Khó mà tin được ở nơi hẻo lánh như Nam Cực lại có một hệ sinh quyển khủng khiếp thế này
Trái ngược với một Nam Cực vắng lặng và hoang vu, thế giới dưới lớp băng tại đó sôi động và đa dạng không kém bất cứ vùng biển nhiệt đới nào.
Hàng chục triệu năm về trước, trong đợt nứt vỡ lục địa, Nam Cực đã bị tách rời. Với nhiệt độ trung bình là -25°C, nó đóng băng hoàn toàn. Dòng nước mạnh cuốn từ Tây sang Đông châu Nam Cực cũng trở thành bức tường chắn vững chắc, ngăn cản sự xâm nhập cũng như thoát ly của các sinh vật sống.
Đến thế kỷ 20, nỗ lực đi xa hết mức về phía Nam Trái đất được không ít nhà thám hiểm thực hiện. Càng về phía Nam thì càng ấm, nên người ta cũng chắc mẩm Nam Cực phải có một "điểm sinh tồn trong mơ". Và cũng giống nỗi thất vọng khi đi hết Bắc Cực, Nam Cực không có gì ngoài băng tuyết.
Trên mặt băng không có gì, vậy thì bên dưới nó thì sao? Nam Cực sở hữu những lớp băng dày hàng mét, thậm chí là hàng kilomet, chính vì thế mà sự sống ở bên dưới lớp băng ấy đã luôn là điều bí ẩn với khoa học. Và họ đã quyết định phải làm cho được điều đó.
Việc lặn sâu tại biển Nam Cực được thử nghiệm từ sớm nhưng vấp phải không ít khó khăn. Nhiệt độ dưới lớp băng luôn là âm độ. Nếu không có trang thiết bị lặn phù hợp, người lặn sẽ mất mạng chỉ trong vòng 10 phút.
Phải mất đến 2 năm để chuẩn bị, ông Laurent Ballesta - một chuyên gia người Pháp - mới quyết định được điểm lặn. Ông khoanh tròn khu vực Dumont d'Urville với bán kính 9,7km. Cùng nhóm thám hiểm của mình, Ballesta thành công chinh phục độ lặn sâu nhất tại Nam Cực từ trước đến nay - 70m.
Chuẩn bị và tiến hành lặn
Bằng máy khoan đá, nhóm Ballesta đục một lỗ vừa lọt người trên mặt băng dày 3m, thả xuống một sợi dây phát quang để đánh dấu vị trí.
Trang phục lặn được thiết kế riêng nhằm đảm bảo giữ nhiệt. Nó gồm 4 lớp, bên ngoài là lớp cao su không thấm nước dày 1,3cm, tiếp đến là lớp lông cừu, lớp đồ bó sát được làm nóng bằng điện, và cuối cùng là lớp lót giữ nhiệt.
Một bộ đồ lặn của họ nặng tổng cộng 91kg, cồng kềnh không kém trang phục một phi hành gia.
Địa điểm lặn của Ballesta lạnh đến mức khi ông vừa xuống nước, miệng hố đã bắt đầu đóng băng. Dù từng lặn sâu tại Nam Phi để chụp hình cá vây tay hếm, bơi suốt 24 tiếng ngoài khơi Fakarava (Pháp), ông vẫn không khỏi giật mình lo ngại.
"Sức nặng của trang phục khiến cho việc bơi lội gần như bất khả thi, nhưng nếu không có nó, thợ lặn sẽ mất mạng" - Ballesta nói.
Ở nhiệt độ -1,7°C dưới mặt băng, nước biển vẫn ở dạng lỏng nhưng nó lại khiến cơ thể cực kỳ đau đớn vì giá buốt. Bù lại, ông được nhìn thấy một tiên cảnh thực sự.
Hệ sinh thái khổng lồ
Dù rất sợ hãi khi thấy lỗ băng trên đầu khép miệng, Ballesta lập tức quên hết khi trước mắt là khung cảnh đẹp như thế giới thần tiên. Sau một mùa đông dài, sinh vật phù du vẫn còn say ngủ, lòng biển Nam Cực trong xanh vô tận không một vẩn đục. Ánh sáng lọt qua khe nứt trên mặt băng, chiếu rọi mênh mông.
Dưới độ sâu 9-15m, tảo bẹ trông như một "khu vườn rậm rạp", lá dài tận 3m buông lả lướt. Sao biển khổng lồ bò chậm chạp, con nào con nấy to cả 40cm. Đám nhện biển cũng không hề kém cạnh, chỉ tính một cái chân cũng đủ trên 10cm.
Dưới độ sâu 50m, đáy biển Nam Cực được phủ kín bởi thảm thủy tức và sò. Sò Nam Cực cũng cực lớn, kích thước trung bình 10cm, con "trẻ" nhất cũng phải cỡ 40 năm tuổi. Huệ biển phát triển mạnh mẽ. Bọ nước khổng lồ lổm ngổm bò, kiếm ăn xung quanh.
Dưới độ sâu 70m, san hô, bọt biển nhiều màu nở rộ, tươi tốt không kém bất cứ vùng biển nhiệt đới nào. Cá nấp trong cụm san hô, động vật có vỏ khoe lớp áo giáp cồng kềnh, ngay cả đám không xương sống cũng cực kỳ to lớn.
Trên đầu Ballesta chim cánh cụt, hải cẩu bơi lội kiếm ăn, nô giỡn. Năm tiếng chóng vánh trôi qua. Ballesta phải "trả giá" bằng 7 tháng phục hồi sức khỏe nhưng ông hạnh phúc.
Tảo bẹ vươn lá dài tới 3m
"Một chuyến lặn khốc liệt nhưng đáng giá," - Ballesta tự hào. Rất có thể một ngày nào đó, ông sẽ lại quay về nơi đây, phá vỡ kỷ lục lặn sâu từng tự chinh phục.
Theo Vũ Huế/Helino
Tham khảo: National Geographic
Video được xem nhiều nhất