WHO đưa khuyến cáo về việc cần làm để ngăn chặn không cho vi khuẩn kháng thuốc lây lan
Chỉ với 30 giây cùng những hành động đơn giản, bạn đã góp phần đẩy lùi mối nguy hiểm chết người từ hiện tượng kháng thuốc kháng sinh đấy.
Câu chuyện kháng kháng sinh nghe có vẻ quá quen thuộc, nhưng liệu rằng có bao nhiêu người nhìn nhận được sự nguy hiểm trầm trọng của nó?
Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra một loại vi khuẩn tại Mỹ có khả năng kháng tất cả các loại thuốc. Điều này có nghĩa là, cơn ác mộng kháng thuốc kháng sinh đang đến rất gần, và nếu nó trở thành hiện thực, căn bệnh sinh ra từ vi khuẩn không thể điều trị dứt điểm, tỉ lệ tử vong sẽ càng gia tăng.
Chúng ta liệu có thể chết chỉ vì một vết xước tay?
Cần khẳng định rằng, chúng ta có thể bị nhiễm trùng vì bất cứ vết thương nào, dù là nhỏ nhất như vết xước, vết đứt tay... Và khi kháng sinh bị vô hiệu - nguyên nhân là do chúng ta bị nhờn thuốc (sử dụng kháng sinh bừa bãi, tùy tiện) thì vết thương nhỏ kia cũng có thể giết chết chúng ta.
Chúng ta chết chỉ vì một vết đứt tay? Đáng tiếc là điều này hoàn toàn có thể xảy ra.
Bởi khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn kháng thuốc sẽ trung hòa thuốc, hoặc bơm thuốc kháng sinh ra ngoài, thay đổi cơ cấu chính vi khuẩn để tấn công lại thuốc. Đột biến hơn, thông qua đột biến di truyền, chúng sẽ chiếm đoạt lại các DNA mã hóa vi khuẩn khác.
Chết vì một vết đứt tay - hoàn toàn có thể!
Theo WHO (Tổ chức Y tế thế giới), sự nhiễm khuẩn có thể xảy ra khi cơ thể người bệnh xuất hiện một "điểm xâm nhập" - đó có thể là một vết xước da, một vết mổ hay do dây truyền tĩnh mạch.
Và sự nhiễm trùng dễ xảy ra nhất khi tay không sạch mà chạm vào khu vực "tổn thương". Bởi vi khuẩn kháng thuốc có thể dễ dàng lây truyền sang những bệnh nhân dễ bị tổn thương.
Nếu không chăm sóc cẩn thận, rất có thể bạn bị nhiễm trùng từ một vết thương nhỏ (ảnh minh họa)
Các nghiên cứu cho thấy, bàn tay của một người có thể mang tới 4,6 triệu mầm bệnh (tập trung số lượng lớn ở kẽ tay và kẽ móng tay). Trong quá trình hoạt động hàng ngày, mỗi người sẽ thường xuyên va chạm vào mọi người hoặc các bề mặt, phát sinh việc tích lũy nhiều vi khuẩn trên tay.
Sau đó, họ có thể lây nhiễm bệnh tật cho chính bản thân bằng các hành động vô tình như đưa vi khuẩn chạm vào mắt, mũi hay miệng.
Cùng với đó, những vi khuẩn kháng kháng sinh có thể tồn tại trong đường ruột hay da mà không gây hại gì cho bạn nhưng sẽ là mối hiểm nguy với người khác, đặc biệt là những bệnh nhân đang gặp chấn thương.
Biện pháp hữu hiệu nhất ngăn chặn vi khuẩn kháng kháng sinh là gì?
Câu trả lời rất đơn giản: vệ sinh tay.
Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), tại Việt Nam chỉ có 12% người dân có thói quen rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn, chỉ có 16% rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho hay, chỉ một động tác rửa tay sạch đã làm giảm tới 35% khả năng lây truyền vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy làm tử vong hàng triệu người mỗi năm trên thế giới.
Điều này cho thấy, nếu vệ sinh tay cẩn thận, đây sẽ là một loại vaccine hữu hiệu giúp bạn tránh nguy cơ nhiễm khuẩn.
WHO đưa khuyến cáo về việc cần phải vệ sinh tay để ngăn chặn không để vi khuẩn kháng thuốc lây lan.
Và khi không nhiễm khuẩn nặng, cơ thể sẽ không cần phải sử dụng đến những liều dùng kháng sinh - nguyên nhân hàng đầu khiến hiện tượng kháng thuốc kháng sinh bùng phát mạnh mẽ.
Việc giữ vệ sinh tay sẽ càng trở nên quan trọng hơn với các y, bác sĩ - người trực tiếp chữa trị cho bệnh nhân trong môi trường bệnh viện, trạm xá.
Quy trình rửa tay được WHO hướng dẫn:
Mỗi bước "chà" 5 lần. Thời gian rửa tay tối thiểu 30 giây.
Sự thật là, loài người đang hụt hơi khi mà cứ mỗi 20 phút lại có một chủng vi khuẩn mới sinh ra, các công ty dược phẩm thì cần đến cả thập kỷ để nghiên cứu một loại kháng sinh.
Do đó, trong khi chờ đợi giới khoa học đưa ra một loại kháng sinh mới, thì tốt nhất chúng ta nên tự bảo vệ mình.
Nguồn: WHO
Video được xem nhiều nhất