Người ta vừa mới bắt gặp loài chó cổ nhất, hiếm nhất hành tinh ngoài tự nhiên
Loài chó tưởng như đã tuyệt chủng trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, hóa ra chúng vẫn còn tồn tại.
New Guinea là một hòn đảo nằm ở phía đông quần đảo Malaysia, có kích cỡ lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Greenland. Trên đảo là cả một hệ sinh thái, với nhiều loài động thực vật phong phú. Nhưng qua thời gian, con người đã khiến nhiều loài động vật tại đây rơi vào cảnh tuyệt chủng, trong đó có loài chó hoang của cao nguyên New Guinea - loài được xem là cổ nhất, hiếm nhất hành tinh.
Trong hàng thập kỷ, loài chó này đã được xem là tuyệt chủng ngoài môi trường sống của nó. Tuy nhiên mới đây, các chuyên gia đã chính thức xác nhận về sự tồn tại của một đàn chó khỏe mạnh. Chúng lẩn trốn tại nơi xa xôi hẻo lánh nhất trên Trái đất này.
Cá thể được cho là loài chó hoang cao nguyên New Guinea
Các phân tích về ADN cho thấy, nhóm chó này thuộc dòng giống cổ nhất còn tồn tại cho đến ngày nay. Đàn chó này có ít nhất 15 cá thể, gồm cả đực, cái, và cả chó con. Chúng tồn tại ở nơi cách xa sự xâm phạm của con người.
"Việc xác nhận sự tồn tại của loài chó hoang cao nguyên lần đầu tiên sau nửa thế kỷ là một cơ hội cực lớn cho khoa học" - nhóm nghiên cứu thuộc Tổ chức chó hoang cao nguyên New Guinea (NGHWDF) cho biết.
Dành cho những người chưa biết, sự tồn tại của loài chó hoang cao nguyên New Guinea vốn được xem là... tin đồn, vì đã quá lâu người ta không nhìn thấy chúng. Nhưng khoa học chưa khi nào nguôi hy vọng, vì chúng vẫn xuất hiện trong 2 bức hình: vào năm 2005 và 2012, dù cả hai vẫn chưa được xác nhận.
Nhưng hóa ra, chỉ là chúng... trốn giỏi
Năm 2016, NGHWDF thực hiện chuyến khảo sát sang phía Tây của New Guinea, xuống tận khu vực biên giới giữa Papua New Guinea và Tây Papua. Người dẫn đầu là James K. McIntyre - một nhà động vật học tại ĐH Papua.
Đến tháng 9/2016, họ phát hiện ra những dấu chân trên mặt bùn - dấu hiệu cho thấy có một loài chó đang lẩn trốn trong khu rừng rậm của cao nguyên New Guinea, ở độ cao lên tới 3.460 - 4.400m so với mặt nước biển.
Lập tức, nhóm chuyên gia lắp đặt camera và mồi nhử. Và chỉ trong vòng 2 ngày, thành quả thu được là hơn 140 tấm hình về loài chó hoang cao nguyên. Chúng đã trốn tại Juncak Jaya - khu vực cao nhất của núi Carstenz, và cũng là điểm cao nhất mà các hòn đảo trên thế giới có thể đạt đến.
Qua quan sát, có thể thấy đặc điểm của loài cho này như sau: lông vàng nâu (giống chó golden), nhưng cũng có con màu đen hoặc nâu sẫm, nâu kem. Đuôi luôn dựng ngược như hình móc câu, giống loài Shiba Inu của Nhật. Đôi tai cũng luôn dựng đứng trên đỉnh đầu.
Các xét nghiệm ADN cho thấy chúng có liên quan đến loài chó dingo Úc và chó biết hát New Guinea - cả hai loài được cho là lai tạo trong môi trường nuôi nhốt của chó hoang cao nguyên New Guinea.
Từ trước đến nay do có quá ít bằng chứng, việc 3 loài dingo, cho biết hát và chó cao nguyên có liên hệ thế nào với nhau vẫn chưa được làm rõ. Nhưng có vẻ như dấu hỏi to lớn về sự tiến hóa của loài chó sắp có câu trả lời.
Ngoài ra, các chuyên gia đang rất lạc quan về khả năng tồn tại của loài chó này."Chúng đang sống rất thoải mái, và sinh sôi từng ngày" - McIntyre cho biết.
Tuy nhiên, có lẽ con người cũng nên tự đặt dấu hỏi khi trông thấy động vật sinh sôi đến mức nào khi không có sự góp mặt của con người trong đó.
Theo J/Trí thức trẻ
Video được xem nhiều nhất