Bức tượng Phật 700 năm bị rễ cây nuốt chửng hé lộ sự tương đồng với nghệ thuật điêu khắc nổi tiếng nhất châu Âu

Kênh 14 - 05/02/2018, 08:21

Đó chính là trường phái nghệ thuật lập thể - mới chỉ ra đời từ thế kỷ 20. Thế nhưng từ 700 năm trước, một bức tượng phật của Thái Lan đã ứng dụng trường phái này một cách thành thục.

Khi ngắm nhìn tấm ảnh chụp bức tượng đầu Phật - một trong những tấm ảnh lọt vào vòng chung kết Giải thưởng Tấm ảnh Lịch sử của Năm, nhà phê bình Kelly Grovier đã tìm thấy sự tương đồng nghệ thuật giữa bức tượng và tác phẩm của Picasso và Cézanne.

 - Ảnh 1.

Tấm ảnh chụp bức tượng đầu Phật – một trong những tấm ảnh lọt vào vòng chung kết Giải thưởng Tấm ảnh Lịch sử của Năm

Bức tượng Phật ẩn mình trong rễ cây

Nhiếp ảnh gia chuyên về du lịch Mathew Browne đã bắt gặp khối tượng Phật bị kẹt trong rễ cây này trong chuyến đi đến ngôi chùa có từ thế kỷ 14 - chùa Mahathat ở miền Trung Thái Lan.

 - Ảnh 2.

 

 - Ảnh 3.

Chùa Mahathat ở miền Trung Thái Lan

Trong bức ảnh, Browne chỉ sử dụng hai tông màu trắng đen. Có thể thấy, gương mặt hiền hòa, an nhiên của Đức Phật ló ra một cách lạ lùng qua lớp rễ cây. Cái nhìn có vẻ lờ đờ, như thể đang cố chống lại việc mí mắt cứ từ từ muốn sụp xuống. Thêm vào đó là khung cảnh hoang sơ với những chùm rễ cây và khối tượng đá quấn chặt vào nhau, bức ảnh đã gây nên một xúc cảm mãnh liệt.

Điều lôi cuốn nhất ở bức ảnh là nó tạo ấn tượng mạnh mẽ về sự nuốt chửng của tự nhiên. Đó là cảm giác thiên nhiên đang từ từ xóa đi tất cả mọi dấu vết mà một nhà điêu khắc xa xưa để lại qua một bức tượng Phật được tạo tác từ gần 700 năm trước. Đó là cảm giác giống như khi chúng ta đến viếng nghĩa trang và nhìn thấy những dòng tên người mất khắc trên bia mộ không còn đọc được, vì bị ẩn khuất đằng sau lớp rong rêu và tơ nhện.

Tuy nhiên, nhìn một lần nữa vào nét mặt bí hiểm của tượng Phật, chúng ta sẽ thấy một sự cân bằng mà ít người nghĩ đến. Dù bị cây cối xung quanh chèn ép một cách tàn nhẫn, gương mặt vẫn toát ra nụ cười mờ nhạt có tự bao giờ - một nụ cười lặng lẽ trong khung cảnh ảm đạm.

Cho dù có vẻ sầu khổ thế nào đi nữa, vẻ mặt bức tượng Phật vẫn ánh lên một sự kiên cường kỳ lạ, khiến ta thoát khỏi cảm giác hoàn toàn tuyệt vọng. 

Vẻ đẹp đó chính là một tài hoa trong điêu khắc lập thể

Có thể thấy, gương mặt bức tượng Phật này trông như một chiếc mặt nạ - mũi được đẽo gọt rất sắc, cằm thì góc cạnh. Đó chính là một tác phẩm tiêu biểu của chủ nghĩa lập thể - thứ ra đời từ thế kỷ 20, với người tiên phong là họa sỹ Pháp - Paul Cézanne.

Điều đáng nói chính là chùm tranh khai phá mà họa sỹ tiên phong của trường phái này sáng tác trong thời gian 10 năm cuối đời đã không được trưng bày cho công chúng xem. Mãi đến sau khi ông qua đời vào năm 1906, các tác phẩm mới được công bố, và chúng đã kích thích trí tưởng tượng của các họa sỹ Pablo Picasso và Georges Braque.

 - Ảnh 4.

Chân dung danh họa Picasso

Lấy cảm hứng từ ý tưởng của Cézanne trong việc đưa xương thịt vào những khối đá điêu khắc và biến không gian xung quanh các nhân vật thành những đường nét rõ ràng và cụ thể, Picasso đã bắt đầu thử nghiệm.

Trong số các tác phẩm đầu tiên mà Picasso lấy cảm hứng từ Cézanne chính là bức chân dung của nhà buôn bán Ambroise Vollard. Ambroise Vollard cũng là người cũng đã giúp quảng bá cho các danh họa Paul Gauguin và Vincent van Gogh.

 - Ảnh 5.

Bức chân dung của nhà buôn bán Ambroise Vollard

Được đặt cạnh bức ảnh chụp ở Thái Lan, bức "Chân dung của Ambroise Vollard" tạo ra một cảm giác thân thiện không ngờ.

Cả hai tác phẩm đều ẩn hiện trong đó chiều sâu của nghệ thuật, tạo nên những xúc cảm đan cài vào nhau: vừa khắc khổ vừa vui sướng, vừa tuyệt vọng vừa an nhiên.

 

Theo Ta Ta/Trí thức trẻ
Nguồn: BBC

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất