Phải làm gì để vượt qua một bài thi trắc nghiệm mà không may quên mất kiến thức?
Phàm là người, ai chẳng có lúc quên. Nhưng quên lúc đang ngồi trong phòng thi lại là chuyện hoàn toàn khác.
Kỳ thi THPT Quốc gia 2016 đang đến rất gần. Vào thời điểm này, nhiều sĩ tử chắc vẫn đang cắm đầu cổ vào dùi mài kinh sử, đợi đến ngày xách cặp đi thi, rồi... lại về ôn tiếp cho kỳ thi Đại học sắp tới.
Nhưng phàm là phận học sinh, nếu không phải là những "siêu nhân" học một hiểu mười, cày bài như trâu cày đất, thì phần đông chúng ta có lẽ đang học trong tâm trạng khá là... lo sợ.
Sợ rằng liệu vào phòng thi mình có nhớ được hết kiến thức không? Nếu không may quên mất thì phải làm sao?
Nếu như là trong bài thi tự luận, chúng ta còn có thể ứng biến. Nhưng còn bài thi trắc nghiệm, bạn chỉ còn duy nhất một sự lựa chọn: đoán. Tất nhiên, ở đây không thể đoán bừa được, mà phải có một chiến thuật hẳn hoi nhằm tối đã hóa khả năng đoán trúng của bạn.
* Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, và chỉ nên áp dụng khi đã quá... tuyệt vọng. Cách tốt nhất để vượt qua kỳ thi đơn giản chỉ là ôn tập cho thật kỹ mà thôi.
1. Đọc kỹ câu hỏi
Vấn đề muôn thưở rồi những vẫn phải nêu ra. Vì muốn đoán trúng, trước tiên bạn cần phải hiểu rõ đề bài muốn gì đã.
Đọc kỹ câu hỏi, biết đâu bạn sẽ nhớ ra điều gì đó và chẳng cần phải đoán nữa cũng nên, vì khoa học đã chứng minh rằng việc lặp đi lặp lại một hành động có thể giúp bạn khơi dậy một chút ký ức đã qua.
2. Áp dụng phương pháp kinh điển - loại trừ
Cấu trúc của một câu hỏi trắc nghiệm thường có 4 đáp án, tức là tỷ lệ đoán trúng của bạn là 25%.
Tuy nhiên, hãy để ý rằng trong số này sẽ có một đáp án chắc chắn sai. Hãy dựa vào kiến thức của mình để loại ra đáp án này.
Đó thường là những đáp án có nội dung khác biệt hoàn toàn so với 3 đáp án còn lại - như trong dãy số xuất hiện một đáp án quá cao so với những đáp án khác. Trong tình cảnh chẳng còn nhớ gì, việc loại được một đáp án tức là bạn đã tăng cơ hội "sống sót" của mình lên tới 33% rồi.
Thậm chí đôi lúc bạn có thể bỏ qua tới 2 đáp án, tức là cơ hội đã thành 50:50.
3. Chọn đáp án dài nhất
Khi đã đọc nhão câu hỏi mà vẫn chẳng nhớ ra gì, lại còn chẳng loại được đáp án nào hết, thì hãy chọn đáp án dài nhất.
Cách này có thể được áp dụng với những câu hỏi lý thuyết. Theo William Poundstone, tác giả của nhiều cuốn sách về xác suất nổi tiếng tại Mỹ, thì những đáp án dài nhất trong bài thi trắc nghiệm có tỉ lệ trúng lên tới 40%. Nguyên do là bởi người ra đề thường phải chọn nhiều từ ngữ để đáp án trở thành đúng nhất.
Thế là quá cao so với quy định rồi đúng không, nhất là khi bạn đang phải đoán mò.
4. Dựa trên những đáp án xung quanh
Phương án này chỉ được áp dụng khi bạn chắc chắn đã làm đúng những câu hỏi trước và sau đó.
Cụ thể, Poundstone cho rằng tỉ lệ đáp án đúng được lặp lại 2 hay 3 lần liên tiếp rất khó xảy ra - thường chỉ rơi vào khoảng 20%.
Ví dụ, bạn kẹt ở câu hỏi số 4. Câu số 3 đáp án là A, câu số 5 đáp án là D, vậy nhiều khả năng đáp án cho câu 4 là B hoặc C thôi. Theo Poundstone, tỉ lệ này có thể lên tới 40% cho mỗi đáp án.
5. Đối phó với những đáp án gần giống nhau
Một số câu hỏi có đáp án diễn giải một vấn đề theo những hướng khác nhau. Lúc này, bạn phải thật tỉnh táo và phân tích kỹ càng.
Đầu tiên, hãy xét xem những đáp án này liệu nội dung có khác nhau, hay chỉ khác cách diễn dịch. Nếu nội dung giống nhau thì khả năng lớn là tất cả đều sai. Vì trong một bài trắc nghiệm, bạn có thể có 3 đáp án sai, nhưng không thể cùng lúc có 2 đáp án đúng được.
Trong trường hợp nội dung khác nhau, nhiều khả năng 1 trong 2 (hoặc 3) là đúng. Poundstone cho biết thường thì người ra đề không phí công đưa ra 3 lựa chọn cho một đáp án sai (trừ khi họ quá ... cao tay).
6. Hãy tin vào cảm giác của bạn
Khi không thể áp dụng được gì nữa, hãy tin vào trực giác của bạn. Chọn phương án nào thấy quen thuộc nhất, nhất là khi bạn là người chăm chỉ nghe giảng trên lớp mà nhất thời quên kiến thức.
Và một lần nữa phải nhắc lại: Tất cả những phương pháp nêu trên đều không thể cứu bạn nếu như bạn không có chút kiến thức nào trong đầu. Hãy chuẩn bị bài vở cho thật tốt, bạn sẽ ổn thôi.
Nguồn: BBC, Smarter Study, Lacity College
Video được xem nhiều nhất