Hội chứng tâm thần bí ẩn đằng sau câu chuyện "Alice ở xứ sở thần tiên"

Kênh 14 - 18/07/2015, 16:54

Đây được cho là một trong những hội chứng tâm thần kỳ quặc hiếm gặp và có ảnh hưởng lớn đến người bệnh.

Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Alice ở xứ sở thần tiên” của nhà văn Lewis Caroll là một trong những tác phẩm dành cho thiếu nhi thành công nhất mọi thời đại. 
 
 
Năm nay là năm kỷ niệm tác phẩm tròn 150 tuổi (1865-2015). Tuy nhiên đằng sau cái bóng của Alice còn có một sự kiện đáng sợ cũng được “kỷ niệm” mà ít người biết: hội chứng "Alice ở xứ sở thần tiên” 
 
Từ những bệnh nhân có thật được ghi nhận trong lịch sử...
 
Từ rất lâu trước đây các bác sĩ chuyên khoa thần kinh và mắt đã ghi nhận một số trường hợp các bệnh nhân đến khám và kể về triệu chứng ảo giác kì lạ của mình như nhìn thấy bản thân và đồ vật biến dạng. 
 
Một trong những trường hợp nổi bật nhất là Rik Hemsley ở Mỹ. Vào năm 21 tuổi (1997) khi anh vẫn còn là sinh viên, phải thường xuyên thức đến tối muộn để viết luận án và phải sử dụng rất nhiều cà phê. 
 
Đến một buổi sáng anh ngủ dậy và cảm thấy toàn thân cứng lạnh và nôn nao. Khi anh cố gắng nhặt chiếc điều khiển dưới chân thì cảm thấy bàn chân đang dài ra đến tận chiếc thảm cửa. 
 

Hình ảnh bệnh nhân Rik Hemsley.

 
Biểu hiện chỉ xuất hiện trong vài giây và Rik đã không để tâm đến nó cho đến khi hiện tượng này dần có tần suất xảy ra ngày càng dày đặc hơn. Khi thì anh nhìn thấy sàn nhà cong hoặc lõm xuống, khi thì bàn tay dài ra xa khỏi tầm mắt còn các đồ vật thì biến dạng méo mó với những kích thước khác thường. 
 
Rik đi khám một vài nơi và bác sĩ vẫn không thể xác minh được bệnh của anh là bệnh gì, nhiều loại thuốc thần kinh cũng không giúp giảm đi những triệu chứng này. 
 
Nhiều bác sĩ đã khuyên anh phải sống chung với nó. Rik cảm thấy rất tồi tệ và giam mình trong nhà trong một quãng thời gian dài. Rất lâu sau đó anh có nghe về "Hội chứng Alice ở xứ sở thần tiên" trong một bộ phim tài liệu trên ti vi và thấy rằng các triệu chứng giống y hệt. Anh đi khám lại và bác sĩ nói rằng, Rik sẽ phải làm quen và sống với nó cả đời. 
 
Tuy nhiên 10 năm sau khi mắc hội chứng này, bệnh tình anh đã thuyên giảm rất nhiều, bây giờ anh chỉ còn bị khoảng một hai lần mỗi tháng. Rik nói rằng, quãng thời gian này thật sự đáng sợ. 
 
Một trường hợp khác nữa đó là trường hợp của Abigail Moss, cô cũng có những biển hiện y hệt như Rik, tuy nhiên cô mắc hội chứng này từ khi mới 5 tuổi. 


Hình ảnh bệnh nhân Abigail Moss.
 
Ba mẹ đưa cô đến gặp các bác sĩ tâm lý nhưng tất cả các bác sĩ đều nói rằng cô bị động kinh hoặc đã tưởng tượng ra các triệu chứng của mình. 
 
Cô chỉ tình cờ biết được căn bệnh mà mình mắc phải khi tình cờ xem một chương trình truyền hình. Bác sĩ nói rằng, hội chứng này chỉ là tạm thời, điều quan trọng nhất là bạn phải bình tĩnh khi triệu chứng xảy ra vì thực tế chúng chỉ là ảo giác. 
 
 
Căn bệnh của Moss đã dần ổn định theo thời gian. Cô chia sẻ rằng, bây giờ cô chỉ “lạc vào thế giới thần tiên” có 5 lần/năm.
 
... đến sự thật về hội chứng "Alice ở xứ sở thần tiên"
 
Hội chứng Alice ở xứ sở thần tiên (AIWS – Alice in wonderland syndrome) được xác định và đặt tên vào năm 1955 bởi bác sĩ tâm thần người Anh - John Todd. Với tên khoa học là Dysmetropsia, người mắc hội chứng này thường bị đau nửa đầu và cảm nhận về không gian và thời gian bị bóp méo. 
 

 
Họ sẽ thấy các vật thể bình thường quá to hoặc quá nhỏ, chạy ra xa mình hay chạy lại gần mình hoặc thậm chí cảm nhận rằng một phần cơ thể mình biến dạng. Chính vì các triệu chứng giống như các tình tiết trong câu chuyện “Alice ở xứ sở thần tiên” nên bằng một cách hoa mỹ, hội chứng này đã được John đặt tên theo tác phẩm này.
 
Nghiên cứu các bệnh nhân bị AIWS, đa phần những người bệnh đều có tiền sử sử dụng chất kích thích như rượu, cần sa hay ma túy. 
 

 
Tuy nhiên, nhà thần kinh học Sheena Aurora còn cho biết, hội chứng này còn xuất hiện ở những người có chứng đau nửa đầu. Bà cũng cho biết thêm rằng, tỉ lệ những người bị đau nửa đầu gặp phải ảo giác thoáng qua là khá thấp chỉ khoảng 20% và hiếm khi kéo dài và trở nặng thành Hội chứng Alice.
 
Tuy nhiên, với những người quá mẫn cảm thì họ cũng có nguy cơ mắc AIWS. Tác động đầu tiên là ở thùy chẩm ở sau não sau đó lan sang thùy đỉnh ở đằng trước thùy chẩm. 
 
 
Thùy đỉnh chính là bộ phận dùng để phân biệt và xử lí kích thước và hình dạng. Đây cũng là cách thức mà ma túy gây ảnh hưởng trên não. Loại thuốc này khiến cho nhân gối ngoài  (Lateral Geniculate Nucleus - LGN) nhiễm độc. 
 
Việc suy giảm chức năng tạm thời của vùng này gây ra các triệu chứng như macropsia (thấy các vật thể to ra), micropsia (thấy các vật thể nhỏ đi), pelopsia (thấy vật thể tiến gần lại), teleopsia (thấy các vật thể tiến ra xa). 
 
 
Ngoài ra, một số nghiên cứu cho biết AIWS còn lây từ ba mẹ sang con, điều này lí giải một số bệnh nhân xuất hiện bệnh từ rất bé. Tuy nhiên, hội chứng này thường biến mất khi người bệnh lớn lên. 
 
Dựa theo nhật ký của Lewis Caroll được tìm thấy sau này thì chính ông cũng cũng ghi lại rằng, ông gặp những ảo giác giống như triệu chứng AIWS và đã phải đi khám bác sĩ vào năm 1856, tức là trước khi tác phẩm Alice được tạo ra. Một số người tin rằng, ông đã dùng chính những trải nghiệm này để viết nên tác phẩm “Alice ở xứ sở thần tiên”.
 
Nguồn: Livescience, Wikipedia

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất