Khi nào khói mù trở nên nguy hiểm cho chúng ta?
Hiện tượng khói mù khô bắt nguồn từ Indonesia đang gây nhức nhối cho người dân nhiều nước tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Trong vài ngày gần đây, hiện tượng khói mù khô đã xuất hiện tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khác.
Nguyên nhân của hiện tượng mù khô này được xác định là do khói cháy rừng từ Indonesia bị gió thổi sang - khiến cho khá nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á phải chịu ảnh hưởng, đặc biệt là Singapore và Malaysia.
Có thể thấy luôn hệ quả nhãn tiền của hiện tượng mù khô này là gây cản trở tầm nhìn, gây khó khăn trong vấn đề di chuyển, ách tắc và tai nạn giao thông. Thậm chí, những chuyến bay có thể phải hoãn lại, gây ra nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, những nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến sức khỏe mới là thứ gây lo ngại cho người dân - từ các triệu chứng nhẹ như chảy dịch mắt mũi, đến khó thở, thậm chí nguy hiểm tính mạng nếu hít phải quá nhiều khí độc.
Nhưng khi nào khói mù mới được xem là nguy hiểm?
Để biết được khi nào khói mù trở nên nguy hiểm, người ta sử dụng chỉ số PSI - Pollutant Standards Index (chỉ số ô nhiễm tiêu chuẩn) để đo lường. Trong đó, nếu PSI được chấp nhận là ở trong khoảng 0-50. Cụ thể về các mức PSI được nêu ra ở dưới đây:
- 0 - 50: An toàn
- 51 - 100: Bình thường
- 101 - 200: Có hại
- 201 -300 : Cực kỳ có hại
- Trên 300: Nguy hiểm
Khi mức PSI trong không khí đạt ngưỡng "có hại", chúng ta sẽ cảm nhận được những triệu chứng khác biệt trong cơ thể: khó thở, ho, kích ứng mắt, hắt hơi.
Trên một chút nữa - khi đạt mức cực kỳ có hại, những người có bệnh tim hoặc phổi sẽ bị suy giảm chức năng hô hấp. Và khi đạt ngưỡng nguy hiểm, các triệu chứng sẽ tăng nặng ngay cả đối với người khỏe mạnh, đồng thời gây nguy hiểm đến tính mạng người già và trẻ em.
Nơi phải chịu nguy hiểm nhiều nhất?
Câu trả lời đã quá rõ ràng - chính là nơi khởi nguồn của khói mù khô: Indonesia.
Theo ghi nhận từ các chuyên gia, thì mức PSI trung bình thời điểm này tại Indonesia là... 1.800, trong đó có những khu vực như Palangkarayang tại trung tâm Kalimantan đã chạm ngưỡng 1.986, thậm chí là 2.300 vào thời điểm cuối tháng 9.
Hiện nay, một số khu vực tại quốc gia này "mờ mịt" đến mức chính phủ không thể sử dụng trực thăng để dập lửa vì khuất tầm nhìn.
Nhưng còn các quốc gia khác thì sao? Hai quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ khói mù tại Indonesia là Singapore và Malaysia, trong đó chỉ số PSI đo được tại hai quốc gia này đạt ngưỡng trên 300 - mức "nguy hiểm".
Kế đó là Thái Lan - quốc gia vừa chạm ngưỡng "nguy hiểm" vào ngày 7/10/2015. Theo đánh giá từ quốc gia này, đây là một trong những vụ khói mù nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ.
Còn tại Việt Nam thì sao? Từ những ngày đầu tháng 10, các tỉnh thành phía Nam như thành phố Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang... ghi nhận có sự xuất hiện của khói mù. Tuy nhiên cho đến thời điểm này, chưa có khi nhận cụ thể về chỉ số PSI và dường như chỉ dừng lại ở mức "có hại".
Biện pháp nhằm đối phó với khói mù
Tuy chưa có thông tin chính thức về chỉ số PSI tại Việt Nam nhưng chúng ta nên chuẩn bị cho mình trước mọi nguy cơ tiềm ẩn từ khói mù.
Theo lời khuyên từ các chuyên gia, các bạn cần đeo khẩu trang mỗi khi ra đường, đồng thời trang bị nước muối sinh lý để nhỏ mắt, mũi.
Các bạn cũng cần hạn chế ăn uống thức ăn ở ven đường. Các thực phẩm vỉa hè vốn không được che chắn tốt, có thể dễ dàng nhiễm khuẩn từ làn sương độc này.
Đồng thời, các chuyên gia khuyên rằng các bạn không nên tập thể dục ngoài trời trong điều kiện "khói mù sương" như thế này, do có thể tăng lượng khí độc hại hít vào trong cơ thể.
Cuối cùng, điều quan trọng nhất là nếu nhận thấy các triệu chứng đáng lo ngại, các bạn cần phải nhờ đến sự trợ giúp từ bác sĩ ngay lập tức.
Phân biệt giữa khói mù (Haze) và Sương mù Quang hóa (Smog) Nhiều người trong chúng ta thường nhầm lẫn hiện tượng khói mù do đốt rơm, rạ, hay thậm chí là cháy rừng... thành hiện tượng sương mù quang hóa - một hiện tượng nguy hiểm hơn rất nhiều. Sương mù quang hóa được sinh ra khi ánh Mặt trời tiếp xúc với khí thải từ động cơ hay quá trình sản xuất công nghiệp, với sự xuất hiện của các thành phần hóa học rất độc hại như SO2, các nitrogen oxit, Aldehit... Hiện tượng này xuất hiện phổ biến tại các thành phố lớn đông đúc dân cư và nhiều phương tiện giao thông. Sương mù quang hóa nguy hiểm hơn khói mù, vì đây là dạng khói rất có hại cho sức khỏe con người, thậm chí là gây ung thư. Sự kiện sương mù công nghiệp dày đặc và kéo dài ở London (Anh) vào năm 1952 là một ví dụ điển hình. Trong vòng 4 ngày, sương quang hóa đã giết chết ít nhất 4.000 người, là một thảm họa kinh hoàng đối với nhân loại. |
Video được xem nhiều nhất