Vật thể siêu dị "nhầy nhụa" này phải chăng là "phân trăng"?
Nếu một ngày bạn vô tình bắt gặp thứ chất nhầy kì lạ này thì cũng đừng táy máy mà chạm vào đấy nhé. Lý do vì sao ư, cứ đọc rồi sẽ biết!
Một buổi sáng đẹp trời, bạn vừa định bước ra khỏi nhà, vậy mà ngay trước cửa lại "chễm chệ" một đống chất lỏng nhầy nhầy khó hiểu thế này đây.
Việc bạn hoàn toàn "mờ tịt" về nguồn gốc hay định nghĩa thứ chất nhầy này cũng không có gì đáng ngạc nhiên, bởi nó vốn là một bí ẩn hàng thế kỉ nay rồi.
Thậm chí ngay cả tên gọi của vật thể này cũng có rất nhiều phiên bản khác nhau: astromyxin, thạch sao, "sao thúi" hay… phân trăng.
Một số tài liệu cho rằng thứ chất nhầy này mang mùi khó chịu, tuy nhiên lại cũng có ghi chép xác nhận nó không hề có mùi.
Màu sắc cũng rất đa dạng, có thể là trong suốt, trắng đục hoặc vàng nhạt. Không lâu sau khi xuất hiện, vật thể lạ này sẽ biến mất nếu nhiệt độ tăng hoặc khi bị chạm vào.
Ở một vài vùng nông thôn tại Siberia, nó còn được thu gom để làm thuốc - việc mà đến các nhà nghiên cứu cũng phải "bó tay" do không hiểu lý do vì sao.
Trong những giả thuyết trước đây, vật thể bí ẩn trên được coi là "sản phẩm" của ếch. Thế nhưng, các xét nghiệm lại chỉ ra nó hoàn toàn không liên quan gì tới ADN của loài động vật này.
Chất nhầy bí ẩn xuất hiện khắp khu bảo tồn tự nhiên Somerset (Nga) sau một cơn mưa thiên thạch lớn bất ngờ tại nước này vào năm 2013.
Các học giả từ thế kỉ 14 thì cho rằng đây là một dạng thiên thạch còn sót lại của sao băng, tuy nhiên ý tưởng này cũng sớm bị khoa học hiện đại bác bỏ.
Phải chăng đây là dấu hiệu người ngoài hành tinh??
Thế chính xác nó là cái gì? Theo Vladimir Bychkov - chuyên gia nghiên cứu các loại vật thể rơi không xác định tại Đại học Moscow State, câu trả lời nằm chính ở những đám mây!
Hóa ra, chất thạch nhầy này được cấu thành khi những luồng khí di chuyển từ Trái đất đến các đám mây. Những phân tử tảo và vi khuẩn lẫn trong khí này bị các chất hữu cơ trong mây "ăn", từ đó tạo ra vật thể kỳ lạ kể trên.
Khi đã đủ lớn và quan trọng là đủ nặng, nó sẽ rơi khỏi mây - điều khiến người ta dễ lầm tưởng với hiện tượng sao băng. Khi chạm đất, thứ chất nhầy này thường chỉ rộng vài centimet, nhưng đôi lúc cũng có thể to bằng kích cỡ một chiếc xe hơi.
Theo Bychbov, sự thay đổi về màu sắc tùy thuộc vào loại vi khuẩn và tảo trước đó. Ông cũng cho biết, sự xuất hiện của thạch sao không phải là hiếm, bởi đến nay đã có tới hơn 100 trường hợp được ghi nhận trên khắp Bắc bán cầu.
Vậy nếu một ngày bắt gặp thứ vật thể từ trên trời rơi xuống này thì sao, bạn nên làm gì? Tốt nhất là hãy nghe lời chuyên gia: Mặc kệ nó đi!
Bởi mặc dù vi khuẩn tạo nên chúng không nguy hiểm, ai mà biết được có bao nhiêu mầm bệnh đã "quá giang" vào thạch sao khi nó rơi xuống phải không nào?!
Nguồn: Ozy, Wikipedia
Video được xem nhiều nhất