Xác định được nguồn gốc tín hiệu bí ẩn nhất vũ trụ, nghi của người ngoài hành tinh
Tín hiệu kỳ lạ đến từ một nơi xa xôi trong vũ trụ. Có thực là của người ngoài hành tinh không?
Gần đây, giới khoa học đang xôn xao trước những tín hiệu kỳ lạ đến từ vũ trụ. Đó là 6 luồng sóng radio rất mạnh với nguồn gốc không rõ ràng, đi từ hướng chòm sao Ngự Phu - Auriga . Qua đó làm dấy lên nghi ngờ rằng có một thứ gì đó đang cố gắng liên lạc với chúng ta.
6 luồng sóng này trên thực tế được xếp chung với 11 tín hiệu khác được tìm thấy từ năm 2007. Chúng được gọi là FRB (Fast radio burst), với mã số là FRB 121102. Và đến nay, các chuyên gia đã lần theo dấu vết để tìm ra nguồn gốc của những thông điệp bí ẩn nhất vũ trụ này.
FRB là những đợt sóng radio rất mạnh nhưng rất ngắn, chỉ kéo dài khoảng vài mili giây. Trong số 17 FRB nhận được, chỉ 1 là có xu hướng lặp lại. Tín hiệu đó đã tạo cơ hội cho các chuyên gia đào sâu nghiên cứu, và cuối cùng họ cũng đã tìm ra nguồn gốc của nó: từ một thiên hà lùn (dwarf galaxy) cách chúng ta 3 tỉ năm ánh sáng.
Tiến sĩ Shriharsh Tendulkar - thành viên đội nghiên cứu thuộc ĐH McGill (Montreal, Canada) cho biết:
"Trước khi xác định được khoảng cách của các FRB, có vài ý kiến cho rằng nguồn gốc của chúng bắt nguồn từ bên trong Dải Ngân hà, hoặc ở rất gần dải thiên hà của chúng ta. Giờ thì ít nhất chúng ta đã xác định được một tín hiệu rồi ".
Tuy nhiên, thứ phát ra FRB vẫn còn là một bí ẩn. Các chuyên gia đã đưa ra một số "ứng cử viên" khả thi, chẳng hạn như sao neutron, hoặc một magnetar (là sao neutron nhưng có từ trường cực mạnh). Ngoài ra, các FRB cũng có thể là dòng vật chất do một lỗ đen khổng lồ nào đó thổi ra. Và cũng không loại trừ trường hợp người ngoài hành tinh đang phát tín hiệu thăm dò.
Có thể là dòng vật chất từ hố đen?
Theo tiến sĩ Shami Chatterjee từ ĐH Cornell (Mỹ): " Tìm ra thiên hà phát ra sóng FRB và khoảng cách của nó là một bước tiến lớn. Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều điều phải làm để có thể khám phá hết những bí ẩn bên trong chuyện này".
Nghiên cứu được công bố trong cuộc họp thường niên của Hội thiên văn học Mỹ.
Video được xem nhiều nhất