Tùng Dương, Mr. Đàm bàng hoàng khi G.S Trần Văn Khê qua đời
Các ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Hồng Nhung, Đức Tuấn... buồn khi nghe tin ông qua đời, còn nhạc sĩ Phó Đức Phương cho rằng, sự ra đi của ông là mất mát lớn cho âm nhạc Việt Nam.
Sau một thời gian chống chọi với bệnh tật, rạng sáng 24/6, Giáo sư Trần Văn Khê trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viên Nhân dân Gia Định (TP HCM), hưởng thọ 94 tuổi.
Sao Việt thương tiếc Giáo sư Trần Văn Khê
Khi biết tin này, Đàm Vĩnh Hưng bày tỏ lòng thương tiếc và gửi lời chia buồn với gia đình ông. Nam ca sĩ Say tình vẫn nhớ như in những lần đi hát trong các chương trình có giáo sư Trần Văn Khê làm khán giả: "Khi thấy ông ngồi đó, tôi luôn cố gắng tập trung để thể hiện tốt nhất, đặc biệt là các ca khúc dân ca, trữ tình".
Giáo sư Trần Văn Khê để lại ấn tượng trong các nghệ sĩ là nụ cười hiền hậu và những đóng góp của ông với nền âm nhạc nước nhà. |
Hồng Nhung cũng có cơ duyên gặp Giáo sư Trần Văn Khê một lần. "Ông để lại trong tôi rất nhiều ấn tượng tốt đẹp, nhất là nụ cười rạng rỡ trên gương mặt. Ông đi tới đâu đều tỏa ra không khí rất ấm áp và có văn hóa" - diva nhớ lại.
Giống Hồng Nhung, Mỹ Linh cho rằng, ở Giáo sư Khê toát lên phong thái vừa đáng kính, vừa gần gũi và hết mực giản dị. Cô chơi thân với một số học trò của vị giáo sư này và được nghe kể nhiều câu chuyện cảm động về người thầy mà họ kính trọng, yêu thương.
Ca sĩ Tùng Dương không giấu sự bàng hoàng khi nghe tin ông về với đất mẹ. "Dẫu biết con người không thể tránh khỏi sinh, lão, bệnh, tử nhưng tôi rất buồn trước sự ra đi của Giáo sư Trần Văn Khê. Tôi gặp ông trong lần live show Quê nhà của tôi và nghệ sĩ Nguyễn Lê được tổ chức tại TP HCM vào năm 2012.
Khi đó ông yếu lắm, ông phải đi lại bằng xe lăn nhưng vẫn tới xem tôi biểu diễn. Sau đó, ông có gặp tôi và động viên: "Cháu là một ca sĩ trẻ nhưng dám nghĩ, dám làm và có cách cư xử rất tử tế với âm nhạc dân gian. Cháu hãy cố gắng theo đuổi con đường độc đạo với Nguyên Lê".
Mất mát lớn của nền âm nhạc Việt
Theo Tùng Dương, giáo sư là người rất am hiểu về âm nhạc dân gian nhưng vẫn cập nhật những xu hướng mới. Điều đó giúp ông có được một cái nhìn cởi mở đối với âm nhạc truyền thống.
Ca sĩ Đức Tuấn - người từng có dịp gặp gỡ và trò chuyện với Giáo sư Trần Văn Khê trong những đêm nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy - chia sẻ, anh cũng như bất cứ người yêu âm nhạc nào đều cảm thấy đau buồn và thương tiếc trước sự ra đi của nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc cổ truyền nổi tiếng của nước nhà.
Giọng ca sinh năm 1980 bộc bạch, Giáo sư Trần Văn Khê là người có bề dày hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, có công trong việc quảng bá và gìn giữ nhạc dân tộc Việt Nam.
Suốt thời gian sinh sống và làm việc ở nước ngoài, Giáo sư Khê luôn đau đáu với việc quảng bá và gìn giữ nét đẹp nghệ thuật truyền thống Việt Nam. |
Nhạc sĩ Phó Đức Phương gọi sự ra đi của ông là một "mất mát lớn cho nền âm nhạc Việt Nam". Tác giả Trên đỉnh Phù Vân chia sẻ: "Giáo sư Trần Văn Khê là người hoạt động âm nhạc có công lớn trong việc đưa bản sắc Việt Nam ra thế giới. Trong suốt năm tháng ở hải ngoại, ông luôn dốc sức sưu tầm, quảng bá âm nhạc nước nhà với bạn bè quốc tế. Giáo sư Khê cũng là người đã góp phần rất lớn vào việc đưa không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trở thành di sản văn hóa thế giới hay Đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể".
Theo nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long, Giáo sư Trần Văn Khê đóng vai trò quan trọng trong nền nghệ thuật Việt Nam. Chính ông là người đã giới thiệu và vinh danh nghệ nhân - NSND Quách Thị Hồ ra thế giới, trong bối cảnh nghệ thuật Ca trù nói riêng, âm nhạc truyền thống Việt Nam nói chung đang bị mai một dần.
Bên cạnh đó, những công trình nghiên cứu, bài viết của ông là nguồn tài liệu tham khảo đáng quý, giúp các nhà nghiên cứu làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến nghệ thuật cổ truyền của Việt Nam.
Giáo sư Trần Văn Khê là một nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc cổ truyền nổi tiếng ở Việt Nam. Ông là người Việt Nam đầu tiên đậu tiến sĩ ngành âm nhạc học tại Pháp và từng là Giáo sư tại Đại học Sorbonne (Pháp), thành viên danh dự Hội đồng Âm nhạc Quốc tế, UNESCO.
Ông cũng là người hiến tặng cho TP HCM 420 kiện hiện vật quý, trong đó có nhiều loại nhạc cụ dân tộc và tài liệu âm nhạc, văn hóa Việt Nam nói chung ra thế giới.
Theo đúng bản di nguyện do Giáo sư Trần Văn Khê lập ngày 5/6, linh cữu ông được quàn tại tư gia, đường Huỳnh Đình Hai (Bình Thạnh, TP HCM). Tang lễ cũng diễn ra tại đây trong thời gian từ 1 tuần lễ đến 10 ngày để các con, cháu, bạn bè thân thuộc gần xa có thời gian về viếng. Sau khi hỏa táng, phần tro cốt ông được đặt dưới bàn thờ ông bà.
Video được xem nhiều nhất