“Kinh dị” loài cá săn mồi bằng cách… khạc nhổ
Loài cá này có một phương pháp săn mồi tuy có vẻ đáng sợ nhưng thực chất lại vô cùng khoa học.
Trong thế giới động vật, có rất nhiều phương pháp săn mồi khác nhau được các loài đông vật sử dụng. Ví dụ như cách đây không lâu, các bạn hẳn đã rất kinh ngạc trước loài tôm biết "bắn chưởng" như SonGoku.
Và hôm nay, chúng ta sẽ cùng đến với phương pháp săn mồi khác cũng độc đáo mà không kém phần "lầy" đó là… khạc nhổ vào đối phương của cá măng rổ.
Gặp gỡ loài cá sinh ra để làm thợ săn
Cá măng rổ (hay còn được gọi là cá cung thủ) có tên khoa học là Toxotidae. Loài cá này khá là "dễ tính" khi có thể sống được ở cả môi trường nước ngọt lẫn nước mặn. Tại Việt Nam, bạn có thể tìm kiếm loài cá này ở hạ lưu các con sông lớn đồng bằng Nam Bộ.
Cá măng rổ có đầu nhọn, miệng rộng, thân dẹt và thon dài. Về mặt bằng chung, cá măng rổ có kích thước không lớn. Ở tuổi trưởng thành, một chú cá măng rổ sở hữu chiều dài cơ thể trung bình khoảng 18cm.
Loài cá này có một đặc điểm ngoại hình đáng chú ý, đó là sự không cân đối trên cơ thể. Bạn có thể thấy loài cá này có một chiếc "bụng bia" khá bệ vệ, cùng bộ xương hàm dưới nhô ra phía trước.
Còn lý do biến chúng thành thợ săn ư? Đó là vì thức ăn ưa thích của cá măng rổ là các loài côn trùng. Loài cá này thường có xu hướng bơi lên phía trên để tiện "đớp" con mồi di chuyển trên mặt nước. Nhưng không phải lúc nào côn trùng cũng ở trên nước cho mà đớp. Vì thế để chủ động, chúng sẽ triển khai phương án 2: bắn súng nước.
Khám phá phương pháp săn mồi bằng "ảo tung chảo" của cá măng rổ
Trong suốt 250 năm kể từ khi cá măng rổ được phát hiện, các nhà khoa học luôn đau đầu để có thể lý giải được cơ chế hoạt động chiếc miệng thần công của loài cá này.
Nhờ cấu tạo miệng đặc biệt, cá măng rổ có thể tạo ra áp suất lớn trong miệng để phun những tia nước mạnh vào mục tiêu.
Nguyên lý hoạt động của khẩu súng mồm này thực chất cũng tương đối đơn giản. Cá măng rổ sở hữu những cơ bắp ở xương hàm dưới rất khỏe, do đó chúng có thể tạo ra những áp lực lớn để bắn nước về phía trước.
Các cơ bắp này hoạt động theo cơ chế giống như cơ bắp ở cánh tay, khi con người muốn ném một vật đi xa. "Viên đạn" nước của cá măng rổ có thể chạm tới những mục tiêu cách nó khoảng 2m.
Theo tính toán, vận tốc "viên đạn" nước khi được bắn ra khỏi miệng cá măng rổ là khoảng 3.01m/s. Đặc biệt, vận tốc này được tăng lên theo thời gian. Đến lúc "viên đạn" nước chạm được tới mục tiêu thì vận tốc của nó lên tới 3,27m/s.
Vận tốc này đủ để hạ gục những loài côn trùng, làm choáng váng một số loài chim nhỏ và có thể gây cho da người cảm giác đau nhói như bị đâm kim. Hãy xem thêm video dưới đây để quan sát được trọn vẹn quá trình ngoạn mục này.
Độ tinh vi trong phương pháp săn mồi
Cá măng rổ được đánh giá là rất giỏi môn… vật lý khi loài cá này vừa áp dụng kiến thức trong lĩnh vực cơ học, vừa áp dụng kiến thức quang học để săn mồi.
Như các bạn đã biết, ánh sáng trong môi trường không khí và môi trường nước không đi chung một con đường. Nói cách khác, khi đi từ ngoài không khí xuống lòng nước, ánh sáng đã bị bẻ cong và vì vậy, hình ảnh con mồi mà cá măng rổ quan sát từ dưới mặt nước chỉ là ảnh ảo.
Thế nhưng loài cá này lại rất "tỉnh" và nắm được điều đó. Chúng tính toán được khoảng không gian chênh lệch giữa ảnh ảo và vị trí thực của con mồi, từ đó xác định mục tiêu một cách chính xác.
Sau đó, chúng sẽ áng chừng lượng nước vừa phải dùng để bắn. Lượng nước này được tính toán sao cho "viên đạn" không quá nhẹ để triệt hạ được mục tiêu, mà cũng không quá nặng để đạt độ sát thương cao nhất.
Ngoài ra, sự "giỏi vật lý" của cá măng rổ còn được thể hiện qua đường đạn mà chúng phóng lên. Loài cá này tính toán được ảnh hưởng của trọng lực lên "viên đạn" nước mà chúng bắn lên.
Vì vậy, loài cá này sẽ xác định được góc nghiêng phù hợp để "khai hỏa". Điều này sẽ giúp cho viên đạn có thể bay thẳng mà không có xu hướng thấp xuống do trọng lực, đạt sự chính xác cao hơn.
Nguồn: BBC, Wired, Mastering Physics Solutions
Video được xem nhiều nhất