Hủ tục "phơi xác" nghe đã thấy rùng mình giữa cao nguyên đá

Ngoisao.net - 25/06/2016, 15:34

Bao đời nay trên các bản làng thuộc Đồng Văn (Hà Giang) vẫn còn duy trì hủ tục ma chay đầy bí ẩn của người Mông ở Khâu Vai, Mèo Vạc.

Trên các bản làng vùng sâu vùng xa thuộc cao nguyên đá Đồng Văn “phép vua” đã thua “lệ làng”. Ngoài những nét đẹp truyền thống thông qua các lễ hội, trên cao nguyên đá Đồng Văn vẫn còn duy trì rất nhiều các hủ tục, ăn sâu vào đời sống của đồng bào. Hủ tục xuất phát từ đời sống khó khăn, sự nghèo đói, trình độ dân trí thấp, nhất là các bản làng vùng sâu vùng xa.

Sau những phiên chợ tình, đồng bào H’Mông ở Đồng Văn lại trở về với cuộc sống bên những nương đá khô cằn. Người Mông sống trên đá nên họ rất tin vào những điều “siêu nhiên”. Để xua đuổi những điều xui xẻo reo rắc lên cuộc sống của họ, thầy cúng sẽ là người quyết định mọi thứ, kể cả việc ốm đau, bệnh tật. Nếu cúng bái không khỏi họ mới đem đi viện nên rất dễ dẫn đến tình trạng khó cứu chữa người bệnh. Và khi không cứu chữa được nữa họ sẽ đem xác người về nhà làm ma với những hủ tục kỳ bí.

Theo lời cô giáo cắm bản Ma Thị Nga: “Vừa rồi ở trong bản Sán Séo Tỷ xã Khâu Vai huyện Mèo Vạc có anh Giàng Mý Pó qua đời. Nghe đâu anh Pó có đi làm thuê xa quê nhưng khi về đến nhà thì lâm bệnh. Theo phong tục, người nhà vẫn mời thầy cúng, sau mới đem đi bệnh viện nhưng vẫn không qua khỏi. Tục đám ma ở đây họ mổ lợn, giết trâu, bò ăn uống cả tuần. Ngày cuối cùng họ còn đưa xác người chết đi phơi khô nên nhìn sợ lắm”.

hu-tuc-phoi-xac-nghe-da-thay-rung-minh-giua-cao-nguyen-da

Bản Sán Séo Tỷ là những ngôi nhà nằm san sát trên các sườn đồi.

Anh Sùng Vả Dình (sinh năm 1981), nguyên trưởng xóm Sán Séo Tỷ, cho biết: “Trong bản có 84 hộ dân, số nhân khẩu trên 400 người, 100% là đồng bào dân tộc H’Mông sinh sống. Đời sống của đồng bào quanh năm chỉ trồng ngô và ăn mèn mén (một loại thức ăn từ ngô). Các phong tục tập quán của người Mông như cưới xin, ma chay vẫn còn giữ nguyên. Đối với người Mông chúng tôi, đám tang được diễn ra 5 ngày tính là một tuần. Việc phơi xác người là vẫn có, do để ở trong nhà lâu nên theo phong tục vẫn phải đem đi phơi nắng. Việc này bên xã họ cũng nói nhưng đây là phong tục, không bỏ được”.

Theo anh Dình, việc xác bốc mùi là không thể tránh khỏi, mùa hè sẽ dễ bốc mùi hơn các mùa còn lại. Trước đây do không có thuốc khử mùi nên con cháu trong nhà sẽ phải lấy chổi để xua đuổi ruồi. Hiện loại thuốc dùng để bôi lên xác người được bày bán rất nhiều ở chợ huyện. Cũng nhờ có thuốc khử mùi nên xác người có thể để cả tuần mà không sợ thối, đồng bào ở đây họ phải chọn được ngày tốt mới chôn.

Về phong tục ma chay, 4 ngày đầu tiên sẽ phải giết 8 con lợn, ngày cuối cùng sẽ giết trâu hoặc bò. Trong đám tang, thầy cúng sẽ là người điều hành các tập tục tang lễ. Xác người sẽ được đặt trên một cái cầu, tùy vào từng dòng họ nên xác chết có thể để ngang hoặc để dọc ở giữa nhà. Việc để ngang hoặc để dọc là do từng dòng họ, họ phân biệt như vậy để sau này con cháu mới lấy nhau được.

Theo phong tục của người Mông ở xã Khâu Vai huyện Mèo Vạc, sau khi người thân mất, họ sẽ chọn một địa điểm cao ráo, thoáng đãng để đắp mộ, tránh những nơi sói mòn do lũ quét. Do đất ít, đá nhiều nên người Mông họ đào huyệt không sâu. Sau khi đưa tiễn người mất về với đá, họ sẽ xếp chồng các viên đá thành mộ vuông.

Một ngôi mộ của người HMông.

Một ngôi mộ của người H’Mông.

Hiện tại trong bản Sán Séo Tỷ có tất cả 6 thầy cúng. Công việc của thầy cúng là xua đuổi tà ma, xua đuổi những điều xui xẻo reo rắc lên cuộc sống của đồng bào. Ngoài việc cúng bái để duy trì các phong tục tập quán, sáu ông thầy cúng này kiêm luôn việc chọn ngày tốt, chọn hướng nhà, đoán ma để chữa bệnh…

Hỏi về cách đoán ma, anh Dình cho biết: “Thầy cúng ở đây chỉ cần nhìn vào quả trứng trong âu nước là có thể đoán được ma rừng ở phương nào về quấy nhiễu. Khi đặt quả trứng vào âu nước, nếu có ma thì quả trứng sẽ nhập vào thầy cúng. Còn nếu không có ma thì quả trứng sẽ không nhập vào, lúc đó thầy cúng sẽ không cúng nữa”.

Cũng theo lời anh Dình, bên chính quyền xã cũng vào bản tuyên truyền 3 tháng một lần về vấn nạn tảo hôn, sinh đẻ có kế hoạch, tục ma chay, cưới hỏi. “Vẫn biết chính quyền họ tuyên truyền là điều tốt, tuy nhiên các phong tục của người Mông thì đã có từ ngàn đời này rồi, khó thay đổi. Do người Mông sống trên núi đá nên vẫn phải theo phong tục cũ thôi. Việc tuyên truyền của chính quyền xã không thể ngày một ngày hai mà làm được, nó đã ngấm vào máu rồi”, anh Dình cho biết.

Cô giáo Ma Thị Nga tâm sự: “Người Mông sống trên đá nên họ sùng bái tín ngưỡng, tôn trọng phong tục của tổ tiên. Bao đời nay họ quan niệm rằng, khi gia đình có người chết, làm đám ma càng lâu, mổ càng nhiều lợn, bò, người chết sẽ có thêm nhiều của cải để khi về thế giới bên kia sẽ có cuộc sống sung túc, no đủ hơn, có nhiều bò để làm nương, không phải chịu cảnh nghèo đói cơ hàn như khi còn sống”.

Việc tuyên truyền xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, đòi hỏi cấp ủy và chính quyền địa phương cần phải đi sâu, sát hơn nữa, truyên truyền cho bà con đồng bào họ hiểu, cái nào là nét đẹp là tinh hoa trong đời sống văn hóa thì nên giữ lại, còn cái nào là hủ tục, trái ngược với thuần phong mỹ tục thì nên bãi bỏ.

Theo Pháp Luật Việt Nam

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất