Từ vũ công đường phố thành rapper thần tượng của BTS
Chỉ sau một ngày phát hành, More của J-Hope đã đạt vị trí đầu tiên trên các BXH iTunes ở nhiều quốc gia trên thế giới. Toàn bộ vé đêm diễn của J-Hope ở Mỹ đã được bán hết.
Chia sẻ với TIME, ý nghĩa nghệ danh J-Hope, Hoseok cho biết đó là sự kết hợp giữa họ “Jung” trong tên thật là Jung Hoseok và “Hope” tiếng anh là hy vọng. Cái tên này được chính nam thần tượng lựa chọn với mong muốn trở thành người mang đến niềm vui và hy vọng cho mọi người xung quanh.
“Tôi nghĩ sẽ rất ý nghĩa khi có thể trở thành một người giống như nghệ danh của mình, là hy vọng cho ai đó trên thế gian này. Không cần phải trở thành điều gì quá lớn lao, dù chỉ góp một phần nhỏ bé thôi cũng là điều hạnh phúc với tôi”, Hoseok cho biết thêm.
J-Hope là tên gọi mang ý nghĩa hy vọng. Ảnh: Twitter.
Vũ công đường phố thành rapper thần tượng
Không dễ để tìm thấy những thông tin cụ thể về hoàn cảnh xuất thân của J-Hope. Thế nhưng, câu chuyện theo đuổi đam mê của cậu bé tỉnh Gwangju bằng cách nào đó đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều bạn trẻ.
Chia sẻ trên một tạp chí của Nhật, Jung Hoseok cho biết anh từng theo học trường nghệ thuật từ hồi mẫu giáo. Thế nhưng khi đó, chưa bao giờ anh cảm nhận được nghệ thuật chính là đam mê đích thực của đời mình. Nam ca sĩ cho biết: “Có lẽ tôi theo học ở đó chỉ vì gần nhà”.
Thế nhưng, với tính cách năng động, J-Hope dần bị thu hút bởi những điệu nhảy tự do, phóng khoáng. Bởi vậy, anh bắt đầu theo học và sớm bộc lộ năng khiếu về bộ môn này ngay từ năm lớp ba. Một người bạn của J-Hope từng chia sẻ sự uyển chuyển của cơ thể cùng nguồn năng lượng tích cực đặc trưng đã hình thành ở rapper nhóm BTS ngay từ những ngày đầu làm quen với bộ môn nghệ thuật đường phố.
6 năm gắn bó với nhảy múa giúp J-Hope khám phá ra niềm yêu thích ca hát ở bản thân, để rồi dẫn anh đến một quyết định mang tính bước ngoặt - trở thành một thần tượng. Dù không nhận được sự ủng hộ từ phía gia đình, nam ca sĩ vẫn quyết định theo đuổi con đường nghệ thuật chuyên nghiệp.
Năm 2009, cậu bé 15 tuổi đã một mình lên Seoul để tham gia vòng tuyển chọn của JYP. Nỗ lực đi đến vòng thi cuối cùng nhưng không may mắn được chọn, tuy vậy, nam idol vẫn rời đi với những lời khen ngợi và càng thêm vững tin vào bản thân sẽ tỏa sáng trong tương lai. Một năm sau, chàng vũ công đường phố bước sang tuổi 16 với một hành trình mới bằng việc vượt qua vòng tuyển chọn của Big Hit Entertainment và gia nhập BTS.
J-Hope xuất thân là một vũ công đường phố. Ảnh: Weverse.
Cũng từ đây, J-Hope đã có một khoảng thời gian mệt mỏi về tinh thần và thể chất khi phải thường xuyên tập luyện nhưng trong lòng luôn mang dự cảm bất an về năng lực bản thân. Nam idol từng chia sẻ, khi đó anh cảm thấy bản thân bị lạc trong vòng luẩn quẩn giữa rap, nhảy, sáng tác.
Anh dường như biết nhiều thứ nhưng lại không nổi trội ở kỹ năng nào. Thời điểm thi tuyển vào Big Hit, J-Hope đã đăng ký tài năng hát và nhảy. Thế nhưng, khi gia nhập công ty, sao nam sinh năm 1994 lại được đào tạo trở thành rapper. Mặc dù trước đó, anh chưa từng tìm hiểu cũng không có cơ hội tiếp xúc với môn nghệ thuật này. Hơn nữa, việc được đào tạo cùng hai thành viên vốn nổi tiếng về khả năng rap là R.M và Suga càng khiến J-Hope thêm tự ti về bản thân.
Áp lực dồn nén khiến nam idol từng có ý định rời công ty. Thế nhưng sau đó, nhờ tình cảm và sự tin tưởng lẫn nhau, J-Hope đã quyết định tiếp tục đồng hành cùng BTS. Đến khi ra mắt cùng nhóm, anh còn mang mặc cảm tự ti về ngoại hình đến mức phải đeo mặt nạ lên sân khấu biểu diễn. Một số antifan còn đòi tẩy chay và đuổi J-Hope khỏi nhóm chỉ vì ngoại hình kém nổi bật. Thế nhưng nhờ những lời động viên của ARMY (fanclub của BTS), nam rapper nhà Big Hit vẫn tỏa sáng bất chấp ánh nhìn soi mói của dư luận.
Niềm hy vọng và tự hào của BTS
Theo Forbes, sự nhiệt huyết và chăm chỉ trong công việc, tài năng và nhân cách tốt đẹp đều được thể hiện rất rõ ở J-Hope. Đó cũng là lý do giúp anh luôn được mọi người trân trọng và quý mến.
J-Hope được các thành viên tôn trọng gọi là "Đội trưởng Jung". Ảnh: Twitter.
Trước khi đầu quân cho Big Hit và ra mắt cùng BTS với tư cách rapper, J-Hope khá nổi tiếng khi là thành viên của nhóm nhảy underground – Neuron. Bên cạnh đó, anh còn giành được nhiều giải thưởng vũ đạo khi còn ở Gwangju, bao gồm cả giải nhất trong cuộc thi khiêu vũ quốc gia năm 2008.
Sau khi vào nhóm, anh cũng được đặt biệt danh là "đội trưởng vũ đạo” và thường xuyên đảm nhận việc kiểm tra cũng như dạy kèm cho các thành viên còn lại. Thực tế trong nhóm, J-Hope, Jimin và Jung Kook là những thành viên đảm nhận vai trò nhảy chính. Nhưng theo Elite Daily, rapper sinh năm 1994 luôn là người có tiếng nói trong phần vũ đạo của cả nhóm và là ngôi sao của các màn vũ đạo.
Tên gọi “Đội trưởng Jung” xuất phát từ khả năng dẫn dắt cho các thành viên kể từ những ngày còn là thực tập sinh. Bên cạnh đó, anh cũng tham gia dựng động tác cùng các biên đạo nhảy. Dù là trên sân khấu hay trong phòng tập, anh luôn đóng vai trò then chốt trong các màn trình diễn của BTS.
Chia sẻ về học trò trong hội thảo Singapore Workshop 2014, Giám đốc trình diễn của HYBE - Son Seung Deok cho biết: “Cho đến hiện tại, J-Hope vẫn đóng vai trò to lớn trong BTS. Hoseok là người có trách nhiệm cao với công việc trong những buổi luyện tập nên cậu ấy luôn chăm chỉ hướng dẫn các thành viên. Dù R.M là leader của nhóm, về tập luyện vũ đạo, Hoseok là người có sức ảnh hưởng lớn nhất. Cậu ấy sẽ lo ổn định mọi thứ sao cho đúng quy củ”.
Trong video hậu trường chuẩn bị cho tiết mục tại Grammy 2022, J-Hope được tiết lộ dương tính với Covid-19 ngay trước thềm diễn ra sự kiện. Bởi vậy các thành viên đều lo lắng và gặp nhiều khó khăn trong việc ổn định đội hình cũng như thống nhất các động tác phù hợp. Dù các buổi tập đều có sự giám sát của biên đạo cũng như vũ công thay thế cho J-Hope, BTS vẫn không thể có được kết quả như mong muốn.
Chỉ khi "đội trưởng Jung" xuất hiện, dù chỉ trong hai buổi tập cuối cùng, BTS đã thực sự có được sức mạnh vốn có. Thậm chí, Jimin - người thay thế vị trí dẫn dắt các thành viên khi J-Hope vắng mặt cũng phải thú nhận: “Tôi đã rất lo lắng về màn trình diễn của nhóm. Nhưng thật may mắn, J-Hope đã ở đây và mọi việc đã được giải quyết ổn thỏa. Tôi thật sự khó khăn khi không có anh ấy”.
J-Hope luôn nỗ lực để hoàn thiện bản thân ở mọi mặt. Ảnh: Twitter.
Ngoài kỹ năng nhảy, điều khiến mọi người trân trọng và yêu mến J-Hope chính là sự chăm chỉ, nghiêm túc trong công việc. Mặc dù là một vũ công đường phố, J-Hope luôn siêng năng học hỏi và tìm tòi những điều mới mẻ: “Từ việc quan sát chính mình, tôi nhận ra bản thân vẫn lặp lại nhiều bước nhảy, nhịp điệu giống nhau và không có nhiều phân đoạn tạo điểm nhấn khác biệt. Dù vốn quen thuộc trong freestyle, tôi vẫn đang thiếu hụt sự sáng tạo trong việc cảm nhận. Tôi nên cố gắng cải thiện những điểm yếu này trong tương lai”, J-Hope chia sẻ trong một bài phỏng vấn năm 2015.
Trở thành rapper từ con số 0, Hoseok đã học hỏi từ những bài luyện tập và qua việc tiếp xúc với bạn bè đồng trang lứa dày dạn kinh nghiệm - những người thường thể hiện bản thân bằng câu rap gieo vần không cần âm nhạc: “Thay vì cho rằng bị ép phải học rap, tôi đã dung nạp rap một cách tự nhiên từ trong cuộc sống thường nhật”.
Và cuối cùng, anh cũng cho thấy khả năng không hề kém cạnh, thậm chí đã có thể rap freestyle xuyên đêm cùng Suga. Từ rap đến sáng tác, J-Hope đều dồn hết tâm huyết để học hỏi và trau dồi bản thân. Cũng chính sự chăm chỉ và nghiêm túc trong công việc đã giúp J-Hope trở thành thành viên đa tài nhất của BTS. Anh cũng là người được các thành viên tin tưởng và tham khảo ý kiến mỗi khi gặp vướng mắc.
Theo lời J-Hope chia sẻ trên tạp chí của Nhật, thời gian đầu mới ra mắt, nhóm phải ghi hình vũ đạo của We Are Bulletproof, Pt.2 mỗi ngày trong vòng ba tháng liền, dẫn đến sự ảnh hưởng về sức khỏe: “Có những lúc tôi đã gục ngã. Tôi bị thương nhiều lắm. Cũng có lúc máu tụ xuống bàn chân nhiều đến mức phải đi rút bớt ra”.
Thế nhưng chính tâm huyết mà đội trưởng Jung dành cho các màn biểu diễn và cho những kế hoạch phía trước của nhóm đã đánh bại tất cả, để rồi “mọi cố gắng cùng nỗ lực của BTS cho tới hiện tại đã được đền đáp”.
Một YouTuber đã tiết lộ về trải nghiệm tại buổi thử giọng và luyện tập với J-Hope: “Ngoài khả năng nhảy điêu luyện ở tuổi 15, điều khiến tôi nhớ nhất là tính cách của cậu ấy. Khi tuổi còn nhỏ, cậu ấy đã rất ý thức và nghiêm túc với đam mê của mình. Bởi vì tôi biết anh ấy là người như thế nào, tôi thực sự hạnh phúc khi BTS thành công như hiện tại”.
Thành công hiện tại là kết quả xứng đáng của J-Hope sau những nỗ lực không mệt mỏi. Ảnh: Twitter.
Cũng trải qua khó khăn và áp lực giống như bất kỳ ai, thế nhưng J-Hope luôn giấu đi những cảm xúc của bản thân để mang đến nguồn năng lượng tích cực cho mọi người xung quanh. Anh luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cũng là cầu nối gắn kết chặt chẽ mọi người trong nhóm. Các thành viên từng chia sẻ trong Festa Dinner 2019, J-Hope luôn chăm sóc, quan tâm và mang lại cảm giác ấm áp khi ở cạnh. Anh luôn lắng nghe, động viên và nói lời biết ơn với tất cả mọi điều xung quanh. Thành viên V cũng thừa nhận: “J-Hope là người tốt bụng nhất mà anh từng gặp”.
Không chỉ riêng BTS, một thành viên trong đội sản xuất Daydream cũng từng chia sẻ ấn tượng về lần hợp tác với J-Hope: “Ngay cả khi BTS đang ở đỉnh cao danh vọng, anh ấy thực sự có một nhân cách tuyệt vời. Đó là khi buổi quay hình sắp kết thúc, ai nấy đều đã thấm mệt. Nhưng J-Hope khiến tôi bất ngờ với nguồn năng lượng tràn đầy đến những phút cuối cùng. Anh ấy thực sự đã mang đến động lực và cảm hứng làm việc cho mọi người xung quanh. Đây chắc hẳn là lý do anh ấy đạt thành công như hiện tại”.
RM - trưởng nhóm BTS cũng đã nói với Big Hit rằng họ không thể ra mắt nếu không có J-Hope: “Tôi đã nói với họ rằng chúng tôi cần Jung Hoseok. Chúng tôi không thể làm nên bất cứ điều gì nếu không có anh ấy”. Và cuối cùng, BTS cũng như ARMY đã có một J-Hope mang thông điệp: "Tôi là hy vọng của bạn, bạn là hy vọng của tôi, tôi là J-Hope”.
Một J-Hope ngày càng hoàn thiện
“Mọi người biết tôi, và tôi biết tôi là người trong mắt công chúng. Tôi muốn chứng tỏ rằng đằng sau nhân vật của công chúng này là một chàng trai bình thường tên Jung Hoseok. Tôi muốn sử dụng âm nhạc như một lối thoát để nói về những mong muốn của bản thân”, J-Hope chia sẻ trên Weverse.
J-Hope muốn thể hiện nhiều khía cạnh bản thân qua âm nhạc của riêng anh. Ảnh: Bighit.
Vào thời điểm BTS đã ở đỉnh cao danh vọng, J-Hope tiếp tục trở thành niềm tự hào của BTS khi là người tiên phong trong việc tạo ra âm nhạc mang tính biểu tượng của một nghệ sĩ solo. Với concept rùng rợn trong More, J-Hope đã thể hiện khía cạnh đen tối và phá cách, phản ánh cảm xúc muốn làm nhiều hơn, thể hiện nhiều hơn nữa của anh.
Ở J-Hope, có "nhiều hơn" vai trò là rapper và vũ công của BTS và anh ấy đã thể hiện điều đó bằng âm nhạc. Với sản phẩm này, rapper sinh năm 1994 mong muốn thể hiện nhiều hơn màu sắc cá nhân, không còn Hobi với nụ cười tỏa nắng thường thấy mà là một Jung Hoseok ngoài đời thực: "Danh tiếng, tiền bạc không phải là tất cả, tôi đã hiểu được điều đó. Công việc đang làm khiến tôi dễ thở, vậy nên đó chính là điều khiến tôi mong muốn nhiều hơn".
Chỉ sau một ngày phát hành, More của J-Hope đã đạt vị trí đầu tiên trên các BXH iTunes ở nhiều quốc gia trên thế giới. Anh ra mắt thành công trên BXH Top nghệ sĩ toàn cầu của Spotify với vị trí 104 theo cập nhật mới nhất. Điều này đưa J-Hope trở thành nghệ sĩ solo Hàn Quốc có thứ hạng cao nhất trong lịch sử Spotify.
Bên cạnh đó, rapper quê Gwangju sẽ làm nên lịch sử với tư cách là nghệ sĩ Hàn Quốc đầu tiên biểu diễn chính tại một lễ hội âm nhạc lớn trên đất Mỹ - Lollapalooza. Mới đây, truyền thông đã đưa tin toàn bộ vé đêm diễn của J-Hope đã được bán hết. Điều này một lần nữa chứng minh sức ảnh hưởng của nam rapper 9X dù với tư cách là thành viên của BTS hay nghệ sĩ solo.
Theo Zing
theo nguồn https://2sao.vn/nhac-c-aap/
Video được xem nhiều nhất