Chuyện gì sẽ xảy ra khi kinh nguyệt đến trên... vũ trụ?

Kênh 14 - 24/04/2016, 14:14

Kinh nguyệt - hiện tượng hoàn toàn tự nhiên của cơ thể sẽ khác biệt như thế nào trong môi trường không gian vũ trụ?

Là con gái, chắc chẳng ai mong cái ngày "bị" đến cả, đơn giản là vì đó là những ngày cơ thể cảm thấy cực kỳ khó chịu. Mà cũng thật "éo le cây me", vì kinh nguyệt không đến thì quả là "truyện ngắn kinh dị", mà đến thì thấy ức chế, nhất là với nhưng người có kỳ kinh kéo dài đến cả tuần. Quả thực, là con gái đôi lúc cũng chẳng vui sướng gì.

 - Ảnh 1.

 

Và giờ hãy đến với vấn đề của ngày hôm nay. Điều gì sẽ xảy ra nếu như kỳ kinh nguyệt ác mộng đó lại đến khi bạn đang ở trong vũ trụ? Đây thực chất cũng là một điều bí ẩn với NASA vào thuở du hành vũ trụ còn sơ khai.

Trước năm 1983, khi Sally Ride - nữ du hành gia người Mỹ đầu tiên lên vũ trụ, thì vấn đề này chưa bao giờ được các nhà khoa học để tâm. Vì thế để chuẩn bị cho nhiệm vụ kéo dài 1 tuần của Sally, NASA thậm chí đã gói theo tới... hơn 100 băng vệ sinh tampon. Điều này cũng không có gì lạ, khi một số người thậm chí đã cảnh báo rằng máu sẽ tuôn không ngừng, hoặc chảy ngược vào tử cung, khiến các nữ du hành gia gặp tai hoạ.

 - Ảnh 2.

 

Nhưng rốt cục, 100 cái tampon của NASA là quá nhiều, vì câu chuyện "đến ngày" trong vũ trụ hoá ra cũng không khác biệt so với trên Trái đất. Trong hàng thập kỷ tiếp theo, các nữ du hành vẫn sống và làm việc luân phiên trên vũ trụ mà không gặp trở ngại gì liên quan đến kinh nguyệt.

Vấn đề đáng lo ngại trong dài hạn

Tuy nhiên, ở đây lại nảy sinh một vấn đề, đó là thông tin về kinh nguyệt trong vũ trụ đều chỉ dành cho những nhiệm vụ ngắn hạn. Vậy trong dài hạn thì sao? Giả sử như một nhà khoa học nữ tham gia vào hành trình chinh phục sao Hỏa - nhiệm vụ phải mất 1 năm "lênh đênh" trong vũ trụ - thì điều gì sẽ xảy ra?

 - Ảnh 3.

 

Theo các chuyên gia, hệ thống xử lý chất thải trên Trạm không gian quốc tế ISS không thể xử lý máu kinh nguyệt, vì toilet được nối tới hệ thống thu hồi nước. Hệ thống này sẽ biến nước tiểu thành nước uống được, nhưng nếu có máu kinh thì toàn bộ số nước sẽ phải đổ đi hết.

Chính vì thế, các nữ du hành gia thường lựa chọn uống thuốc tránh thai nhằm bỏ qua cái chuyện "bị" trong những ngày làm việc trên vũ trụ. Một số người lựa chọn sử dụng biện pháp đặt vòng tránh thai có nội tiết tố để ngăn kinh nguyệt đến gần. Số khác lại chọn cách tiêm hormone.

Nên hay không nên hoãn kinh nguyệt?

Theo Kristin Jackson - chuyên gia vật lý tại Florida (Mỹ) cho rằng việc bỏ qua kinh nguyệt là hoàn toàn bình thường và an toàn. Trong đó, 2 cách hiệu quả nhất là thuốc tránh thai và đặt vòng.

Varsha Jain - chuyên gia thuộc ĐH King's College London cũng đồng tình: "Các nghiên cứu trong quân đội cho thấy nữ quân nhân thường hoãn kỳ kinh khi đang làm nhiệm vụ. Điều này cho thấy các nữ du hành gia cũng có thể làm vậy" .

Tuy nhiên, Jain cho biết việc sử dụng thuốc tránh thai dù hiệu quả nhưng sẽ không khả thi. Lý do là vì... không đủ chỗ chứa. Số lượng thuốc cần cho một nữ du hành gia trong nhiệm vụ kéo dài 3 năm là khoảng 1.100 viên, khiến khối lượng khoang hàng trở nên nặng nề, giảm hiệu quả chuyến bay.

Vây là chỉ còn lựa chọn là đặt vòng. Tuy nhiên, sự an toàn của phương pháp này trong dài hạn cũng cần phải xem xét lại bằng một số nghiên cứu sâu hơn.

Nguồn: Science Alert

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất