Mẫu da màu chật vật tìm suất diễn tại các tuần lễ thời trang

Zing - 05/07/2015, 20:18

Casting ở các tuần lễ thời trang quốc tế vốn khắc nghiệt và cạnh tranh cao. Tình hình sẽ càng tệ hơn với chân dài da màu, đặc biệt là mẫu da đen vì nạn phân biệt chủng tộc.

Thời trang dù là ngành công nghiệp tỷ đô nhưng lại chứa đựng nhiều mặt tối gây sốc như bệnh biếng ăn đầy rẫy vì chuẩn size 0, lạm dụng sức lao động của người mẫu vị thành niên… Đặc biệt tình trạng phân biệt màu da, chủng tộc vẫn còn tồn tại dai dẳng.

Trong khi người mẫu gốc Á đang hưởng lợi từ sự phát triển mạnh mẽ của nhiều nền kinh tế được ví như “những con rồng châu Á”, với tần suất xuất hiện ngày càng nhiều và cơ hội tìm “chiếc vé” bước vào làng thời trang thế giới ngày một rộng mở trong tương lai, chân dài da đen không may mắn như thế. 

Người mẫu da trắng đang thống lĩnh 4 tuần lễ thời trang lớn nhất thế giới. Người mẫu da màu, đặc biệt là mẫu da đen vẫn rất khó để chen chân trên những sàn diễn danh giá này.

Theo biên tập viên Hadley Freeman của The Guardian, sự ghẻ lạnh người mẫu da đen vẫn còn rất phổ biến trong ngành công nghiệp thời trang quốc tế. Trong gần 1 thập kỷ trở lại đây, dù có không ít người mẫu da đen đạt được vị trí đáng mơ ước như Naomi Campbell, Tyra Banks,  Jourdan Dunn, Chanel Iman …  Nhưng số lượng chân dài da đen được chọn để xuất hiện trên trang bìa tạp chí danh tiếng chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. 

The Guardian tiết lộ, Jourdan Dunn từng cay đắng cho biết cô bị một tạp chí nổi tiếng từ chối vào năm ngoái vì “hầu như bìa nào có hình người mẫu da đen đều rất khó bán”.

Nhưng đây không là sự thật gây sốc duy nhất trong làng thời trang về tình trạng phân biệt chủng tộc nặng nề, đeo bám qua nhiều thế hệ người mẫu và ngôi sao nổi tiếng da đen. Thậm chí “nữ hoàng truyền hình Mỹ” Oprah Winfrey từng bẽ bàng vì bị một nhân viên cửa hàng Hermes từ chối bán túi xách, với lý do đơn giản: “Người da đen không đủ tiền để sở hữu một chiếc túi đắt giá như Hermes”.

Naomi Campbell là một trong những siêu mẫu da đen hiếm hoi giữa “rừng” siêu mẫu da trắng.

Là một sự kiện rất quan trọng trong ngành công nghiệp thời trang quốc tế, dễ hiểu vì sao các tuần lễ thời trang lớn trên thế giới đều chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tư tưởng kém tiến bộ này. Mặc dù nếu so với năm 2008, năm 2014 sàn diễn của 4 “ông lớn” fashion week gồm New York, Milan, London và Paris chứng kiến sự xuất hiện nhiều hơn so với những năm trước của lượng người mẫu da màu, bao gồm cả da vàng, da đen và Mỹ Latin. 

Theo thống kê của trang Jezebel, số người mẫu da đen được sải bước trên sàn catwalk chiếm 7,67% trong năm2014. Con số này 6 năm trước là 5,4%. Tương tự, người mẫu châu Á tăng 9,75% so với 2,7%. Ngược lại, người mẫu gốc Latin giảm từ 2,7 % năm 2009 xuống 2,12%, và người mẫu da trắng còn 78,69% so với năm 2008 là 87%. 

Cùng lúc đó, những buổi diễn trong khuôn khổ tuần lễ thời trang London ngày càng đa dạng hơn khi chọn người mẫu. Đặc biệt, các “đại gia làng mốt” như Burberry, Topshop và Tom Ford bắt đầu sử dụng người mẫu da đen trên sàn catwalk, sau những cáo buộc của tờ Sunday Times cho rằng không thương hiệu nào trong số này dùng người mẫu da màu cho các chiến dịch quảng cáo và trình diễn. Tuy nhiên, các bước tiến này chỉ là bề nổi của một tảng băng trôi.

Dù vượt qua vòng casting khắc nghiệt, người mẫu da đen không tên tuổi hầu hết vẫn bị “lép vế” so với chân dài da trắng trên sàn diễn các tuần lễ thời trang quốc tế.

Những sự thật gây sốc phía sau các buổi casting của nhiều nhà thiết kế nổi tiếng đã được The Guardian vạch trần trong một bài báo gần đây. Theo đó, hầu hết các nhà thiết kế tại Hoa Kỳ đều casting và chọn trước khoảng 3/4 người mẫu da trắng cho các buổi diễn, trước khi dành phần ít ỏi còn lại cho người mẫu da màu. Đây là mẹo nhỏ nhưng khôn ngoan để được tiếng không phân biệt chủng tộc, cũng như đảm bảo sự đa dạng về người mẫu theo yêu cầu từ nhiều hiệp hội thời trang quyền lực và làm hài lòng công chúng cấp tiến trong nước.

Tình hình không sáng hơn là mấy cho các chân dài da màu, đặc biệt là người mẫu da đen tại lãnh địa thời trang danh tiếng như London của nước Anh hay Milan của Italy. Cho dù Hiệp hội thời trang Anh quốc đã gởi thông báo yêu cầu nhà thiết kế phải sử dụng người mẫu da màu cho các buổi diễn, hầu hết cơ hội đều chỉ dành cho những chân dài đã có vị trí nhất định trong làng mốt. Show diễn mới đây nhất của Paul Smith đã chứng minh chính xác những nhận định của The Guardian về tình trạng phân biệt chủng tộc, khi chỉ có 2 chân dài châu Á nổi tiếng cùng 1 người mẫu da đen lạc lõng giữa “rừng” da trắng.

Thậm chí, những người mẫu da màu đạt đến đẳng cấp cao trong làng mẫu như Jourdan Dunn, Chanel Iman, Joan Smalls… đều đã nếm trải nhiều “trái đắng”. 

Jourdan Dunn và Chanel Iman từng bị từ chối thẳng thừng chỉ vì nước da. 

Tâm sự trên Times, Chanel Iman cho biết dù đã là thiên thần nhiều năm của Victoria’s Secrect, cô vẫn trượt casting như thường. Nhưng không phải vì thiếu sót các kỹ năng, mà nguyên nhân chính là vì nhà thiết kế cho rằng: “Chúng tôi đã tìm được một cô nàng da đen, vì vậy không cần thêm cô nữa”.

Joan Smalls, một chân dài nổi tiếng khác cũng từng được khuyên rất thẳng thắn về cơ hội phát triển trong làng mẫu: “Thách thức lớn nhất ở đây là làn da đen của bạn”. Còn Jourdan Dunn đã khóc rất nhiều khi chuyên gia trang điểm da trắng tránh chạm vào da của mình vì khinh miệt và kì thị chủng tộc.

Trang tin The Guardian cho biết, các biên tập viên thời trang, nhà thiết kế và ở một góc độ nhất định là giám đốc casting cho các show diễn phải chịu trách nhiệm về tình trạng này. Buzzfeed từng có một bài báo “vạch mặt” nguyên nhân vì sao kì thị màu da vẫn còn tràn ngập sàn diễn các tuần lễ thời trang danh giá, bằng cách phỏng vấn nhiều giám đốc casting kì cựu. 

