Tưởng vô hại nhưng một số thuyết âm mưu lại có thể gây nguy hiểm chết người
Những tưởng chỉ là câu chuyện mang hơi hướng thuyết âm mưu vui vui nhưng ít ai ngờ chúng lại có thể nguy hiểm đến vậy.
Cũng giống như mê tín dị đoan trong đời sống thường ngày, khoa học cũng có hằng hà sa các thuyết âm mưu vô căn cứ, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, vật chất và tinh thần của con người.
Thế nào là thuyết âm mưu?
Thuyết âm mưu (conspiracy theory) được định nghĩa là cách lý giải những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, bằng cách gán cho chúng những âm mưu bí mật của các thế lực ngầm đứng đằng sau. Các thế lực này có thể là một hay nhiều cá nhân, hay thậm chí là chính phủ.
Thuyết âm mưu về thiên thạch chia đôi Trái đất
Theo lời của nhà khoa học chính trị Michael Barkun, thuyết âm mưu tồn tại dưới nền tảng suy nghĩ rằng vạn vật đều được thiết lập sẵn, và hoạt động dựa trên 3 nguyên tắc: không có gì tự nhiên mà xảy ra, không có cái gì chỉ đơn giản là trông như vậy, và mọi thứ đều có liên quan mật thiết với nhau.
... và các thuyết âm mưu y học
Trong suốt cả nửa thế kỷ vừa qua, thuyết âm mưu xuất hiện đầy rẫy trong y học, một lĩnh vực mà ai ai trong chúng ta cũng đều nghĩ là đầy tính logic và chính xác.
Vào năm 2017, có một vụ bùng phát bệnh sởi ở bang Minnesota, Mỹ, chỉ vì một bộ phận dân số tin thuyết âm mưu mà không chịu đi chích ngừa. Có thể thấy, ngay cả một nước phát triển như Mỹ vẫn bị ảnh hưởng tiêu cực từ thuyết âm mưu y học.
Sau đây là một số ví dụ của thuyết âm mưu rất phổ biến khắp thế giới:
• Bác sĩ tuyên truyền việc chích ngừa cho trẻ em, mặc dù ai cũng biết rằng chích ngừa sẽ gây ra chứng tự kỷ.
• Các chuyên viên sức khỏe đều biết rằng điện thoại di động gây ra ung thư nhưng không thừa nhận vì các tập đoàn lớn không cho phép.
• Việc bỏ flour trong nước là một cách để các công ty hóa chất lén lút thải những chất hóa học độc hại vào môi trường.
*Lưu ý: những câu trên đều là thuyết âm mưu không có căn cứ, chỉ mang tính chất minh họa.
Vì sao lại có sự xuất hiện của những thuyết âm mưu này?
Đây là một câu hỏi tưởng chừng đơn giản, nhưng câu trả lời lại vô cùng phức tạp. Tiến sĩ Morton Tavel - một giáo sư danh tiếng về y học ở ĐH Y Indiana nói: "Những thuyết âm mưu y học này thường là những quan niệm sai lầm, bị tiêm nhiễm bởi một số tổ chức hoặc nhóm có mục đích không rõ ràng hoặc mang tính vụ lợi cá nhân."
"Những tổ chức này thường cố gắng tấn công những kiến thức khoa học đã được mọi người công nhận."
"Những người truyền bá thuyết âm mưu thường nghĩ rằng ai không tin họ là ngu ngốc – và việc này khiến cho những kẻ này cảm thấy họ thông minh hơn những người khác," - Stuart Vyse, một nhà tâm lý học cho biết. "Việc này cho họ một cảm giác chủ động, nếu họ tin rằng họ có câu trả lời đúng trong khi những người khác thì không."
Nghiên cứu cho thấy những người tin vào thuyết âm mưu trong y học hay chính trị thường tự ti và thiếu cẩn trọng (Nguồn: Getty Images)
Một nghiên cứu vào tháng 10 năm 2017 của Tạp chí Tâm Lý Học Scandinavi cho thấy những người tin vào thuyết âm mưu trong y học hay chính trị thường tự ti và thiếu cẩn trọng.
Các nhà nghiên cứu thống kê rằng những người tin vào thuyết âm mưu thường hay mắc lỗi trong việc liên kết các sự vật và sự việc, và thường hay đưa ra phỏng đoán, gán ghép móc nối các sự kiện hoàn toàn không liên quan gì đến nhau.
Tính lây lan cao của thuyết âm mưu y học và những tác hại khủng khiếp
Cho dù là chúng đến từ nguồn nào đi chăng nữa, những thuyết này không đem lại điều gì tốt lành.
Nghiên cứu cho thấy rằng những người tin tưởng vào các thuyết âm mưu y học có xu hướng bỏ qua các phương pháp chữa trị y tế thông thường, để chọn những con đường khác. Họ sẽ không đi khám bệnh, không dùng kem đánh răng, ra nắng không thoa kem, và cũng chẳng buồn chích ngừa.
Ví dụ như vào năm 2011, một nghiên cứu cho thấy đến 54% người Mỹ da màu có kết quả xét nghiệm HIV dương tính vẫn nghĩ rằng AIDS là một hình thức diệt chủng đối với người da đen. Họ cũng chẳng chịu đi chữa bệnh, vì sợ rằng bản thân phải làm "chuột bạch" cho các loại thuốc mới.
Trong một nghiên cứu được xuất bản trong PLoS One năm 2014, các nhà nghiên cứu lên danh sách thống kê thuyết âm mưu về chích ngừa trên tổng số 89 các bậc cha mẹ ở Anh. Nghiên cứu cho thấy những người tin vào thuyết âm mưu trên thường sẽ không cho con đi chích ngừa.
Muốn tin thuyết âm mưu thì cũng được, nhưng phải cẩn thận
Có thể nói, thuyết âm mưu có thể gây ra những ảnh hưởng rất tồi tệ lên sức khỏe của bạn. Điều này có nghĩa rằng bạn nên xem xét lại những gì mình tin, đọc, hay nghe có thực sự đáng tin cậy, hợp lý và logic hay không.
Con mắt trên kim tự tháp của tờ 1 USD là biểu tượng của một tổ chức ngầm đối với các nhà thuyết âm mưu học
Nếu bạn đã tin rằng điều gì cũng có lý do của nó, thì cũng nên nghĩ xem lý do thực sự nằm đằng sau những thuyết âm mưu này là gì.
Thậm chí, bạn còn nên nghĩ rộng ra xem những tổ chức hay hội nhóm nào có thể được hưởng lợi từ việc truyền bá suy nghĩ sai lệch như vậy, và có bằng chứng gì cho các thuyết này hay không.
Ví dụ, nếu thực sự điện thoại di động gây ung thư thì chúng ta sẽ thấy tất cả mọi người đều sẽ bị ung thư hàng loạt, trừ những người không dùng điện thoại, trong khi thực tế thì không như thế, và điện thoại di động thì đã được giải oan rồi.
Việc xem xét thật kỹ những lời đồn đại trong y học thực ra chỉ có lợi cho bạn. Ngoài ra, nên đọc thông tin từ những nguồn đáng tin cậy, ví dụ như Viện Y Tế Quốc Gia, hay Mayo Clinic, hoặc các tài liệu của Sở hay Bộ Y Tế chẳng hạn. Nhìn chung, tỉnh táo trong mọi trường hợp có thể cứu được sức khỏe và mạng sống của bạn.
Video được xem nhiều nhất