Kỳ lạ loài cá có "giấc ngủ hè" kéo dài nhiều năm không cần ăn uống
Khi thời tiết quá mức khô hạn, cá phổi châu Phi sẽ chìm vào giấc ngủ kéo dài hàng năm và chỉ thức dậy khi có mưa rào.
Cá phổi Châu Phi là những loài cá nước ngọt có 6 cung mang và 5 khe nứt mang, với thân hình thuôn dài, bề ngoài giống như cá chình, với các vây ngực và vây hậu môn giống như sợi chỉ. Chúng có vảy mềm còn vây lưng và vây đuôi thì hợp nhất lại thành một cấu trúc duy nhất.
Cá phổi Châu Phi nói chung sinh sống trong những vùng nước nông, như các loại đầm lầy; tuy nhiên chúng cũng sinh sống trong các hồ lớn, như hồ Victoria. Chúng có thể sống ngoài môi trường nước tới vài tháng trong các hang hốc là lớp bùn đông cứng lại dưới lòng ao hồ khô cạn.
Cá phổi Châu Phi là một ví dụ về chuyển tiếp tiến hóa từ thở trong nước sang thở không khí diễn ra như thế nào. Chúng lẩn trốn khỏi tình trạng gia tăng sức nóng bằng cách đào hang, ẩn mình dưới bùn. Cá phổi ăn bùn trong quá trình đào hang, rồi thải loại chúng ra ngoài thông qua mang.
Sau khi đã đào được một cái hang, chúng tiết ra một loại nước nhầy bao phủ khắp cơ thể. Chất này là một loại da tự nhiên giống như cái kén tằm giúp chúng giữ ẩm cho tới khi có nước. Khi chất nhầy này khô đi, nó hình thành một lớp vỏ bảo vệ cá khỏi trận hạn hán.
Khi tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn, cá phổi bắt đầu kích hoạt trạng thái ngủ hè. Các thay đổi trong các chức năng sinh lý cho phép loài cá này làm chậm lại quá trình trao đổi chất của nó tới mức chỉ còn không tới 1/60 của mức trao đổi chất thông thường và các chất thải gốc protein được chuyển hóa từ amôniắc thành dạng ít độc hại hơn là urê.
Cá phổi có thể phải mất tới 4 năm cho đến khi có mưa, giúp nó thoát khỏi tình trạng ngưng hoạt động. Cuối giai đoạn nằm im lìm, chúng sẽ bắt đầu nhúc nhích các cơ để tìm kiếm thức ăn. Số năng lượng còn lại vẫn đủ cho nó tìm được đường về với nước.
P.H
Video được xem nhiều nhất