Lời giải cho việc đôi mắt biết tố cáo suy nghĩ thật của con người
Kênh 14 -
26/05/2015, 08:28
Bạn có tin, nếu thực sự muốn biết trong đầu đối phương nghĩ gì, hãy quan sát đôi mắt của họ.
Người ta thường nói rằng, đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Đôi mắt còn biết biểu lộ những cảm xúc sâu thẳm nhất và tiết lộ cả suy nghĩ mà chúng ta muốn giấu kín.
Khoa học hiện đại còn chứng minh được, mắt không chỉ phản ánh chân thực những suy nghĩ diễn ra bên trong não bộ mà còn có khả năng gây ảnh hưởng tới cách chúng ta ghi nhớ các sự việc và quyết định chúng ta đưa ra.
|
Đôi mắt của con người luôn trong trạng thái động, ta chỉ ý thức được một vài trong số rất nhiều chuyển động đó. Ví dụ khi đọc sách mắt phải chuyển động liên tục để lướt qua từng chữ một, khi bước vào căn phòng, mắt thường quét rộng hơn để lướt tất cả đồ vật.
Tương tự như vậy khi bước đi, do phần đầu di chuyển, mắt phải chuyển động liên tục và mắt cũng không nghỉ kể cả khi ta ngủ.
Một nghiên cứu vào năm 2012 đã chỉ ra rằng, khi con người bối rối và hoài nghi về một quyết định nào đó, con ngươi của mắt sẽ mở rộng ra.
Từ nghiên cứu này, các nhà khoa học cho rằng, chỉ bằng việc quan sát sự thay đổi của mắt, chúng ta sẽ đoán được quyết định của đối phương đang chuyển theo hướng nào.
Tobias Loetscher và những cộng sự của ông tại trường Đại học Zurich yêu cầu 12 tình nguyện viên chọn nhanh những số bất kì trong 40 số.
Chỉ bằng việc quan sát sự chuyển động của mắt, ông có thể đoán chính xác được số tiếp theo họ nói ra sẽ lớn hơn hay nhỏ hơn số cũ, và lớn/nhỏ hơn bao nhiêu.
Chúng ta thường mất cảnh giác với sự chuyển động mắt của chính mình.
Ông phát hiện ra một quy luật, nếu họ nhìn lên và hướng sang phải thì sẽ nói số to hơn số cũ, nhìn xuống và sang trái là số nhỏ hơn. Mắt đảo càng rộng thì số chọn càng to.
Như vậy, bằng cách nào đó não bộ “mã hóa” được những con số qua sự di chuyển của mắt. Tuy nhiên, nghiên cứu không cho thấy được điều gì xảy ra trước: nghĩ tới một số nào đó khiến mắt chúng ta di chuyển hay chính sự di chuyển của mắt điều khiển suy nghĩ của chúng ta.
Đôi mắt cho thấy những suy nghĩ bên trong.
Năm 2013, một nhóm nghiên cứu người Thụy Điển đã đưa ra bằng chứng cho thấy mắt chúng ta có khả năng trợ giúp trong quá trình ghi nhớ.
Họ mời 24 sinh viên tham gia và yêu cầu mỗi sinh viên quan sát thật kỹ những đồ vật trên góc màn hình máy tính. Những người tham gia sẽ phải trả lời câu hỏi dạng đúng/sai về những đồ vật đó một cách nhanh chóng.
Ví dụ “chiếc xe ôtô quay về bên trái, đúng hay sai?”. Một vài tình nguyện viên được phép đảo mắt tự do, những người còn lại phải tập trung nhìn vào một điểm trên màn hình.
Kết quả là những người được phép đảo mắt liên tục làm tốt hơn nhiều so với những người phải nhìn vào một điểm. Một điều thú vị nữa, ứng viên nhìn tập trung vào góc màn hình mà trước đó có các đồ vật xuất hiện thì nhớ tốt hơn là những người nhìn tập trung vào điểm ở một góc khác.
Giới nghiên cứu đã kết luận, những di chuyển của mắt chúng ta xuất hiện vô thức. Khi ta nhìn vào một sự vật, sự việc đã từng gặp, mắt thường tập trung vào những thông tin có vẻ quen thuộc, kể cả khi họ chưa ý thức được về việc đã nhìn thấy nó ở đâu.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy, phần mềm quan sát sự di chuyển của mắt có thể làm thay đổi điểm nhìn của mắt và từ đó, gây ảnh hưởng lên những quyết định có ý thức của con người.
Những người tham gia được hỏi một câu hỏi đạo đức “Liệu giết người có bao giờ là vô tội?” và 2 lựa chọn được đưa ra là “Đôi khi” và “Không bao giờ”. Những lựa chọn này được hiển thị trên màn hình trong một khoảng thời gian rất ngắn, chỉ đủ để những ứng viên nhìn qua được cả 2 đáp án. Và bằng cách theo dõi sự chuyển động của mắt, các nhà khoa học nhận biết và thay đổi được lựa chọn của ứng viên.
Giáo sư Richardson - trưởng nhóm nghiên cứu giải thích: “Chúng tôi không đưa thêm cho họ bất cứ thông tin nào, chúng tôi chỉ đơn giản là quan sát quá trình họ suy nghĩ, chờ cho họ từ từ hình thành quyết định trong đầu và can thiệp đúng lúc. Chúng tôi thay đổi được suy nghĩ của họ bằng cách kiểm soát được lúc nào thì họ đưa ra quyết định”.
Richardson cho biết, những người bán hàng giỏi họ đều biết những thủ thuật này, và sử dụng nó để thuyết phục đối phương. Chúng ta thường nghĩ người có khả năng thương thuyết là người nói giỏi, nhưng thực chất họ là người quan sát giỏi.
Họ có thể tìm được chính xác lúc nào thì khách hàng bắt đầu nghiêng về một chọn lựa, ngay lúc đó họ sẽ đưa ra khuyến mại, hoặc thay đổi chiến thuật thuyết phục.
Những thông tin mà đôi mắt mang lại rất quan trọng. Sự chuyển động của mắt có thể phản ánh và ảnh hưởng tới các chức năng của não như trí nhớ và quyết định. Và sự chuyển động này còn có khả năng "bán đứng" những suy nghĩ, ý tưởng và khao khát thầm kín của mỗi người.
Những kiến thức trên đây có thể giúp bạn cải thiện chức năng của não trong việc ghi nhớ nhưng điều đó không có nghĩa là chúng có thể che giấu những suy nghĩ, tâm tư thầm kín trong bạn. Và điều này sẽ khiến quyết định của bạn rất dễ bị thao túng bởi người khác.
* Bài viết thể hiện quan điểm của giáo sư Mo Costandi đăng trên tạp chí BBC.
Video được xem nhiều nhất
Bình luận