200 triệu năm nữa, Trái Đất chỉ còn một châu lục
Các nhà khoa học cho rằng các châu lục trên Trái Đất sẽ nhập lại làm một trong tương lai. Điều này cũng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến khí hậu của hành tinh xanh.
Siêu châu lục - một lục địa đất đai rộng lớn được hình thành từ nhiều lục địa nhỏ - sẽ xuất hiện trên Trái Đất sau 200 triệu năm nữa. Các nhà khoa học vừa công bố kết quả nghiên cứu về “tương lai” của Trái Đất hôm 8/12 trong buổi họp hàng năm của Hiệp hội Địa lý Mỹ (AGU).
Họ đưa ra 2 kịch bản: Thứ nhất, khoảng 200 triệu năm nữa, gần như tất cả lục địa sẽ dồn về Bắc Bán cầu trong khi Nam Bán cầu chỉ còn duy nhất Nam Cực. Trong kịch bản thứ 2, khoảng 250 triệu năm nữa, một siêu lục địa sẽ hình thành xung quanh đường xích đạo và trải dài sang 2 phía bán cầu.
200 triệu năm nữa, các châu lục sẽ tiến gần nhau và hình thành một "siêu châu lục" mới ở vị trí xung quanh đường xích đạo. Ảnh: Science Alert. |
Các nhà khoa học cũng rất ngạc nhiên khi phát hiện ra khi các lục địa bị đẩy vào nhau, nhiệt độ toàn cầu sẽ giảm mạnh. Kết quả là Trái Đất sẽ trải qua một đợt đóng băng, kéo dài ít nhất 100 triệu năm.
Các lục địa trên Trái Đất không phải lúc nào trông cũng giống ngày nay. Theo Michael Way, nhà khoa học vật lý tại Viện Nghiên cứu Vũ trụ NASA Goddard, tác giả chính của nghiên cứu, hành tinh xanh đã trải qua nhiều thời kỳ biến đổi trong 3 tỷ năm qua.
Siêu lục địa xuất hiện gần đây nhất là Pangea, tồn tại từ khoảng 300 triệu đến 200 triệu năm trước, bao gồm châu Phi, châu Âu, Bắc và Nam Mỹ ngày nay. Trước Pangea, siêu lục địa Rodinia tồn tại khoảng 900 triệu đến 700 triệu năm trước. Trước đó nữa, siêu lục địa Nuna hình thành cách đây 1,6 tỷ năm và tan rã 1,4 tỷ năm trước.
Cũng theo nghiên cứu của Way, sau 250 triệu năm nữa, Trái Đất sẽ quay chậm hơn một chút so với hiện nay. “Trái Đất sẽ quay ngày càng chậm hơn. Nếu tiến tới 250 triệu năm sau, một ngày sẽ dài thêm khoảng 30 phút”, Way nói.
Độ sáng của mặt trời cũng sẽ tăng nhẹ sau 250 triệu năm nữa. Tuy nhiên, kết quả bất ngờ nhất mà họ nhận được là nhiệt độ toàn cầu sẽ lạnh hơn 4 độ C. “Băng tuyết ở phía bắc siêu lục địa sẽ tạo ra lớp phủ vĩnh viễn trên đất liền trong những tháng mùa đông và cả mùa hè. Điều đó có xu hướng giữ cho nhiệt độ bề mặt lạnh hơn vài độ".
Trên Trái Đất ngày nay, hoàn lưu đại dương mang nhiệt đến các vùng xa phía bắc. Nhưng khi một siêu lục địa hình thành và những “đại lộ” đó đóng lại, “bạn sẽ không thể vận chuyển nhiệt lượng biển ấm đó từ phía nam lên phía bắc để làm tan băng và giữ ấm cho mọi thứ”, Way nói.
Các kỷ băng hà gần đây của Trái Đất kéo hàng chục nghìn năm nhưng sự hình thành của siêu lục địa mới có thể mở ra một kỷ băng hà lâu hơn đáng kể. “Trong trường hợp này, chúng ta đang nói về 100-150 triệu năm.
Điều này có ý nghĩa gì với sự sống trên Trái Đất? Khi các vùng nhiệt đới biến mất, sự đa dạng sinh học tồn tại cùng với chúng cũng sẽ mất theo. Tuy nhiên, các loài mới có thể xuất hiện và thích nghi để tồn tại trong môi trường cực kỳ lạnh giá. “Khi thời gian đủ dài, các loài sẽ tìm ra cách để lấp đầy mọi ngách sinh thái theo cách nào đó”, Way cho biết.
Video được xem nhiều nhất