NSND Tự Long: "Game show có sự cố, nghệ sĩ chịu trận là đương nhiên"
Tự Long cho biết nghệ sĩ tham gia game show đương nhiên phải "đứng mũi chịu sào", nếu nói những câu phản cảm thì phải chịu sự chỉ trích của công chúng.
- Ngoài Ơn giời! Cậu đây rồi, anh không xuất hiện trong game show hài nào khác, có phải anh đã nhận thấy sự lũng đoạn của những game show nhảm nhí trên sóng truyền hình hiện nay?
- Gần đây, chị Hồng Vân có bảo rằng tất cả anh em nghệ sĩ nên cố gắng để bảo vệ sân khấu và bảo vệ cuộc sống của mình. Sản phẩm truyền hình đang thắt cổ văn nghệ sĩ và lấn sang đất của hoạt động sân khấu, ảnh hưởng lớn đến số đông nghệ sĩ sân khấu.
Game show để thay đổi thói quen thưởng thức của khán giả, giờ họ có thể ngồi ở nhà xem tivi thay vì đến những tụ điểm, nhà hát, sân khấu để xem vở diễn. Ở nhà, khán giả có đủ quyền, họ thích kênh nào bật kênh nấy.
Nhưng quan điểm của tôi là sản phẩm nghệ thuật cũng phải định hướng khán giả. Nghệ sĩ hài bằng một cách nào đó cũng phải định hướng được cả tiếng cười, đừng chạy theo những thứ a dua, xô bồ. Nếu không giữ mình, công chúng sẽ quay lưng và phản ứng mạnh mẽ.
Nghệ sĩ Nhân dân Tự Long hiện là Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội. Ảnh: NVCC. |
Showbiz bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng đám đông
- Có ý kiến cho rằng thời đại công nghệ, mạng xã hội khiến công chúng tiếp cận với các sản phẩm hài dễ dàng hơn nhưng họ cũng khắt khe hơn và nghệ sĩ dễ bị ném đá hơn. Anh nghĩ sao?
- Đúng là hiện nay khán giả tương tác với nghệ sĩ nhiều hơn, được thể hiện chính kiến của bản thân. Có những việc làm quá chớn, người xem chê trách, phản hồi nhưng cũng có việc chỉ mới manh nha, công chúng đã có sự phản ứng.
Quan điểm của tôi là cái gì cũng vậy phải kinh qua sử dụng mới biết tốt xấu, nhận xét đúng bao giờ cũng cần thiết những cũng phải có quá trình. Nếu chương trình gì đó mới diễn ra mà công chúng đã chê bai thì rất dễ làm thui chột sự phát triển.
- Mới đây, NSND Hồng Vân cảm thấy buồn vì hiện nay cứ “tấu hài” là bị đánh giá thấp và bị coi là nhảm. Anh nghĩ gì về điều này?
- Đó là thực tế mà nghệ sĩ phải phải chấp nhận thôi. Nhảm hay không thì nghệ sĩ vẫn cứ làm việc theo guồng quay của cuộc sống, khẳng định thương hiệu bằng cách phụ thuộc vào công chúng. Nhiều người hành động theo thị hiếu của số đông nên họ bị coi là nhảm.
Showbiz bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi hiệu ứng đám đông, dẫn đến việc nhiều sản phẩm chất lượng tốt nhưng vẫn bị đánh giá là nhảm. Đau xót với thực trang ấy là đúng vì đâu phải ai cũng như ai.
Thế nhưng, tôi tin nếu mình làm chuẩn mực, nghiêm túc, khẳng định bằng tài năng thực sự thì vẫn sẽ được khán giả nhìn nhận, khen ngợi.
Nghệ sĩ Tự Long cho biết nghệ sĩ đứng mũi chịu xào khi tham gia game show là đương nhiên. Ảnh: Hải Bá. |
Nghệ sĩ 'đứng mũi chịu sào' là đương nhiên
- Dù vẫn có những nghệ sĩ làm nghề chuẩn mực, nhưng anh có đồng ý rằng lối diễn buông tuồng, thích gì nói đây đang áp đảo trên sóng truyền hình hiện nay?
- Tôi đồng tình với ý kiến của khán giả và nhận định của báo chí. Nhưng đây là vấn đề của cả đạo diễn, ê-kíp thực hiện chứ không phải lỗi của riêng nghệ sĩ.
Ở một góc độ nào đó, nghệ sĩ phải phải được quyền sáng tạo, được làm theo sự ngẫu hứng. Nhưng sự sáng tạo này nên được kiểm soát bởi người đạo diễn tài năng.
Nghệ sĩ và đạo diễn mà kết hợp ăn ý, ngang cơ với nhau sẽ tạo ra sản phẩm tốt. Ngược lại, nếu đạo diễn lép vé trước diễn viên, tài năng không bằng diễn viên, thậm chí còn sợ diễn viên thì sẽ chẳng thể làm gì được.
Nghệ sĩ càng vô tư, thăng hoa, thoải mái sẽ càng dễ dẫn đến buông tuồng. Do vậy, game show luôn cần những người có chuyên môn đứng đằng sau.
- Theo anh, lối diễn phóng túng, không cần kịch bản, không quan trọng nội dung của một bộ phận diễn viên hiện nay có ảnh hưởng gì đến hình ảnh của nghệ sĩ hài?
- Ngẫu hứng cũng có cái hay nhưng đúng là lợi bất cập hại. Người ta bảo sểnh chân còn bước lại được nhưng lời đã nói ra, lại còn nói trên game show truyền hình thì không chữa được. Đó là lý do mỗi chương trình hài luôn cần có những người thẩm định và định hướng chương trình.
Một sản phẩm đã đưa ra công chúng phải có chất lượng tốt nhất. Còn nếu không có người sát sao, định hướng thì việc nghệ sĩ mất kiểm soát, mất hình ảnh là hoàn toàn có thể xảy ra. Thời gian gần đây, như chúng ta đều biết, điều ấy đã xảy ra rồi và gây bức xúc trong dư luận.
- Có một thực tế là khi scandal truyền hình xảy ra, nghệ sĩ thường là người "đứng mũi chịu sào", nhà sản xuất và đặc biệt là nhà đài thường chọn cách im lặng. Anh nghĩ gì về điều này?
- Đứng mũi chịu sào là đương nhiên. Mình “trưng” mặt ra trước công chúng thì mình phải chịu. Khán giả đâu cần biết đạo diễn, ê-kíp là ai, họ chỉ biết nghệ sĩ. Nhà đài cũng vậy, làm cho đơn vị này nhưng lại phát ở đài kia nên việc nghệ sĩ phải chịu trận là dễ hiểu.
Khán giả khen, nghệ sĩ hưởng thì khán giả chê, nghệ sĩ cũng không thể đổ lỗi cho ai khác. Miếng ngon anh được hưởng thì khổ anh cũng phải chịu trước. Anh "chình ình" trước màn ảnh, anh nói câu phản cảm thì khán giả phải nói với anh, chỉ trích anh, chứ biết nói ai.
Theo Quang Đức/Zing
Video được xem nhiều nhất