NSND Lan Hương: "Kịch thể nghiệm đang ngắc ngoải"
Theo nữ nghệ sĩ, vốn đầu tư hạn hẹp cùng việc thiếu chiến lược quảng bá hút khán giả đến rạp khiến cho loại hình thể nghiệm gặp nhiều khó khăn.
- Đoàn kịch thể nghiệm do chị làm trưởng đoàn thời gian này rất im ắng, thậm chí có thông tin giải thể. Thực hư chuyện này thế nào?
- Sân khấu lâu nay khó bán vé. Kịch hình thể càng khó hơn vì tiêu chí "thể nghiệm" nên thời gian qua không có doanh thu. Đoàn được lập ra từ hơn chục năm trước. Giải thể chắc là chưa, nhưng chúng tôi đang trong giai đoạn cực kỳ khó khăn. Mỗi năm kịch thể nghiệm có một chương trình, ngắc ngoải hoạt động.
Đoàn và nhà hát lại không có chiến dịch PR, quảng bá kiên quyết để đưa kịch thể nghiệm tới khán giả. Ông Trương Nhuận - Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ hiện nay - là người có hiểu biết, nhiệt huyết, nhưng chỉ một vài cá nhân thì không làm được tất cả.
NSND Lan Hương - trưởng đoàn kịch Thể nghiệm, Nhà hát Tuổi Trẻ. Ảnh: Di Ca. |
- Lâu nay đoàn lấy kinh phí ở đâu để hoạt động?
- Trước đây, Nhà nước tài trợ một khoản tiền để dựng vở, mỗi năm khoảng 400 tới 500 triệu đồng, tùy tính chất, quy mô tác phẩm. Nếu nguồn đầu tư này được duy trì thì đủ để chúng tôi hoạt động.
Từ năm 2014 đến giờ nguồn tài chính đã bị cắt. Năm nay Nhà hát bị cắt 30% kinh phí, sang năm cắt tiếp 30%. Tôi phải cuống quýt đi xin tiền các nơi dựng vở. Bộ Công an và Hội Nghệ sĩ Sân khấu là đơn vị đầu tư cho chúng tôi dựng Người trong biển lửa, Từ một ngã tư. Sau khi dựng các vở mới này, đoàn sẽ đi xuống các địa điểm của nơi tài trợ biểu diễn.
- Theo chị, kịch thể nghiệm đóng vai trò gì trong đời sống sân khấu?
- Nó tạo sự hấp dẫn mới, biểu đạt mới, vừa có kịch, vừa có múa, hát... Khi nào diễn viên không thoại, kịch được xử lý để biểu đạt bằng hình thể. Đây vẫn là kịch, nên dùng ngôn ngữ gì vẫn phải có các tình tiết diễn biến cao trào, thắt nút, mở nút. Thêm nữa, loại hình này có tính khái quát, triết lý cao.
Trước đây các nhà quản lý muốn sáp nhập Nhà hát Tuổi Trẻ vào Nhà hát Kịch Việt Nam, vì thấy cả hai đơn vị đều diễn kịch, hoạt động như nhau. Lãnh đạo kêu gọi nghệ sĩ đổi mới, làm cái gì đó để tạo khác biệt mới mẻ cho Nhà hát. Đoàn kịch Thể nghiệm được thành lập cũng một phần vì lý do ấy.
Hình ảnh trong vở hình thể "Vườn thiên đàng". |
- Vì sao kịch thể nghiệm không tới được công chúng?
- Người ta cứ nói kịch hình thể khó hiểu. Nhưng thật ra loại hình này rất đơn giản, dễ cảm nhận. Ngoài lời thoại, những điều cần nói được biểu đạt bằng ngôn ngữ hình thể hết rồi. Vấn đề là có thay đổi được thói quen tới nhà hát xem kịch của công chúng hay không.
Trước đây mỗi lần diễn vở ở rạp cũng không bán được vé, mà toàn là hợp đồng. Nghĩa là đoàn bán vé trọn gói cho một đơn vị, cơ quan nào đó.
- Đời sống của anh em nghệ sĩ trong đoàn hiện ra sao?
- Cũng như nhiều nghệ sĩ sân khấu khác, diễn viên đoàn thể nghiệm đi bằng hai chân, vừa làm trong Nhà hát, vừa làm thêm bên ngoài để có đồng ra đồng vào.
Cả đoàn hiện có 30 người, bao gồm cả diễn viên và kỹ thuật. Họ đều là những người tâm huyết. Các diễn viên chạy show ngoài khá hơn rất nhiều, nhưng chỉ cần trưởng đoàn hô hào dựng vở là hồ hởi chạy về tập ngay.
Diễn viên của đoàn thể nghiệm là những người tài năng, họ vừa có khả năng diễn xuất của kịch, vừa biết nhảy múa, hát... Hơn 10 năm qua, họ gắn bó với đoàn, nhưng chịu nhiều thiệt thòi, vì tiền không có, danh tiếng cũng không.
Một số nhân vật nổi bật của đoàn trước đây, giờ đã về các đoàn khác hoạt động, hoặc có công việc riêng. Công Dũng chuyển sang nhà hát khác, Như Lai về Đoàn Kịch 1 của Nhà hát Tuổi Trẻ, Hoàng Tùng tuy vẫn ở lại, nhưng mở công ty đi biểu diễn ở ngoài...
- Đoàn cần hoạt động thế nào để duy trì sự tồn tại?
- Tôi rất muốn làm kịch hình thể tiếp, nhưng chỉ còn hai năm nữa là nghỉ hưu. Lúc đó có làm thì phải làm với tư cách cá nhân, mà tôi thì không có tiền nên rất khó. Công việc là của những người còn ở lại.
Như Lai, Hoàng Tùng là những người rất tâm huyết với kịch hình thể. Gần đây họ thấy thể loại kịch này chưa phù hợp với công chúng trong nước. Nhưng tôi lại bướng, luôn nghĩ phải làm để mang lại yếu tố mới cho sân khấu kịch.
Để tồn tại, ngoài tài năng, tâm huyết, còn cần tiền. Tìm kiếm nguồn tài trợ cũng là một cách, nhưng con đường gian nan vẫn là đưa được tác phẩm tới công chúng.
Hình ảnh trong vở "Hồn Trương Ba da Hàng Thịt". |
- Yếu tố nào khiến chị gắn bó và dẫn dắt đoàn kịch thể nghiệm suốt 10 năm qua?
- Mỗi lần dựng vở, tôi và anh em phải đầu tư rất nhiều chất xám, công sức, nghĩ xem kết hợp với gì, làm sao để có yếu tố đổi mới mà vẫn hay, ý nghĩa.
Tôi là một người mà giới tướng số chỉ nhìn vào có thể biết ngay là người "lười làm ham hưởng thụ". Mọi việc tôi làm rất nhanh chán, nhưng riêng kịch hình thể thì cứ như có một sức mạnh vô hình nào đó kéo mình lại. Lần nào bắt tay dựng vở cũng hào hứng.
Làm kịch hình thể, tôi chưa được gì về công danh, tiền bạc... Nhưng tôi thấy hạnh phúc khi được làm cái mình thích. Có khi số tiền đầu tư không đủ dựng vở, tôi lại lấy chút tiền của chồng bỏ thêm vào. Công Dũng - diễn viên tài năng của đoàn - có lần nói với tôi: "Chị phải tỉnh táo, tính toán cho bản thân mình chứ, kẻo nhiệt tình quá thiệt thòi". Tôi nghĩ làm cái gì cũng đừng tính toán nhiều, nó đã là số phận rồi.
Hiện tôi vẫn thấy vui vì yêu thích công việc. Tôi nghĩ làm vậy cũng là cách để trả ơn cho Nhà hát Tuổi Trẻ. Nhà hát đã nhận một con bé quá lùn mà quá yêu nghệ thuật như tôi về đoàn, lúc đó chẳng ai nhận một diễn viên cao 1,53 m cả. Tôi gắn bó với nơi này, 15 tuổi vào nhà hát, 43 tuổi được phong nghệ sĩ nhân dân.
Đoàn kịch thể nghiệm thành lập năm 2014, là một trong các đoàn nghệ thuật của Nhà hát Tuổi Trẻ. Hơn mười năm qua, đoàn dựng nhiều vở độc đáo, sử dụng nhiều ngôn ngữ nghệ thuật. Các vở diễn nổi bật như: Hồn Trương Ba da hàng thịt, Nguyễn Du với Kiều, Tâm linh Việt, Từ một ngã tư, Giấc mơ trưa, Biến vỹ của tình yêu, Hàn Mặc Tử, Cô bé bán diêm, Vườn thiên đàng, Nhật nguyệt thực, Stereo man, Stereo woman, Virus sát thủ, Người trong biển lửa, một cõi đi về... |
Lam Thu
Video được xem nhiều nhất