Nghiên cứu mới khẳng định khả năng siêu phàm mới của bạch tuộc, đó là chúng có thể nhìn qua da của nó. Các bằng chứng cho thấy lớp da của bạch tuộc có thể phát hiện ra ánh sáng bằng cách sử dụng Opsin (một loại protein nhạy sáng) tương tự như trong đôi mắt.
Những con bạch tuộc có thể nhìn qua da mà không cần đến hệ thống thần kinh trung ương của nó. Phát hiện này một lần nữa chứng minh sự thực đáng kinh ngạc là những động vật thân mềm như bạch tuộc là một trong những sinh vật biển thông minh nhất thế giới.
Bạch tuộc phát hiện ra ánh sáng bằng cách sử dụng Opsin cũng có ở trong đôi mắt
Nhà nghiên cứu Desmond Ramirez của Đại học California, Mỹ cho biết: “Da bạch tuộc không cảm nhận ánh sáng cùng một lượng chi tiết như các động vật sử dụng đôi mắt và bộ não. Nhưng nó có thể cảm nhận được sự gia tăng hoặc thay đổi về ánh sáng. Da bạch tuộc không phát hiện sự tương phản và góc cạnh, mà là độ sáng”.
Nhà nghiên cứu đã thử nghiệm chiếu ánh sáng trắng lên da một con bạch tuộc, kết quả cho thấy sự thay đổi ở tế bào sắc tố, các bộ phận sắc tố trong da. Nếu không có ánh sáng, các tế bào sắc tố thư giãn và da có màu sắc như ban đầu.
Nhà nghiên cứu Desmond Ramirez giải thích rằng phản ứng trên cho thấy cảm biến ánh sáng được kết nối với các tế bào sắc tố, cho phép một phản ứng thích hợp mà không cần đầu vào từ não hoặc mắt.
Các nhà nghiên cứu tiếp tục phát hiện ra một hợp chất gọi là Rhodopsin, có trong mắt và da bạch tuộc. Nó có khả năng giúp da loài này phát hiện các bước sóng khác nhau của ánh sáng, từ tím sang màu da cam. Ánh sáng màu xanh không có phản ứng mạnh mẽ có lẽ vì môi trường sống dưới biển của bạch tuộc là màu xanh.
Da của các loài động vật khác, kể cả con người, cũng có một số khả năng phát hiện ánh sáng. Một nghiên cứu đã xác định da của con người có thể "nhìn thấy" ánh sáng cực tím.