Sẽ thế nào nếu khủng long chung sống với con người?
Nếu loài khủng long còn tồn tại cho tới ngày nay, liệu bạn có nghĩ chúng ta có thể cưỡi khủng long dạo chơi như cưỡi ngựa không?
Các nhà khoa học cho rằng, cách đây 66 triệu năm - một mảnh thiên thạch đã rơi xuống Trái đất - gián tiếp gây ra sự diệt vong của loài khủng long. Hiện nay, những gì còn sót lại của loài bò sát này trên Trái đất chỉ là những mẫu hóa thạch.
Nhưng bạn đã bao giờ tự hỏi nếu ngày đó mảnh thiên thạch nọ không va chạm với Trái đất thì sẽ ra sao? Phải chăng, chúng ta đã có thể... cưỡi khủng long như cưỡi ngựa?
Loài người ở đâu khi loài khủng long còn “ngự trị”?
Khủng long có mặt trên Trái đất từ rất sớm và sinh sống trên hành tinh này khoảng 150 triệu năm trước khi chịu thảm họa tuyệt chủng.
Vào giai đoạn này thì loài người... chưa ra đời. Nhưng bạn đừng nghĩ lúc này Trái đất chỉ có mỗi khủng long thôi nhé! Bởi có vô số các loài thú có vú khác cũng xuất hiện vào thời này - dù bị “lép vế” hơn rất nhiều - cả về số lượng và kích thước.
Các loài thú lúc này sở hữu kích thước rất nhỏ chỉ như những chú mèo được nuôi trong gia đình ngày nay mà thôi. Và phải đến khi khủng long bị tuyệt chủng, sự tiến hóa của thú có vú mới bắt đầu rục rịch phát triển.
Steve Brusatte, nhà cổ sinh vật tại Đại học Edinburgh (Scotland) cho biết, nếu loài khủng long không bị tuyệt chủng, động vật có vú sẽ không bao giờ có cơ hội để bước ra ngoài thế giới bao la để có thể tự do phát triển như ngày nay.
Trong khi khủng long liên tục sinh sôi, phát triển và tiến hóa đến kích cỡ khổng lồ thì thú có vú luôn phải sống ẩn nấp và chỉ chủ yếu ăn côn trùng, hạt cây và thỉnh thoảng là một số loài khủng long có kích thước bé khác.
Do đó, có thể nói nếu khủng long còn tồn tại, thú có vú - trong đó có linh trưởng - tổ tiên của loài người - sẽ không thể tiến hóa, hay nói cách khác là không thể xuất hiện. Việc con người sống chung với khủng long hoàn toàn không thể xảy ra.
Có cơ may này giúp khủng long tồn tại song hành cùng chúng ta?
Khi mảnh thiên thạch có đường kính lên tới 10km va chạm với Trái đất, cả khủng long và các loài thú đều phải hứng chịu thiệt hại nặng nề. Theo nghiên cứu của Gregory Wilson - nhà nghiên cứu về động vật có xương sống và cổ sinh vật tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Burke tại Seattle (Mỹ), có tới 75% số lượng thú có vú đã phải chịu chung số phận với khủng long khi thiên thạch rơi xuống.
Trong hoàn cảnh này, kích cỡ nhỏ bé của một số loài thú có vú đã giúp chúng sống sót bằng cách dễ dàng tìm được nơi trú ẩn và ăn những gì còn sót lại sau thảm họa. Đa phần loài thú có vú sống nhờ vào cây cỏ nên đối với chúng nguồn thực phẩm không phải là một khó khăn.
Theo Thomas Williamson - chuyên gia cổ sinh học tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên tại New Mexico (Mỹ), chỉ sau vài trăm ngàn năm - thú có vú đã tiến hóa để lên ngôi tiếp quản bờ cõi khủng long để lại.
Nằm trong những loài thú có vú bước lên đỉnh cao này có cả loài linh trưởng. Sau những ngày tháng ẩn mình tránh sự săn lùng của khủng long thì cuối cùng linh trưởng cũng có thể bước ra khỏi bóng tối để bắt đầu quá trình tiến hóa.
Thời gian đầu, linh trưởng - tổ tiên loài người cũng như bao loài khác chỉ ăn thực vật, gồm quả và lá cây để sống. Về sau khi đã tiến hóa thành người tối cổ, cũng là lúc thiên nhiên trên Trái đất trở nên đa dạng hơn sau khi hứng chịu thảm họa thì tổ tiên loài người đã biết bổ sung thịt vào những món ăn hàng ngày.
Tuy nhiên quá trình tiến hóa này cần khá nhiều thời gian và đòi hỏi sự... thoải mái. Nếu luôn phải sống trong sự rình rập của các "quái vật", loài người sẽ không thể xuất hiện được.
Thế nhưng với sự tiến bộ không ngừng của khoa học công nghệ, các nhà khoa học cũng không loại trừ khả năng loài người có thể hồi sinh khủng long từ những bộ xương hóa thạch.
Khi đó, con người sẽ có thể được trải nghiệm cảm giác... nuôi khủng long hoặc cũng có thể chịu cảnh "sống trong sợ hãi" khi khủng long "xổng chuồng" - giống như bộ phim Công viên kỷ Jurra đình đám.
*Bài viết được dựa trên quan điểm của các nhà cổ sinh vật học đến từ các bảo tàng hay các trường đại học uy tín trên thế giới.
Video được xem nhiều nhất