Sinh vật kì dị trong suốt như thạch xâm chiếm bờ biển khiến nhiều người hoang mang

Afamily - 27/10/2017, 18:01

Xuất hiện dọc bờ biển với số lượng lên tới hàng triệu cá thể, loài sinh vật bí ẩn đang gây nên cơn ác mộng kinh hoàng cho người dân ở đây.

 

Tờ SF Gate đưa tin một loài vật kì dị như đến từ ngoài hành tinh đã xuất hiện và nhanh chóng phủ trắng cả bãi biển Monterey thuộc bang California (Mỹ). Dù vẻ ngoài dường như vô hại, song sinh vật lạ lùng này đang cản trở nghiêm trọng hoạt động đánh cá của ngư dân địa phương. Vậy sinh vật bí ẩn này là gì, và phải chăng sự xuất hiện đột ngột với số lượng khó tin của chúng đang cảnh báo về một vấn đề môi trường?

 - Ảnh 1.

Sinh vật kì dị trong suốt như thạch, hình thù giống trái dưa chuột đột nhiên xuất hiện dày đặc trên bãi biển Monterey.

Thực chất, sinh vật này có tên khoa học là Zooids, một loài trong chi Pyrosoma, thuộc họ Pyrosomatidae, bộ Pyrosomida. Còn với người dân vùng duyên hải, loài vật này được gọi với cái tên gần gũi hơn là "dưa chuột biển" hay "cơ thể lửa" dựa trên vẻ bề ngoài của chúng.

Không chỉ có hình dáng giống quả dưa chuột muối cùng cơ thể trong suốt như thạch, điều đặc biệt của loài sinh vật lưỡng tính này còn nằm ở chỗ trong mỗi cá thể đều chứa chất huỳnh quang. Vậy nên mỗi khi tập hợp lại với số lượng lớn, chúng phát ra ánh sáng không khác gì những đốm lửa trên biển khơi.

 - Ảnh 2.

 

Nói về sự xuất hiện với số lượng đột biến của loài vật này, NOAA (Cơ quan Quản lí Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ) cho biết, chúng đã được tìm thấy từ cách đây khá lâu ở những vùng nước ấm. Song đến tận năm 2015, sự gia tăng số lượng ở mức khủng khiếp cùng việc xuất hiện thường xuyên trên bờ biển trải dài từ Bắc California đến tận Oregon và Washington mới khiến sinh vật này được các nhà khoa học chú ý. Các nhà nghiên cứu của NOAA đã phối hợp cùng các trường đại học tại bang Oregon trong nỗ lực tìm nguyên nhân bùng phát của loài sinh vật này.

Và câu trả lời đang dần được hé lộ. Tờ Guardian dẫn lời nhà sinh học Rick Brodeur và chuyên gia hải dương học Dr. Lisa-ann Gershwin cho rằng, chính sự ấm lên của nước biển là nhân tố hàng đầu gây ra tình trạng bất thường trên. Dù vậy, họ cũng cẩn trọng cho rằng, cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu chuyên sâu để làm rõ mối quan hệ giữa sự thay đổi môi trường sống đối với quần thể sinh vật này.

 - Ảnh 3.

 

 - Ảnh 4.

 

Tuy nhiên có một điều không cần phải nghi ngờ, đó là sự xuất hiện với mật độ dày đặc của "dưa chuột biển" đã gây tác động rất xấu tới nghề cá của cư dân. Một thí nghiệm của National Geographic  cho thấy, hơn 60.000 cá thể Zooids được kéo lên chỉ trong 5 phút thả lưới. Thậm chí, nhiều ngư dân Alaska phải bỏ thuyền của mình sau khi bị loài vật rắc rối này bám đặc vào mỏ neo.

Kỳ lạ hơn, một vài loài cá khi bị đánh bắt có tình trạng nôn ra "dưa chuột biển". Lại một câu hỏi hóc búa được đặt ra cho các nhà khoa học, rằng liệu loài sinh vật bé nhỏ này có phải là thức ăn của cá, hay mật độ ngày càng tăng của chúng đang gây cản trở hoạt động tiêu hóa bình thường của cá biển?

Theo Trí thức trẻ

(Nguồn: NBC)

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất