Có nên cho sao nhí Việt tham gia truyền hình thực tế?

Tiin - 21/04/2016, 13:45

"Sự ác miệng của người đời sẽ tác động vô cùng lớn đến đối tượng được phán xét, nhất là trẻ nhỏ".

 
 

 

 

Mới đây Trung Quốc đã đưa lệnh cấm sản xuất và phát sóng đối với hàng loạt chương trình giải trí, truyền hình thực tế có trẻ em tham gia. Lý do được cho là chính phủ nước này lo ngại các tác động tiêu cực đến tinh thần, thể chất của trẻ em nếu nổi tiếng sớm.

Chương trình truyền hình thực tế 'Bố ơi mình đi đâu thế' phiên bản Hoa ngữ bị dừng phát sóng

Ngoài ra theo cơ quan quản lý nước này, việc trẻ em tham gia show truyền hình quá sớm, được lăng xê tên tuổi, trở thành ngôi sao chỉ sau một đêm là phản giáo dục, ảnh hưởng đến sự phát triển sau này của trẻ.

Lệnh cấm đã gây tranh cãi trong cộng đồng mạng lẫn những nhà sản xuất các chương trình giải trí. Tại Việt Nam, show thực tế có trẻ em tham gia đang ngày càng nở rộ. Liệu điều này có ảnh hưởng gì đến tâm lý của các bé khi tham gia?

Để hiểu rõ hơn về tác động của truyền hình thực tế với trẻ nhỏ, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chị Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục trẻ nhỏ, hiện công tác tại khoa giáo dục trẻ em tại Đại học Sư phạm. 

Chị Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục về trẻ nhỏ thuộc Đại học Sư phạm Hà Nội

Trẻ em có thể sẽ sốc khi tham gia chương trình truyền hình thực tế

Chị suy nghĩ như thế nào về việc Tổng cục điện ảnh, phát thanh và truyền hình Trung Quốc đưa ra lệnh cấm đối với các chương trình truyền hình thực tế tập trung vào trẻ nhỏ?

Tôi nghĩ, các chương trình cũng khá thú vị nếu như đó là để vui vẻ thoải mái. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc đang ở trong vấn nạn bệnh thành tích thì việc cấm này có lẽ là phù hợp.

Chúng ta đừng quên những vấn đề của các diễn viên nhí nổi tiếng thế giới gặp phải như ngôi sao phim Ở nhà một mình Macaulay Culkin. Chính điều này đã khiến cho những nhà lập pháp của Trung Quốc phải suy nghĩ và theo tôi, quyết định của họ là hợp lý.

Với tư cách một chuyên gia tâm lý, chị nhận thấy tâm lý trẻ nhỏ thay đổi như thế nào khi nổi tiếng qua các chương trình truyền hình thực tế?

Theo tôi, phần lớn các em sẽ háo hức khi chuẩn bị tham gia, cảm thấy mệt mỏi khi chịu đựng áp lực của các cuộc thi, vui mừng sung sướng khi thắng và sau đó là tự mãn, tự kiêu đến mức khó kiểm soát, và không vâng lời bố mẹ nữa. Còn nếu thất bại thì sẽ buồn, tủi thân và có thể cả xấu hổ, thu mình lại nữa.

Ngôi sao 'Ở nhà một mình' Macaulay Culkin sống sa đọa sau khi trở thành ngôi sao quá sớm

Theo chị những bình luận, ý kiến nhận xét khen và chê về hình ảnh của các em nhỏ trong một chương trình truyền hình thực tế sẽ tác động ra sao tới tâm lý trẻ nhỏ?

Với những lời ca ngợi nhiều khi hơi quá đà của mọi người, trẻ có thể hơi ảo tưởng về bản thân. Từ đó, trẻ dễ rơi vào suy nghĩ chủ quan hoặc thiếu khiêm tốn. Với lý do này, trẻ có thể mắc các sai lầm hoặc thất bại và điều đó lại làm trẻ một lần nữa điêu đứng.

Còn với những lời chê, có thể nói, sự ác miệng của người đời sẽ tác động vô cùng lớn đến đối tượng được phán xét. Ngay kể cả bản thân tôi là người lớn, biết việc mình làm, chuẩn bị tinh thần cho mọi sóng gió của dư luận mà nhiều khi còn cảm thấy mệt mỏi và khó chịu vì những lời bình luận ác ý. Với trẻ em, điều này thật không hề đơn giản.

Trẻ có thể sẽ rất sốc, có thể rơi vào trạng thái thiếu tự tin hoặc trầm cảm. Điều này đúng là một cái giá quá đắt cho vài phút vinh quang trên sân khấu.


Cha mẹ cần có bản lĩnh khi đưa con tham gia show thực tế

Theo chị, những chương trình truyền hình thực tế tập trung vào trẻ nhỏ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý trẻ và bố mẹ của trẻ?

Cuộc sống và tâm lý của các bé sẽ có nhiều xáo trộn. Các cha mẹ sẽ khó nắm bắt tâm lý và tình cảm của con hơn, các con cũng khó kiểm soát được suy nghĩ và hành động của mình hơn. Từ đó, mọi vấn đề sẽ nảy sinh trong gia đình, trong nhà trường của con và có thể làm con cảm thấy quá áp lực. Con có thể sẽ bùng nổ và có các hành vi ứng xử cực đoan.

'Trẻ có thể sẽ rất sốc, có thể rơi vào trạng thái thiếu tự tin hoặc trầm cảm vì show thực tế'

Vậy theo chị, điều cần thiết bậc phụ huynh nên làm nếu muốn cho con tham gia vào các show truyền hình thực tế hay các chương trình giải trí thiếu nhi mà không ảnh hưởng tới việc phát triển tâm lý của con là gì?

Có lẽ nếu các show ngắn, tốn ít thời gian của con thì cũng không có vấn đề gì nếu như cha mẹ không ép con phải luyện tập để chiến thắng, chỉ tham gia chơi cho vui thôi, và sau khi kết thúc “cuộc vui” con quay về cuộc sống bình thường, không xáo trộn thì cũng chẳng có vấn đề gì lớn xảy ra.

Để điều đó có thể thực hiện được, chắc chắn cha mẹ cần có một bản lĩnh và tấm lòng yêu thương con vô bờ bến và có tâm lý thật thoải mái cùng với cách cư xử tự nhiên. Được như vậy, các chương trình truyền hình thực tế cũng chẳng ảnh hưởng gì lắm đến trẻ.

Còn với những trẻ nhỏ trở nên nổi tiếng chỉ sau một chương trình giải trí, cha mẹ của các bé rất dễ bị tác động bởi việc các bé sẽ dễ dàng kiếm được hợp đồng quảng cáo có giá trị lớn hay lời mời tham gia sự kiện, chương trình giải trí, đóng phim… thì sao?

Trẻ nhỏ theo pháp luật các nước là đối tượng được nuôi dưỡng. Vì thế, việc đẩy 1 đứa trẻ ra ngoài kiếm tiền là việc không những không nên mà còn là trái pháp luật.

Trẻ cần được học tập để chuẩn bị cho tương lai. Không nói đến những tác động xấu về tâm lý tụi nhỏ, việc tham gia các công tác kiếm tiền này còn làm trẻ mất đi nhiều thời gian và cơ hội học tập.

Có nhiều ý kiến cho rằng luật cấm của Trung Quốc 'không cho trẻ dưới 10 tuổi tham gia mọi quảng cáo' là không khả thi. Theo chị, việc để trẻ nhỏ dưới 10 tuổi đóng quảng cáo nên hay không?

Nếu là công việc đóng phim trong thời gian nghỉ hè thì có thể coi đó là một trải nghiệm thú vị cho trẻ. Nhưng nếu nghỉ học để đi đóng quảng cáo hay tham gia các buổi hoạt động kiếm tiền thì chắc chắn là không nên.

Cảm ơn chị về những chia sẻ!

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất