Có một nơi trên Trái đất giống sao Hỏa y hệt, và ở đó có sự sống
Giới khoa học gọi đây là "bản sao của Sao Hỏa", và thêm một lần nữa giúp họ có một niềm tin vào cái gọi là "sự sống trên sao Hỏa".
- Điều gì sẽ xảy ra nếu loài bò chưa từng tồn tại trên Trái đất này?
- Thiên thạch khổng lồ to hơn cả tòa nhà cao nhất thế giới đang lao về phía Trái đất
- Tìm ra nguồn nước "uống được" khổng lồ trên sao Hỏa, hoàn toàn nằm trong phạm vi có thể khai thác
- 5 hiện tượng lạ chứng minh rằng Trái đất ta vô cùng bí ẩn
- Phát hiện sinh vật kỳ dị ở Nam Cực: Khoa học phải nghĩ lại việc tìm sự sống ngoài Trái Đất
Việc có hay không có sự sống trên sao Hỏa từ lâu đã là chủ đề nóng hổi đối với các nhà nghiên cứu về khoa học vũ trụ. Đặc biệt là trong bối cảnh con người đang lên kế hoạch chinh phục sao Hỏa trong một vài thập kỷ tới, con người càng mong sao Hỏa có đủ điều kiện để duy trì sự sống hơn.
Tuy nhiên, niềm tin của họ đã được củng cố rất nhiều. Lý do là vì trên Trái đất có một nơi được cho là "bản sao của Sao Hỏa" - đó là sa mạc Atacama thuộc Chile. Và mới đây khoa học đã có một phát hiện rất lớn: xác nhận sự sống có thể tồn tại ở nơi này.
Sa mạc Atacama có môi trường giống hệt sao Hỏa
Sa mạc Atacama nằm sát bờ Tây Nam Mỹ, là một "địa ngục trần gian" đúng nghĩa. Đây là một trong những địa điểm khô hạn nhất hành tinh, thậm chí có thời điểm chẳng rơi lấy một giọt mưa trong hàng thế kỷ. Đó là lý do sa mạc này được xem là nơi giống nhất với hành tinh Đỏ.
Nhưng lần đầu tiên trong lịch sử, các chuyên gia đã quan sát được sự sống dưới dạng vi sinh vật đang sinh sôi nảy nở ở ngay giữa lòng chảo Atacama, và thậm chí còn hình thành cả một hệ sinh thái.
"Ý tưởng luôn ám ảnh tôi, đó là về một địa điểm mà con người nghĩ không thứ gì tồn tại được, và rồi tìm ra sự sống đang đâm chồi ở đó" - trích lời Dirk Schulze-Makuch, chuyên gia từ ĐH Bang Washington.
"Nếu sự sống có thể tồn tại ở nơi kinh khủng nhất trên Trái đất, rất có thể chúng cũng tồn tại trên sao Hỏa, nơi có môi trường sống tương tự."
Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên vi khuẩn được tìm thấy tại Atacama. Tuy nhiên những nghiên cứu trước kia cho rằng sự sống thực chất được mang đến từ một nơi khác bởi các hiện tượng trong khí quyển.
Nhưng lần này, các chuyên gia tìm được bằng chứng cho thấy đây là những vi khuẩn bản địa, hoặc đã được "bản địa hóa" để sống sót trong môi trường khắc nghiệt.
Để có được thành quả này là cả một quá trình. Đầu tiên khi Schulze-Makuch và cộng sự đến Atacama vào năm 2015, mưa đã rơi trên sa mạc lần đầu tiên sau 40 năm. Sau cơn mưa, đúng như dự đoán, họ phát hiện vi khuẩn xuất hiện một cách bùng nổ, nhưng cho rằng số vi khuẩn này sẽ sớm biến mất vì khí hậu nơi này quá khắc nghiệt.
Tiếp sau đó là 2 cuộc thám hiểm vào năm 2016 và 2017. Lần này thì không có mưa nữa, và dấu hiệu của sự sống cũng dần biến mất. Tuy nhiên, một số xét nghiệm di truyền lại cho thấy vi sinh vật đã tiến hóa để tồn tại ở nơi khủng khiếp này.
Cộng đồng vi khuẩn này sống ở độ sâu khoảng 1m. Chúng có khả năng tồn tại bằng cách đi vào trạng thái "hoãn" trao đổi chất, nhằm chờ đợi một đợt tiếp tế nước hiếm hoi khác trong tương lai. Và khả năng tồn tại ấy là cực kỳ dài - lên tới hàng ngàn năm.
Biết đâu đấy, điều này lại có nghĩa trên sao Hỏa có sự sống?
"Đây là lần đầu tiên chúng ta tìm thấy sự sống đang tồn tại dưới nền đất của sa mạc Atacama" - Schulze-Makuch cho biết.
"Chúng tôi tin rằng chúng có thể sống tới hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm ở môi trường sống giống như những gì chúng ta sẽ tìm thấy trên Sao Hỏa. Rồi sau đó tất cả lại sinh sôi khi mưa xuống."
Tất nhiên, tìm ra sự sống tại Atacama không đồng nghĩa với việc sao Hỏa cũng có sự sống. Sao Hỏa vẫn khô hơn, lạnh hơn, và khắc nghiệt hơn.
Thế nhưng đây vẫn là một hy vọng. Lũ vi khuẩn đói khát tại Atacama thực sự là những thứ gần gũi với sao Hỏa nhất mà chúng ta có thể thấy được trên Trái đất.
"Chúng ta vẫn biết có nước dưới dạng băng đá trên sao Hỏa, thậm chí còn có nước chảy nữa." - Schulze-Makuch cho biết.
"Nếu sự sống đã từng xuất hiện trên sao Hỏa, chúng tôi tin rằng sẽ tìm được một số chủng vi khuẩn dưới lớp đất siêu khô hạn ở đó."
Nghiên cứu được công bố trên Kỷ yếu của viện Khoa học Hàn Lâm quốc gia (Mỹ).
Video được xem nhiều nhất