Trẻ em Hà Giang kể chuyện bằng ảnh: Cho em đi học!

Tuổi trẻ - 15/11/2015, 10:24

Gần 80 bức ảnh được trưng bày tại triển lãm Em yêu cao nguyên đá là chừng đó câu chuyện chân thật, giản dị và hồn nhiên về cuộc sống của đồng bào vùng núi cao địa đầu Tổ quốc qua góc nhìn trẻ thơ.

Bức ảnh “Các bạn trai” của em Ly Thị Máy - bức ảnh hiếm hoi tả cảnh vui chơi của các em nhỏ vùng cao

Bức ảnh “Các bạn trai” của em Ly Thị Máy - bức ảnh hiếm hoi tả cảnh vui chơi của các em nhỏ vùng cao

Những bức ảnh đều do các em tự lựa chọn nhân vật, bối cảnh, góc chụp... với nhiều chủ đề khác nhau như: việc em làm, văn hóa của em, em học giỏi, em mong muốn, bản của em, em yêu thương, những người quanh em...

Cao nguyên đá qua các “ống kính nhí”

Bức ảnh Ngôi trường học chụp Trường Cán Chu Phìn của em Ly Thị Và (sinh năm 1996) với lời tâm sự của em đã làm nhiều người rưng rưng cảm động: “Em không được đi học, ngày nhỏ không có ai trông em bé nên em phải ở nhà.

Thấy các bạn đi học em cũng thích nhưng không ai giúp bố mẹ trông em. Sau này các thầy cô vận động đi học, em không đi vì ngại mình lớn quá, với lại ở nhà rất nhiều việc bố mẹ làm không hết được nên em không muốn đi học nữa. Em chụp bức ảnh này vì thấy trường học đẹp quá! Em rất muốn các bạn nhỏ đều được đi học”.

Đến giờ Và chỉ nói được tiếng Mông, chưa nói được tiếng phổ thông. Đứng bên bức ảnh, Ly Thị Và chia sẻ thêm: “Nhà em có ba chị em, em là con cả, em trai em được đi học, còn em gái cũng không được đi học. Bây giờ nếu có lớp học xóa mù chữ cho các bạn cùng trang lứa như em thì nhất định em sẽ đi học”.

Đặc biệt, hình ảnh người phụ nữ Mông vất vả, cơ cực xuất hiện nhiều trong những bức ảnh của các em. Đó là Bữa ăn trên nương của các bà, các chị qua ảnh của Giàng Thị Dính; Chị dâu đang cho lợn ăn của Giàng Thị Dợ; Giặt lanh - công việc mà người phụ nữ Mông nào cũng phải biết làm - của em Lý Mí Chạ; Chị dâu em vừa trông con, vừa tước lanh của Ly Thị Má...

Em Ly Thị Pà đã chụp bức ảnh mẹ mình với câu chuyện giản dị mà xúc động: “Trong ảnh là mẹ em đang ăn cơm một mình. Thỉnh thoảng mẹ ăn cơm một mình do đi làm về muộn, hay do mẹ bận làm mọi việc trong nhà...

Bữa ăn chỉ có rau cải, nước sôi, ăn cùng mèn mén. Nhìn mẹ ăn một mình, em thương mẹ lắm. Mẹ dạy em làm mọi việc, sau này nếu có gia đình em cũng sẽ học mẹ, làm tốt cho mọi người trước, mình có thể ăn sau”.

Em Vàng Thị Dợ chụp lại khoảnh khắc em trai 10 tuổi và em gái 7 tuổi của em đang thái rau lợn với những lời tâm sự hồn nhiên:

“Em thấy hai em còn nhỏ nhưng chăm chỉ làm việc nhà nên em thương hai em ấy lắm, cũng không muốn hai em ấy làm việc nặng, nhưng tại vì không có ai nên đành phải thế. Em thì em không đi học như hai em ấy, nhưng em cũng không buồn. Em chỉ cố gắng giúp đỡ bố mẹ để kiếm tiền cho hai em ấy đi học...”.

Trong số gần 80 bức ảnh trưng bày tại triển lãm, người xem sẽ bắt gặp nhiều trẻ em không được đi học, ở nhà lao động phụ giúp bố mẹ.

Cũng gần như vắng bóng cảnh vui chơi của các em nơi đây. Chỉ có một vài bức ảnh rất hiếm hoi, như bức Các bạn trai của Ly Thị Máy tả cảnh nô đùa của những bạn trai cùng xóm em.

Những ước mơ giản dị

Những bức ảnh của em Ly Mí Lúa dường như nói được phần nào những ước mơ bình dị của các em nhỏ nơi đây. Em chụp ảnh ngôi trường của em, khi em học hết cấp II và chuẩn bị lên cấp III, bởi: “Em chụp ảnh để khi nào nhớ các cô giáo và bạn bè thì xem lại.

Ở trường đó em được học tiếng Anh, em rất thích. Em muốn đi học ở một ngôi trường mới đẹp, nhưng em không đi học tiếp nữa mà ở nhà giúp đỡ bố mẹ”. Em còn mong muốn nhà em có thật nhiều bò biết cày để có thể giúp gia đình làm nương, và có thật nhiều nương có thể cày được.

Em Lầu Mí Lúa lại ước mơ: “Người trong ảnh là em họ em tên là Lầu Mí Co, em ấy đang luộc ngô để ăn. Qua bức ảnh này em muốn nói về sự khổ cực của người dân tộc Mông, bữa tối chỉ có bắp ngô để ăn qua ngày, không có gạo để ăn.

Những đứa trẻ này đang trong tuổi lớn, thiếu thốn dinh dưỡng nên rất dễ dẫn đến suy dinh dưỡng, phát triển chậm và bệnh tật. Em mong xã hội phát triển hơn và người Mông sẽ đỡ khổ. Để làm được điều đó, chúng em phải cố gắng vận động các bạn khác đi học và cố gắng học thật giỏi”.

Bà Vũ Phương Thảo, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội - kinh tế và môi trường, cho biết: “Mục đích ban đầu khi chúng tôi tham gia tổ chức chương trình này là mong muốn các em sẽ thêm tự tin, chủ động hơn. Nhưng kết quả các em làm được hơn cả chúng tôi mong đợi”.

Ông Hoàng Thanh Hải, hiệu trưởng Trường THCS Cán Chu Phìn, cũng không giấu được xúc động: “Qua những bức ảnh, các em đã lột tả một cách chân thực, giản dị cuộc sống đồng bào người Mông ở Mèo Vạc, Hà Giang.

Các em chụp ảnh rất hồn nhiên, vô tư. Bức ảnh Ngôi trường học của em Ly Thị Và làm tôi rất cảm động. Bức ảnh đó em chụp từ phía ngoài ngóng trông vào nhà trường với khát khao được đi học. Đó cũng là mong ước của nhiều em nơi đây. Chúng tôi sẵn sàng mở lớp xóa mù chữ cho những em như Và”.

Triển lãm Em yêu cao nguyên đá (diễn ra tại Trường THCS Cán Chu Phìn, Mèo Vạc, Hà Giang) được thực hiện theo phương pháp kể chuyện bằng hình ảnh (photo voice), bắt đầu từ tháng 6-2015.

Với những chiếc máy ảnh du lịch thông thường do Viện Nghiên cứu xã hội - kinh tế và môi trường (ISEE) và 
Tổ chức Plan International cấp phát, 34 trẻ em từ 13 đến 19 tuổi - đa số là trẻ em gái - được hướng dẫn chụp ảnh theo những chủ đề các em quan tâm nhất, và kể những câu chuyện gắn liền với bối cảnh chụp bức ảnh đó.

 

VŨ VIẾT TUÂN (vuviettuan@tuoitre.com.vn)

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất