Thai phụ suýt chết vì bị rắn lục đuôi đỏ cắn

Ngoisao.net - 26/06/2015, 11:40

Bị rắn lục trong vườn cây cạnh nhà cắn vào tay, một thai phụ nhà ở Bình Dương bị sưng phù vết cắn, rối loạn đông máu rồi mê man.

Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) cho biết bệnh nhân mang thai ở tháng thứ 3, nhập viện trong tình trạng vết cắn sưng và có tình trạng máu từ vết thương chảy không dừng do rối loạn đông máu.

ran-can-6533-1435224621.jpg

Rắn lục đuôi đỏ khiến hàng chục người đang phải điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Thiên Chương

Trước tình huống bệnh nhân và thai nhi có thể tử vong do nọc độc tấn công vào máu, các bác sĩ đã lập tức truyền huyết thanh chống độc rắn. May mắn sau gần 3 ngày điều trị, bệnh nhân dần hồi phục. Đến chiều 25/6, sức khỏe của thai phụ và thai nhi ổn định.

Người nhà bệnh nhân cho biết, "hung thủ" sau đó được xác định là rắn lục đuôi đỏ và theo các bác sĩ, chỉ cần nhập viện muộn hơn vài giờ, nọc rắn đã có thể gây sẩy thai. Ngoài ra thai phụ cũng có thể bị băng huyết khó cầm và tử vong.

Cùng may mắn được cứu sống là một phụ nữ ở Đăk Nông. Bà này vật vã, tim đập nhanh, toát mồ hôi, mệt mỏi sau khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Xác định bệnh nhân sốc phản vệ có thể tử vong, bệnh viện tỉnh đã chuyển lên tuyến trên và tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân vẫn còn mê man. Phải đến sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân mới qua nguy kịch.

Tiến sĩ - bác sĩ Lê Quốc Hùng, phó khoa Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết ngoài trường hợp trên, hiện khoa này còn có 13 trường hợp khác bị rắn cắn, trong đó có 8 người do rắn lục đuôi đỏ tấn công.

Mỗi năm, Bệnh viện Chợ Rẫy có khoảng từ 800 đến 1.000 trường hợp rắn cắn nhập viện. Tai nạn chủ yếu tập trung nhiều từ tháng 5 đến tháng 8. Mỗi tháng cao điểm có khi lên đến 200 ca. Riêng từ đầu tháng 6 đến nay, bệnh viện có 111 người bị rắn cắn trong đó 80 ca do rắn lục đuôi đỏ cắn.

"Người bị rắn cắn thường rơi vào tình trạng nặng do sai lầm là buộc ca rô (buộc dây thắt chặn máu về tim). Đây là phương pháp dễ bị sai (buộc quá chặt) dẫn đến hoại tử phần bị buộc. Sai lầm kế tiếp là tìm đến thầy thuốc đông y nặn máu và đắp lá thuốc. Không bàn đến lá thuốc, song các bác sĩ cho rằng rạch vết thương dễ dẫn đến chảy máu không thể cầm và nhiễm trùng máu. Không ít người vì biến chứng này mà tử vong", ông Hùng nói.

Riêng về loại rắn lục, ông Hùng cho biết loại đầu rắn lục nhỏ như đầu bút (các diễn viên xiếc hè phố hay biểu diễn trò nuốt vào miệng) là loại không có nọc độc. Còn lại các loại rắn lục khác, gồm rắn lục không có đuôi đỏ (sống chủ yếu miền Bắc) và rắn lục đuôi đỏ (sống chủ yếu ở miền Trung và miền Nam) có đầu to hơn, có hình tam giác, là những loại rắn có thể gây chết người.

Khẳng định hiện đã có hầu hết huyết thanh chữa rắn độc cắn, tuy nhiên theo bác sĩ Hùng, trấn an tinh thần nạn nhân, rửa vết thương bằng nước sạch và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế vẫn là việc cần làm ngay.

Thiên Chương

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất