Những người đạp xích lô cuối cùng ở Sài Gòn
Ly cà phê trước mặt ông vơi đi một nữa. Đã 6g sáng, quán vỉa hè cạnh chợ Tân Định (Q.1 TPHCM) chưa đông. Ông vẫn ngồi trầm ngâm đưa mắt nhìn ra đường. Chiếc xích lô sập mui, nệm xếp ngay ngắn dừng sát lề, bên cạnh ông im lìm chờ đợi. Theo như mọi hôm, giờ này ông có chuyến mở hàng trong ngày.
Chỉ cần vài chục để qua ngày
Ông kiên nhẫn tiếp tục ngồi chờ. Ngụm cà phê hôm nay có lẽ đắng hơn mọi ngày. "Chưa có khách hả anh ?". Sao hôm nay vắng quá. Thường thit giờ này ít nhất cũng đã có một cuốc rồi.
Câu trả lời của ông vừa dứt, mắt ông sáng lên. Từ xa một phụ nữ đứng tuổi xách chiếc giỏ nặng trĩu đi về phía chiếc xích lô. Bỏ ly cà phê dở đang, ông đi nhanh về phía người đàn bà và đón lấy chiếc giỏ. . .
Ông Trung Văn Lai chờ khách |
Chiếc xe chở người phụ nữ lăn bánh. Ông đẩy cho xe có trớn rồi nhảy lên yên. Người ông nhỏ thó. Chân ông khẳng khiu. Vậy mà chiếc xe chạy rất nhanh và vững vàng.
15 phút sau ông trở lại ngồi vào chỗ ly cà phê uống dở. Tôi nhìn ông. Thần sắc có vẻ mệt mỏi. Mồ hôi tuôn ướt cả vạt áo. Hơi thở ông nặng nề nhưng tâm trạng phấn chấn hơn.
Tôi biết ông đã nhiều năm nay. Ông là Trung Văn Lai 75 tuổi, quê quán Mỹ Tho (Tiền Giang). Ông hành nghề xích lô đón khách đã hàng chục năm. Ở khu chợ này không ai không biết ông. Dường như cả cuộc đời ông gắn với nơi đây. Mới đó, mới đây thôi đã ngót 40 năm rồi.
Ngã giá nhưng giá nào cũng đi |
Nhiều người kể lại, sáng ông đến khu vực này chờ đón khách. Khách của ông vốn là những bà nội trợ đã quen thuộc nhiều năm với ông, không nỡ bỏ ông nên nhờ thế mà ông còn có cái để sống. Đến trưa ông ghé vào một quán cơm bụi qua loa qua bữa rồi đẩy xe về phía trường Nguyễn Thị Diệu leo lề, bung mui, đánh một giấc ngủ dài . . .
Ở TPHCM, những người đạp xích lô như ông không còn nhiều. Những người còn sống vì nghề này hầu hết đều đã bước vào ngưỡng "cổ lai hi". Từ khi lệnh cấm xích lô có hiệu lực, những người như ông Lai vẫn bằng mọi cách để hành nghề bởi ngày nào xe không lăn bánh ngày đó sẽ đói.
Giấc ngủ trưa của ông Lai |
Ông hồi tưởng lại, năm 1975, đang ở tuổi 35, không nghề nghiệp từ Mỹ Tho ông về chợ Tân Định này với xấp lá chuối trên tay để bán cho những người gói bánh. Cứ thế, ngày này qua ngày khác, ban ngày bán lá ban đêm tìm một sạp hàng nào bỏ trống ngủ qua đêm. Chi tiêu rất tằn tiện nhưng cũng không đủ để gởi về quê nhà cho vợ nuôi 4 đứa con.
Cuộc sống cứ thế kéo dài đến 20 năm. Năm 1995, nhiều người khuyên ông bỏ nghề bán lá sang nghề xích lô may ra đỡ hơn. Ông nghe theo. Thuê một chiếc xe, bước khởi nghiệp nghề xích lô của ông khá suông sẻ. Thu nhập có hôm lên đến 500.000đ/ngày. Nhờ thế, ông có điều kiện nuôi con.
Đa số những người đạp xích lô đều lớn tuổi |
Thời "vàng son" của nghề xích lô giúp ông thong thả được nhiều năm. Cho đến gần đây, lênh cấm trở nên gắt gao, xích lô vắng dần nhưng cũng may, 4 đứa con ông đã lớn và đã thành gia thất.
Không còn nặng nợ gia đình, nhưng cuộc mưu sinh vẫn trĩu nặng trên vai ông. Tôi hỏi ông : "Dạo này chạy có khá không anh ?". Ông buồn rầu :"Ế lắm chú ơi nhưng không chạy ai cho mình mỗi ngày vài chục để có cơm ăn đây ?"
Giấc ngủ không bình yên
Giấc ngủ trong đêm |
Trời đã vào khuya. Đường 3 tháng 2 - con đường nối 2 đầu thành phố - vắng bớt xe. Ngang qua quận 11, trên vỉa hè cạnh một công trường xây dựng, 4 chiếc xích lô đậu thành hàng dài. Trên mỗi xe đều có một người đàn ông đang chìm sâu vào giấc ngủ. Giấc ngủ của họ đơn giản. Không cần nệm ấm, chăn êm. Chỉ cần một tấm đắp quấn ngang người . . .
Chúng tôi ghé vào. Nhìn thoáng qua có đóm lửa trong xe. Một người chưa ngủ. Ông ngồi thẳng không duỗi người. Điếu thuốc trên tay ông cháy đỏ. Tôi chào và hỏi : "anh chưa ngủ sao ? Khuya rồi mà". Rít thêm một hơi thuốc, ông nói : "không ngủ được anh ơi. Càng nghĩ đến vợ con càng thêm rối. Chạy xe cả ngày không kiếm nổi miếng ăn cho cả nhà. Giờ phải làm sao đây ?".
Một nhóm 4 xe trên vỉa hè đường 3 tháng 2 |
Dường như sự có mặt của chúng tôi trong lúc này khiến cho ông nhẹ người hơn. Ông giải bày, vài năm trước đây, sau một trận bão nhà tôi tan hoang. Cơ nghiệp bao nhiêu năm chỉ một cơn gió thổi qua mất sạch. Gom góp những gì còn lại, tôi dựng lại mái nhà cho mấy mẹ con ở rồi tôi vào Sài Gòn kiếm sống. Làm công có, buôn bán nhỏ có nhưng chẳng thứ nào ra hồn cả. Cuối cùng đến với chiếc xích lô.
Ban đầu thì đạp xích lô cũng đắp đỗi được qua ngày. Ban ngày chạy xe ban đêm tìm một vỉa hè nào đó bung mui lên ngủ. Cứ thế, tuy có vất vả nhưng cũng giải quyết được miếng ăn cho cả nhà. Ở quê mấy mẹ con đi làm công phụ vào cũng qua được gian khó.
Được vài năm tương đối ổn định thì tiếp tới lệnh cấm xích lô. Khách bây giờ không còn nhiều, chủ yếu là chạy mối. Anh có thể tưởng tượng, có lần tôi chở hàng từ quận 11 lên đến Củ Chi đoạn đường gần 40km giao cho khách lấy 400.000đ tiền công ?
Nếu xe có động cơ thì không nói. Tôi phải đạp mất gần một ngày ròng rã. Mệt lắm nhưng 400.000 trong lúc này là quá lớn với tôi. Giá như trước kia tôi từ chối không đi nhưng bây giờ kiếm đâu ra mối ? Có được là quí lắm rồi cho dù có tổn hao công sức.
Chỉ cần một tấm đắp, giấc ngủ của người đạp xích lô thật đơn giản |
Chẳng hơn cả tuần nay, kiếm được vài trăm chẳng thấm vào đâu. Con ở nhà đang bệnh rồi làm sao đây ? Nghĩ đến là không ngủ được.
Nghe anh kể chuyện, một chút ngậm ngùi. Cuộc mưu sinh bây giờ khó khăn quá. Những người lao động lam lũ hàng ngày phải đối mặt với bao nhọc nhằn. Cuộc sống của họ dần đi vào ngõ cụt.
Tôi hỏi thăm về những xe bên cạnh. Anh cho biết, cả 4 đều là người cùng quê với anh. Ai cũng lớn tuổi, không nghề nghiệp bỏ quê vào thành phố tìm kiếm cái ăn. Mỗi người mỗi hoàn cảnh. Mỗi người mỗi thân phận nhưng tựu trung chẳng ai dại gì có điều kiện tốt mà chọn nghề xích lô.
Chúng tôi rời khỏi nơi đây. Tiếp tục đi vào những con đường nơi có phố chợ tấp nập ồn ào. Trời đã quá nửa đêm. Những chuyến hàng đầy ắp trên những chiếc xích lô vội vàng ập đến rồi nhanh chóng ra đi. Người ngủ ban đêm vì công việc họ chỉ có ở ban ngày và ngược lại. Nghĩ đến nhọc nhằn lam lũ của họ, bất giác chúng tôi không dằn được cảm xúc.
Nghề xích lô không cần cấm cũng phải dẹp vì không còn khách. Đến lúc ấy, không biết những người này họ sẽ sống ra sao?
Trần Chánh Nghĩa
Video được xem nhiều nhất