James Scully, đạo diễn casting nổi tiếng của nhiều nhãn hàng lớn đã chỉ đích danh vài thương hiệu cố tình “phớt lờ” mẫu da màu, đặc biệt là mẫu da đen. Dior, Saint Laurent, Louis Vuitton là những cái tên được liệt kê ở đây. Thậm chí ông còn cho biết nguyên buổi diễn của Dior trên sàn diễn thu - đông 2013 toàn là mẫu da trắng.

Đồng tình với quan điểm của James Scully, giám đốc casting Gucci còn hé lộ bí mật khá “sốc” khi cho biết: “Gucci không bao giờ chấp nhận số lượng lớn các cô gái da đen cho các buổi diễn của họ”. Một trong những lý do theo James Scully chính là vì Frida Giannini, giám đốc sáng tạo của Gucci, đã ra chỉ thị: “Da nào cũng được, trừ màu đen”.

 Người mẫu da đen hiếm có cơ hội để sải bước trên sàn diễn xa hoa của Gucci.

Dù kì thị màu da được cho xuất phát chủ yếu từ các nhà thiết kế, biên tập viên thường là người da trắng, và họ có xu hướng ưu ái cho người cùng màu da với mình, theo The Guardian, vấn đề chính nằm ở lý do kinh tế nhiều hơn. 

Bằng chứng là lượng người mẫu gốc Á và người mẫu Nga “săn” được cơ hội xuất hiện tại các tuần lễ thời trang danh giá đang tăng theo tỷ lệ thuận với số tỷ phú, triệu phú đô la mới nổi tại các nước này. Kèm theo đó, tiềm năng kinh doanh thời trang xa xỉ tại các vùng đất châu Á luôn được dự đoán với số liệu khả quan nhất. Niềm đam mê hàng hiệu của người dân các khu vực này cũng đã nổi tiếng từ lâu. Chính vì vậy, đây cũng là lợi thế của mẫu gốc Á so với người mẫu da đen.

Ngược lại, quan điểm người da đen không đủ khả năng tài chính để sở hữu những bộ cánh, trang sức hay phụ kiện hàng hiệu dường như đã ăn sâu vào tâm trí của nhiều nhà mốt quốc tế, lẫn những người làm việc trong ngành này. Chuyện Oprah Winfrey bị nhân viên Hermes từ chối là ví dụ điển hình cho kiểu tư tưởng thiếu tiến bộ như trên. The Guardian cũng đã khẳng định, nếu muốn phát triển hơn nữa, ngành công nghiệp thời trang thế giới cần “tẩy chay” tệ nạn rất lỗi thời này.

Kinh tế châu Á phát triển mạnh mẽ giúp người mẫu gốc Á có thêm nhiều cơ hội trình diễn ở các tuần lễ thời trang quốc tế. Ngược lại, tình hình chính trị bất ổn và đói nghèo, lạc hậu khiến khu vực châu Phi luôn nằm ngoài tầm ngắm của các nhãn hàng cao cấp. Đồng nghĩa với việc người mẫu da đen cũng gặp bất lợi hơn khi casting tại các kinh đô thời trang lớn.

 

Tóm lại, dù đã có nhiều người mẫu da đen đóng góp lớn cho ngành công nghiệp thời trang quốc tế như Tyra Banks, Naomi Campbell, Naomi Sims, Alek Wek…, nhưng cơ hội để sải bước trên sàn catwalk của 4 tuần lễ thời trang danh giá vẫn là thử thách rất khắc nghiệt với các chân dài da màu. Đặc biệt khi các nhà thiết kế tiến bộ như Victoria Beckham , Jill Stuart, Lacoste, Band of Outsiders … vẫn còn rất khắt khe trong việc sử dụng mẫu da đen để trình diễn cho các thiết kê mới nhất của mình. 

Chính vì thế, để giành lấy cơ hội xuất hiện tại các fashion week danh giá, chân dài da màu, nhất là mẫu da đen sẽ còn phải cố gắng, nỗ lực vượt bậc, thậm chí gấp đôi, gấp ba lần người mẫu da trắng.  

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất