NSND Lan Hương: Vượt qua cái bóng "Em bé Hà Nội" là điều khó

8showbiz - 29/05/2015, 15:00

Kể từ vai Ngọc Hà trong "Em bé Hà Nội" NSND Lan Hương đã có gần nửa thế kỷ gắn bó với nghề diễn, đóng phim và "vật vã" với sân khấu. Khán giả khi nhắc tên Lan Hương vẫn nhớ hình ảnh "Em bé Hà Nội" trong veo giữa Hà Nội hoang tàn nhưng đối với nữ nghệ sĩ, sân khấu mới là sự nghiệp mà chị gắn ...

NSND Lan Hương dễ khiến người tiếp xúc yêu mến
 
Ngoài đời, nghệ sĩ Lan Hương dễ khiến người tiếp xúc yêu mến bởi tính cách nhẹ nhàng, bộc trực của một người Hà Nội gốc. PV Dân Việt đã có cuộc trò truyện để nghe những chia sẻ thú vị của nữ nghệ sĩ.
 
Thành công xuất sắc với vai diễn "Em bé Hà Nội" khi mới có 10 tuổi, con đường nghệ thuật của chị sau đó có khó khăn hay thuận lợi gì?
 
Thành công sớm khiến tôi bị "đóng đinh" khá sớm, các vai diễn sau trên màn ảnh để tôi vượt qua cái bóng của "Em bé Hà Nội" là điều rất khó.
 
Thuận lợi là khi tôi gặt hái được thành công, làm những công việc được mọi người ưu ái hơn, các đạo diễn cũng biết được khả năng làm việc của mình tới đâu.
 
Sau "Em bé Hà Nội" những vai diễn khác mà chị ưng ý nhất là gì?
 
Sau "Em bé Hà Nội" tôi có đóng một số phim nhựa nhưng cũng không thành công mấy, có lẽ tôi ưng ý hơn với nhân vật mình thể hiện trên phim truyền hình, những bộ phim dài tập. 
 
Như phim "Những người sống quanh tôi", hay gần đây nhất là "Trần Thủ Độ" là 2 bộ phim mà tôi ưng ý nhất.
 

Vẻ đẹp "quên tuổi" của "Em bé Hà Nội"

 
Vai Đàm Thái hậu trong phim Trần Thủ Độ chị có nghĩ mình đã tạo ra một hình ảnh Lan Hương mới không? 
 
Tôi nghĩ là có. Nhân vật này mạnh mẽ và ác liệt hơn. Người đàn bà sống trong cung cấm, phải lựa chọn giữa cái sống và cái chết. Ai thông minh người đó sống. Đó là cuộc đấu tranh sinh tồn. 
 
Bà Thái hậu là người rất tàn nhẫn. Thời Lý, dù nhiều người nhu nhược, nhưng Đàm Thái hậu là một người quyết đoán, dám nghĩ dám làm.
 
Sau khi nhận vai, tôi xuống Đền Đô, khấn Đàm Thái hậu rằng, ai cũng có một thời, dòng họ Lý cũng có một thời oanh liệt mấy trăm năm. Bà hãy phù hộ sao cho con đóng được đúng là bà, suy nghĩ đúng suy nghĩ của bà, dù bà đúng hay sai. Không hiểu duyên phận hay sao, mà tôi được vào vai 2 người phụ nữ đối đầu với nhau suốt hai chục năm dài.
 
Hiện tại chị đang làm những công việc gì?
 
Hiện tại tôi làm đạo diễn sân khấu, nhưng đi chuyên sâu vào thể loại thể nghiệm, đơn vị công tác chính là Nhà hát Tuổi trẻ. Ngoài ra có đi giảng dạy ở trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.
 
Lý do gì khiến chị lựa chọn nghề nghiệp chính là sân khấu chứ không phải điện ảnh?
 
Lúc nhỏ làm phim, theo điện ảnh nhưng khi đi học trường lớp thì tôi lại học sân khấu. Đến tuổi buộc phải chọn lựa thì quyết định của tôi là sân khấu, bởi điện ảnh dù gắn bó từ nhỏ nhưng sân khấu thì gắn bó nhiều hơn, làm phim tuy song song đồng hành nhưng chỉ là nghề tay trái của tôi.
 
Các nghệ sỹ gạo cội thường than phiền về mức thu nhập từ nghề của họ rất thấp, bản thân chị thấy thế nào?
 
Tôi thấy điều này quá đúng. Chuyện này đang là tình hình chung của giới nghệ sĩ chúng tôi. Ngoài công việc chính là làm nghệ thuật, nhiều người trong chúng tôi phải mở cửa hàng, cửa hiệu, chạy show diễn hài, dẫn chương trình... 
 
Mỗi người đều phải tự bươn chải, xoay sở thêm nhiều nghề để có thu nhập. Như mức lương của tôi được nhận cơ bản hàng tháng là 6 triệu, so với mặt bằng chung của các nhân sự mới của Nhà hát thì là cao hơn rất nhiều. Với mức lương bèo bọt, chúng tôi khó mà chuyên tâm cho làm nghệ thuật.
 
Thời gian gần đây, nhiều ý kiến cho rằng nghệ thuật truyền thống như sân khấu không nhận được sự quan tâm từ khán giả, bản thân chị nghĩ gì về điều này?
 
Muốn lôi kéo khán giả đến với sân khấu như ngày xưa thì là một bài toán khó với nghệ sĩ chúng tôi. Tôi cũng nghĩ nhiều lắm. 
 
Có lúc tôi nghĩ hay là mình làm không hay, thử thay đổi phương thức thực hiện... Nhưng không phải, nếu so sánh với nghệ thuật sân khấu của các nước khác trên thế giới thì tôi thấy sân khấu của nước ta rất hay, hay về cả nội dung, sự dàn dựng, tính nghệ thuật cao... 
 
Nhưng khán giả tới với sân khấu của chúng tôi chỉ theo "mùa vụ" như Ngày Quốc tế Phụ nữ, Quốc tế Thiếu nhi, Ngày Phụ nữ Việt Nam... Nghệ sĩ sân khấu sống bằng tài trợ và thời điểm, chứ hiếm khi người ta tự bỏ tiền ra để mua vé lắm. Tất cả các Đoàn biểu diễn giờ phải chạy tìm hợp đồng là chính.
 
Chị thấy loại hình sân khấu nào được khán giả yêu thích nhất?
 
Khán giả Việt Nam mình rất thích xem hài, chắc họ cảm thấy nhẹ nhõm, ít phải suy nghĩ. Những vở diễn giúp cho đầu óc mở mang, phải suy nghĩ họ sẽ than là đau đầu lắm, chẳng xem...
 
Chị có muốn gửi gắm điều gì tới khán giả Việt?
 
Bản thân nghệ sĩ sân khấu chúng tôi rất tự hào với những gì vốn có của dân tộc, chúng tôi cũng mong muốn rằng mọi người hãy tìm đến với cội nguồn. Và hãy cố gắng dành chút thời gian cảm nhận những cái gốc tinh hoa nghệ thuật.
 
Cảm ơn những chia sẻ của chị!
 
Theo Dân Việt

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất