Lạ: Gà mái cất tiếng gáy như gà trống khi đẻ trứng
Trong lúc đẻ trứng, bỗng dưng gà mái cất tiếng gáy như gà trống khiến nhiều người hoang mang không biết điềm báo gì.
Hay câu chuyện xôn xao về con gà mái cất tiếng gáy như gà trống sống gần... 30 năm của nhà bà Trần Thị Chiên (SN 1964, ngụ xóm 1, xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) bỗng một ngày đổi màu lông từ vàng sang đỏ tía, mọc mào trên đầu, chân có cựa và cất tiếng gáy như gà trống.
Trên một diễn đàn dành cho những người chơi chim gà cá cảnh, có không ít topic được lập ra để trao đổi, thảo luận về vấn đề này và thu hút rất nhiều người quan tâm. Hóa ra, trường hợp gà mái biết gáy không hề hiếm mà xuất hiện khá nhiều ở các vùng nông thôn.
Một nickname chia sẻ: “Nhà tôi khoảng 3 tháng nay con gà mái tre bỗng nhiên gáy. Nó gáy không oai vệ như gà trống và chỉ gáy lúc trời gần sáng thôi. Sự gáy của con gà này được bắt đầu từ khi con gà trống bị mất trộm. Không có gà trống nào trong vườn, vài ngày sau con gà mái này gáy”.
Một anh chàng khác có nickname Anh Hùng Xạ Điêu bổ sung thêm: “Nhà tôi khi trước cũng có con gà mái nuôi đẻ lấy trứng nhưng nó không đẻ, cái mào cũng nhỉnh hơn gà mái thường chút thôi, và có cái cựa nho nhỏ. Một ngày đẹp trời, nó gáy. Nhưng đến khi nhà có giỗ, nó nằm trong danh sách ưu tiên, vì tốn cám, tốn ngăn chuồng mà không chịu đẻ trứng. Nghe mẹ tôi nói, khi mổ ra xem, nó có buồng trứng nhỏ, và cũng có ngọc kê luôn”.
Theo quan niệm dân gian của người Việt bao đời này thì những hiện tượng bất thường như chim sa, cá nhảy, chó tru, gà trống đẻ trứng, gà mái biết gáy… đều là những điềm báo xấu.
Nhiều người tin rằng "gà mái gáy" là biểu hiện của việc khí dương lẫn vào âm, bị loạn khí, xung quanh đảm bảo có điều bị rối loạn, hoặc địa hình phong thủy ở đó bị phá hoặc bị biến đổi làm cho âm dương nhị khí lẫn lộn vào nhau.
Có nơi cho rằng gà mái gáy là do bếp bị “động”, hoặc trong nhà sắp có người ốm đau, bệnh tật. Chính vì vậy, nhiều nhà thấy gà mái gáy là lập tức giết thịt. Thậm chí có nhà cẩn thận hơn còn xem bói, mời thầy cúng về trừ tà…
Tuy nhiên, việc gà mái gáy có phải là điềm báo tin dữ hay không vẫn còn gây nhiều tranh cãi.
Nickname linhgamy ở Hậu Giang kể lại: “Ông anh kế bên nhà hồi năm rồi có đến 2 con mái tre biết gáy, ổng sợ xui nên bán có 100 nghìn/con cho 2 thanh niên. Mà từ năm rồi đến giờ thấy cuộc sống 2 người mua vẫn bình thường, có sao đâu”.
Một nickname khác chia sẻ: “Con gà mái nhà tôi cũng gáy nhưng nó nuôi con cực giỏi…và rất dữ tợn... Tôi có thấy xui xẻo gì đâu, mà vườn lại thật vui nhất là lúc gần sáng khi nghe tiếng nó gáy”.
Nickname 3phi trên diễn đàn chim cá cảnh lạc quan: “Thường nghe nói "chó giống cha, gà giống mẹ", từ đó suy ra những con gà trống là con của gà mái biết gáy này chắc không phải thường đâu. Nếu chúng nó là những chiến binh dũng mãnh thì biết đâu bạn sẽ vô tình làm giàu từ đây".
Phần lớn những người tin vào khoa học cũng nghiêng về giả thiết gà mái biến thành gà trống xảy ra sau khi buồng trứng của gà bị bệnh, không thể sản ra kích tố giới tính cái để ức chế túi tinh phát dục. Kết quả là túi tinh vốn bị thoái hóa lại có điều kiện phát triển và tiết ra kích tố đực, khiến cho gà mái mọc lông như gà trống, rồi cất tiếng gáy và thế là gà mái biến thành gà trống. Đây là hiện tượng phát dục tính biệt.
Ở những sinh vật có phân hóa đực cái đều có nhiễm sắc thể giới tính xác định chúng là cái hay đực. Nhưng khi còn nhỏ, sinh vật có thể phát dục theo cả hai hướng đực hoặc cái. Nếu môi trường trong và ngoài đặc biệt có lợi cho sự phát dục theo giới tính ngược lại, nó sẽ sản sinh ra kết quả “quái dị”. Đó là hiện tượng chuyển ngược tính biệt.
Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu cụ thể nào giải thích rõ về hiện tượng gà mái biết gáy.
Video được xem nhiều nhất