhất.
Mỏ sản xuất ra khoảng 1.500 kg kim cương mỗi năm và có tổng doanh thu hàng năm lên tới 100 triệu đôla Canada.
Vì mỏ có vị trí quá hẻo lánh, những người thợ mỏ phải sống trong một thị trấn liền kề, được xây dựng chỉ để cho họ sinh sống; ngoài ra, công ty còn cho xây dựng một sân bay với đường băng đủ lớn để đón một chiếc Boeing 737.
8. Đảo Hashima, Nhật Bản
Những người hâm mộ James Bond chắc hẳn đã nhận ra hòn đảo này trong phần phim Skyfall năm 2012. Với tên gọi khác là đảo Tàu chiến, Hashima nằm cách Nagasaki 15 km. Hòn đảo chủ yếu hoạt động với vai trò một cơ sở khai thác than lớn từ năm 1887 đến năm 1974.
Đảo Tàu chiến có thêm một tên gọi khác trong Thế Chiến II: Đảo Địa ngục. Tên gọi này chủ yếu là do những tù nhân chiến tranh người Hàn Quốc và Trung Quốc đặt ra khi bị buộc phải làm việc tại các mỏ than ở đây.
Mỏ than đóng cửa vào năm 1974 khi dầu khí thay thế cho than đá, và hoạt động di chuyển tới đảo chỉ mới được khôi phục vào năm 2009. UNESCO đã chính thức công nhận đảo là Di sản Thế giới vào năm 2015.
9. Tristan da Cunha, Anh
Thật kỳ lạ khi hòn đảo nhỏ xíu nằm phía nam Đại Tây Dương lại thuộc quyền sở hữu của Anh. Đây là nơi tập trung dân cư hẻo lánh và tách biệt nhất trên Trái đất, và là nơi sinh sống của 268 người. Ban đầu, những cư dân đầu tiên sinh sống tại hòn đảo này vào năm 1816 là các thủy quân Anh canh gác cho Napoleon, người bị đi lưu đày tới Saint Helena, cách đó hơn 2.000 km về phía bắc.
Những người sinh sống tại đây gọi thị trấn của họ là Edinburg của Bảy đại dương, và tất cả họ đều có một trong số 7 tên họ: Hagan, Swain, Rogers, Green, Lavarello, Repetto, hoặc Glass.
Vào năm 1961, ngọn núi lửa trên đảo đã phun trào. Toàn bộ người dân trên đảo đã được sơ tán tới Anh, nơi có những công nghệ mà họ chưa từng thấy bao giờ. Hai năm sau, hòn đảo được cho là đủ an toàn, và hầu hết những người sinh sống trên đảo trước đó đều đã quay lại.
10. Tashirojima - Đảo Mèo, Nhật Bản
Dĩ nhiên, Nhật Bản không thể chỉ sở hữu một hòn đảo chứa đầy một loài động vật đáng yêu. Đất nước này không chỉ có đảo Thỏ, mà họ còn có cả đảo Mèo. Trên thực tế, có khoảng vài đảo Mèo rải rác tại Nhật Bản. Ở Tashirojima, số lượng mèo hoang đã vượt qua số dân sinh sống tại đây.
Ở đây tập trung nhiều mèo như vậy là do một quan niệm địa phương cho rằng cho mèo ăn sẽ mang lại may mắn. Rõ ràng là điều này rất đúng đối với những chú mèo. Có tới 83% người dân sinh sống trên đảo được xếp vào nhóm người cao tuổi.
Trận sóng thần năm 2011 đã ảnh hưởng tới đảo Tashirojima, và mặc dù hòn đảo này đã thiệt hại một chút, song mọi chuyện đã có thể trở nên tồi tệ hơn thế rất nhiều.
11. Đảo North Sentinel, Ấn Độ
Bạn sẽ không thể tìm thấy đảo North Sentinel trên bất kỳ sách hướng dẫn du lịch nào, bởi không ai có thể tới thăm hòn đảo này. Lý do? Chính là vì những người sinh sống tại đây: một bộ tộc sơ khai được gọi là người Sentinel.
Người Sentinel được cho là đã sinh sống tách biệt với thế giới bên ngoài trong 60.000 năm. Số lượng của họ vẫn chưa được biết tới - con số ước tính rơi vào khoảng từ 50 tới 400 - song họ chào đón bất kỳ vị khách nào đến đảo bằng những mũi tên và những cây thương.
Sau trận sóng thần năm 2004, khi lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ bay tới đảo trên trực thăng để đánh giá thiệt hại, những người dân sinh sống trên đảo đã cho họ biết rằng mình vẫn sống sót sau thiên tai bằng một trận mưa tên nhắm vào chiếc trực thăng.
12. Đảo Pitcairn
Đảo Pitcarn nằm ở xa xôi phía Nam Thái Bình Dương và mang danh hiệu vùng lãnh thổ thưa dân nhất trên thế giới, với ít hơn 50 người sinh sống. Để đi tàu ra đảo Pitcairn, người ta cần tới ít nhất 2 ngày.
Pitcairn là nơi có khu vực quần thể sinh vật biển được bảo vệ liên tục lớn nhất trên thế giới, với diện tích 322.138 km2. Đây cũng là nơi có tổ tiên của những kẻ nổi loạn trên tàu HMS Bounty, trong đó có 9 người đã chọn ở lại đảo sinh sống cùng với 17 người Polynese.
Mặc dù thuyền trưởng Bligh đã quay trở lại Đông Ấn Hà Lan an toàn, song những người nổi loạn đã đốt cháy và nhấn chìm tàu Bounty để không bị phát hiện. Những gì còn sót lại của xác tàu hiện vẫn tồn tại dưới mặt nước vịnh Bounty.