Lý giải vì sao con người thích nhìn người khác thất bại

Kênh 14 - 07/11/2015, 07:40

Chẳng lẽ chúng ta lại... xấu tính đến thế sao?

Hãy thú nhận đi nào! Bạn hẳn đã có lần... cười thầm khi chứng kiến cảnh đồng nghiệp hay bạn học gặp rắc rối trong công việc đúng không?

Nếu đúng, bạn cũng đừng vội hoang mang, vì thực ra còn rất nhiều người cũng... xấu tính giống bạn. Các nhà khoa học gọi hiện tượng tâm lý này là Schadenfreude - hiện tượng "Khoái cảm từ bất hạnh của người khác”.

Vậy trải nghiệm cảm xúc “ sung sướng trên bất hạnh của người khác” hay Schadenfreude thực sự là gì?

Nguồn gốc của Schadenfreude - hiện tượng "xấu tính"

Schadenfreude là tiếng Đức, diễn tả việc một ai đó lấy bất hạnh của người khác làm niềm vui cho bản thân.
 

151031fail04-7a188

Tiến sĩ Wilco W.van Dijk đến từ ĐH Leiden (Hà Lan) tiến hành một nghiên cứu nhằm đưa ra lời giải cho trạng thái cảm xúc này.

Dijk đã chọn ra 70 sinh viên (40 nữ và 30 nam) để tiến hành thí nghiệm, trong đó có những người được đánh giá là thiếu tự tin. 

 
Các ứng viên được cho đọc bài phỏng vấn của một cậu sinh viên có thành tích học tập cao, với tiềm năng nhận được một công việc tuyệt vời. Sau đó, các sinh viên này tiếp tục được xem một bài phỏng vấn khác tiết lộ việc sinh viên ưu tú kia gặp phải rắc rối rất lớn trong sự nghiệp và học tập.
 
151031fail07-56100
Sự thiếu tự tin khiến chúng ta... sung sướng hơn khi người khác thất bại

Cuối mỗi thí nghiệm, 70 sinh viên này được hỏi về mức độ sung sướng của họ. Và kết quả cho thấy, những sinh viên thiếu tự tin có mức độ "khoái trá" cao hơn hẳn khi nhìn thấy cậu sinh viên kia gặp rắc rối.

Tiếp theo đó, Dijk cùng cộng sự đã tìm cách động viên tư tưởng cho số ứng viên này có thêm động lực để khẳng định bản thân, sau đó thực hiện lại thí nghiệm. Và lần này, mức độ "sung sướng" trở nên thấp hơn hẳn.
 
151031fail08-56100
Cả sự ghen tị cũng vậy...

Trong một nghiên cứu khác vào năm 2009, các nhà khoa học cũng tìm ra mối liên hệ giữa sự ghen tị và Schadenfreude. Theo đó, cảm giác ghen tị sẽ kích hoạt vỏ não vành trước (anterior cingulate cortex) khiến bạn cảm thấy "nhói đau" khi chứng kiến người khác giỏi hơn mình.

Tuy nhiên nếu người đó gặp thất bại, khu vực tưởng thưởng trong não bộ sẽ ngay lập tức được kích hoạt, tiết ra hormone oxytocin - hóa chất hạnh phúc - khiến bạn cảm thấy sung sướng và nhẹ nhõm hơn.

Bạn có thực là "kẻ xấu" khi có những trải nghiệm như vậy?

Theo Van Dijk, “Schadenfreude” là trạng thái tâm lý rất bình thường mà tất cả mọi người đều có thể trải nghiệm trong những hoàn cảnh khác nhau. Vì thế việc trải nghiệm những cảm xúc như vậy không có nghĩa rằng bạn là kẻ xấu.
151031fail02-7a188

Thậm chí, ông còn cho rằng chính những cảm giác sung sướng sẽ giúp bạn cảm thấy tự tin hơn, đồng thời thúc đẩy bạn chứng tỏ bản thân mình, để rồi xua tan đi cảm xúc tiêu cực này.

Tuy nhiên, nếu bạn chỉ đơn giản cảm thấy vui sướng trước những bất hạnh của người khác mà không có một chút sự cảm thông hay đồng cảm nào thì điều đó lại hoàn toàn không tốt chút nào đâu nhé. 
 
Theo lý giải của Van Dijk, những người như vậy có vấn đề không chỉ ở sự tự tin, mà còn ở kỹ năng sống và khả năng tương tác xã hội.
 
151031fail03-7a188

Nếu tần suất bạn cảm thấy “Schadenfreude” quá thường xuyên thì có lẽ bạn cần năng động và giao tiếp nhiều hơn đó.
 
Nguồn: CNN

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất