Con đường âm nhạc ư?

VTC - 23/06/2015, 14:50

Con đường âm nhạc mà chúng ta đang đi, đẹp lắm và cũng chông chênh lắm!

nguyễn lưu

Nhạc sỹ Nguyễn Lưu

 

 

 

 

 

Trong đời sống âm nhạc hiện tại, trước Đại hội Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Ban chấp hành Hội đã có một báo cáo chính trị rất hoành tráng, theo đó, tổ chức xã hội nghề nghiệp này đã làm được nhiều việc để xây dựng và bảo vệ nền âm nhạc Việt Nam theo nguyên tắc hiện đại, tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc.

Bên cạnh, Hội đã cố gắng làm tốt việc phát triển nền âm nhạc cách mạng Việt Nam trong thời kì mới và hội nhập.

Thật là những điều tát và có lẽ vì quá xem trọng những điều to tát này mà Hội NSVN lại ít chú ý đến các tiểu tiết, chẳng hạn việc bảo đảm sự chính xác khi có việc xuất hiện những tác phẩm thuộc loại chính thức của đất nước mình như các bản Quốc thiều, các nhạc hiệu hay những sáng tác xuất sắc nhất của thời kì kháng chiến 9 năm hay 21 năm, là điều mà chúng ta vẫn tự hào. Trước hết hãy nói về bản Quốc thiều, nguyên mẫu lấy từ bài Tiến quân ca của NS Văn Cao.


Trên lý thuyết, Quốc thiều là nhạc của bài quốc ca (bài ca chính thức) của một quốc gia. Quốc thiều thường được sử dụng để mở đầu các buổi nghi lễ của các cơ quan nhà nước; lễ kéo cờ ở các công sở, trường học; lễ đón nhận các nguyên thủ quốc gia nước khác đến thăm chính thức nước sở tại.

Ngoài ra, Quốc thiều còn được sử dụng ở lễ chào cờ tại các sinh hoạt khác nhau như Hội nghị, Lễ kỉ niệm, trước các trận đấu thể thao quốc tế…

Từ đó, nhắc đến khái niệm Quốc thiều là viêc thiêng liêng và cần có sự nghiêm túc khi thể hiện mà yếu tố đầu tiên của sự nghiêm túc phải là việc Quốc thiều được tấu lên đúng với tác phẩm ấy. Sự sai lạc, dù có là nhỏ nhất khi tấu một bản Quốc thiều đều được xem là vô trách nhiệm, tương tự như việc lá cở của Tổ quốc vị vẽ sai hay treo sai quy cách.

Đầu thế kỉ thứ 20, một Bộ trưởng của một nước ở châu Phi đã bỏ về ngay khi Quốc thiều nước ông được cất lên một cách thiếu nghiêm túc, còn ở thập kỉ 80 TK20, trong giải vô địch bóng đá Nam Mỹ, một Quốc thiều bị chủ nhà Urugoay cử sai một chi tiết mà Colombia đã gửi công hàm phản đối…


Hiện nay, dễ thấy là tại rất nhiều lễ hội hay sinh hoạt trong nước, bản Quốc thiều hay Quốc ca đã tấu sai một vài chi tiết, rõ nhất là nốt nhạc ứng với từ “lập” trong câu hát “Thắng gian lao cũng nhau lập chiến khu”. Rõ hơn cả là trên sân Mỹ Đình nỗi khi có thi đấu quốc tế.

quốc ca

(Ảnh minh họa)

Hai năm trước, NS Đỗ Hồng Quân đã đưa cho tôi một CD bên trong có Quốc thiều Việt Nam được Dàn nhạc Giao hướng Việt Nam biểu diễn,nhằm đáp ứng nguyện vọng của nhiều khán giả đang bức xúc vì thường xuyên chứng kiến sự sai lạc, tôi đã chuyển CD này cho người phụ trách tuyên truyền của VFF và được biết là CD ấy đã được chuyển tới phòng thi đấu của VFF.

Tuy nhiên từ đó đến nay, mọi sự vẫn như cũ, tức là Quốc thiều vẫn cử sai cái nốt nhạc ấy cho dù nhiều bạn đã lên tiếng hỏi VFF rằng sao không biết điều này cũng là quốc sỉ!?


Câu hỏi: “Vai trò của Hội NSVN là như thế nào trong vấn đề này” đang được khá   nhiều bạn đọc và khán giả trong cả nước. Vấn đề còn lại là việc rất nhiều bài hát có tính nghệ thuật và giá trị cao trong kho tàng của nền âm nhạc Việt Nam, những bài hát thường được biểu diễn trong các lễ lạt, vậy mà cũng được tấu sai nhạc. Có khá nhiều ví dụ như thế.

Bài hát “Vì nhân dân quên mình” của Doãn Quang Khải, (câu hát cuối bị sai ở hai từ “quên mình”), bài hát “Qua miền Tây Bắc” của Nguyễn Thành, (câu hát đầu tiên bị sai ở hai từ “vâng lệnh”), hợp xướng “Hồi tưởng” của Hoàng Vân: ngay mở đầu đã sai nhịp, thay vì phách mạnh rơi vào các từ “Trời” và “Sương” ở câu “trời cao trong xanh, sương sớm long lanh”, bây giờ hầu hết những đơn vị biểu diễn bài này đã để phách mạnh rơi vào từ “cao” và “sớm”, thậm chí chỉ huy hợp xướng này sai cả nhịp 2/2 và 5/4 mà không một ai nhắc nhở. Chưa hết.

Chương trình ca nhạc đặc biệt tối 18-5 vừa qua, bài hát “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” của Văn Cao được dàn dựng rất công phu song bị sai một chỗ chí mạng: câu hát cuối là “Cụ Hồ Chí Minh, đế quốc tan tành hết trước sức dâng trào cuốn” đã hát hai từ “đế quốc” và “trước sức” như nhau mà không phải là hơn nhau ½ cung như bản đúng!

Bức xúc tôi alo cho NS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội NSVN, anh Quân hiểu rõ cả và cho rằng có lẽ do “nguồn” bị sai, chính từ đây, tôi và nhiều bạn đã có câu hỏi với tổ chức xã hội nghề nghiệp này rằng vai trò của Hội là ở đâu?

Trước đó, nhân ngày 30-4 vừa qua, nhiều chương trình ca nhạc được thực hiện công phu để chào mừng 40 năm giải phóng miền Nam, nhưng không ít bài hát chưa được các ca sỹ của chúng ta biểu diễn chuẩn xác, chẳng hạn “Bình Trị Thiên khói lửa” (Nguyễn Văn Thương) do nam ca sỹ hát sai khá nhiều chỗ, bài “Tự nguyện” (Trương Quốc Khánh) ca sỹ Thanh Thúy hát câu cuối “cùng anh em quyết tâm cắm cao ngọn cờ” thay vì “phất cao”…


Những ví dụ như thế là không ít. Có người nói, đó chỉ là việc nhỏ, mang tính chất tầm chương trích cú. Hoặc giả có người cao giọng: con đường âm nhạc của chúng ta đang đi là đúng hướng, là rất tốt đẹp…

Xin thưa, cái gọi là con đường âm nhạc ấy, chúng ta chớ nên cao giọng nâng quan điểm để trở thành điều gì đó diệu vợi xa xôi mà hãy hiểu rằng con đường ấy cũng chính là con đường mà hằng ngày chúng ta đang đi mà thôi, và con đường ấy phải được bắt nguốn từ những cái nhỏ nhất.

Có vẻ như để bảo vệ cho con đường này, trên một sân khấu nào đó, người ta đã để mấy bạn trẻ rất táo bạo tranh luận với “người lớn” bằng thứ lập luận không phải là lúc nào cũng hợp lí, ngược lại, phía “người lớn” lại là mấy người thay nhau nói lời sáo rỗng, hoặc giả kể lể ra những tình tiết chỉ nhằm đánh bóng bản thân theo lối ăn theo ngồi ké và điều này đã nhận được sự phản ứng khá gay gắt của nhiều khán giả , trong đó có những cựu chiến binh dày dạn.  


Trong mấy ngày vừa qua, có thể nói các chương trình ca nhạc về Bác Hồ tràn ngập trên báo đài, nhất là VTV1, tuy nhiên nhìn đi ngắm lại toàn thấy các ca khúc mà chẳng có lấy một thể loại lớn nào, không có một giao hưởng hay một vở sân khấu nào có tầm cỡ.

Tôi có đọc đâu đó, rằng Hội NSVN sẽ quyêt tâm xây dựng nền âm nhạc hiện đại và giàu có về thể loại, vậy mà vào dịp kỉ niệm 125 năm ngày sinh của Bác lại quá ư đơn điệu như thế, trong khi đó thì NS Vĩnh Cát đã có 2 tác phẩm lớn về Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vở kịch hát và một vơt kịch múa, được biết là đã được chào hàng song dường như bị rơi vào quên lãng và không ai để ý đến?! 


Con đường âm nhạc mà chúng ta đang đi, đẹp lắm và cũng chông chênh lắm!

NS Nguyễn Lưu

 

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất