Cận cảnh quy trình làm thực phẩm giả giống như đúc của người Nhật
Nghệ thuật làm thực phẩm giả để trưng bày của người Nhật thực sự tinh tế và đáng ngưỡng mộ.
Tại Nhật Bản, món ăn giả được sử dụng rất phổ biến để trưng bày tại mặt tiền các quán ăn, giúp khách hàng hình dung một cách trực quan nhất những món ăn trong cửa hàng.
Vì thế các loại thực phẩm, món ăn giả được chế tạo sao cho càng giống thật càng tốt, và hiện nay chúng gần như đạt đến độ hoàn mỹ. Bạn có lẽ sẽ khó mà phân biệt được món ăn nào là thực, cho đến khi chạm vào hoặc thậm chí là… bỏ vào miệng.
Bài viết sau sẽ giúp bạn tìm hiểu chi tiết cách thức người Nhật dùng để chế tạo ra món ăn giả tinh xảo đến mức có thể khiến thực khách chỉ nhìn thôi đã... "nhỏ nước miếng".
Để làm mô hình món ăn nào đó thì điều đầu tiên cần làm là phải đo đạc thật kĩ lưỡng kích thước của món ăn thật do nhà hàng cung cấp, để đảm bảo mô hình có kích thước tương đương món ăn thật.
Sau khi đã có kích thước cụ thể (chiều dài, chiều rộng, độ cao) của món ăn thật thì quy trình tạo ra mô hình món ăn giả mới bắt đầu được tiến hành. Ở đây, chúng ta sẽ xem quy trình tạo mô hình món sushi - một món ăn rất nổi tiếng của Nhật Bản.
Công đoạn đầu tiên là tạo ra những chiếc khuôn cho sản phẩm. Những miếng thức ăn thật được rửa sạch sẽ, đặt vào trong khay và phủ lên trên một lớp silicon lỏng.
Vài ngày sau, khi silicon đã khô, người ta lấy món ăn thật ra, để lại khuôn đúc silicon bản sao của món ăn.
Tiếp đến, nguyên liệu nhựa dẻo tổng hợp được pha màu giống món ăn thật, sau đó đổ vào khuôn. Khi hoàn thành công đoạn này, toàn bộ khuôn đúc sẽ được cho vào lò hấp.
Trong lúc chờ đợi, các công nhân sẽ chuẩn bị phần cơm cho món sushi và tất nhiên hạt cơm cũng được làm bằng nhựa.
Số lượng hạt cơm được đong đếm cẩn thận rồi cho ra tô, pha cùng một ít keo để tạo độ kết dính - bắt chước độ dẻo của cơm thật. Phần cơm trộn keo sau đó được tạo hình sao cho giống với phần cơm sushi thật nhất.
Các mô hình đúc khuôn trong lò giờ đã khô, tuy nhiên chúng vẫn trông chưa giống y hệt với món thật mà còn cần phải trải qua khâu sơn phết.
Sơn phết là một trong những khâu quan trọng nhất trong quy trình chế tạo, đòi hỏi các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm và khéo léo.
Màu sắc của sơn ảnh hưởng lớn đến chất lượng của mô hình, do đó người ta dùng máy phun màu trong trang trí bánh kem để có có thể tạo ra những đường sơn thật tỉ mỉ.
Chỉ cần vài đường sơn, món ăn giả đã trông thật hơn hẳn so với ban đầu. Công đoạn sơn phải được tiến hành thủ công, bởi cho dù cùng một món ăn thật nhưng tùy theo cách chế biến mà sẽ có màu sắc khác nhau.
Qua khâu trình bày, từng miếng thức ăn được đặt trên nắm cơm giả. Một miếng vải nhỏ màu sẫm giống với màu rong biển được sử dụng để giữ phần thức ăn và cơm lại với nhau nhằm cho ra hình món sushi hoàn hảo.
Cuối cùng, món ăn giả được phết lên bề mặt một lớp keo bóng để trông giống như một món ăn hoàn toàn tươi mới.
Bây giờ, món sushi phong phú với đầy đủ cá ngừ, tôm, thịt bò, cá hồi, trứng cá hồi đã hoàn tất. Trông chúng vô cùng ngon mắt và trên hết là giống y như thật nữa chứ. Nếu chỉ nhìn qua, hẳn không ít người sẽ nhầm lẫn về món ăn thật và giả này.
Bạn đã thấy "thèm thuồng" trước những miếng sushi như thật này chưa? Nếu vẫn chưa thỏa mãn, xin mời xem video dưới đây để thưởng thức nghệ thuật làm thực phẩm giả của người Nhật, đã được người Hàn Quốc vận dụng tinh tế đến như thế nào.
Video được xem nhiều nhất