Hồ nước khổng lồ rộng 20km mới tìm ra trên sao Hỏa liệu có phải bằng chứng của sự sống?

Kênh 14 - 26/07/2018, 06:55

Câu trả lời có phần phức tạp hơn bạn nghĩ, vì sự sống chưa bao giờ là một khái niệm đơn giản.

Sự sống trên sao Hỏa có tồn tại? Chúng ta vẫn chưa thể biết được. Thậm chí ngay cả khi sao Hỏa vẫn còn là một tinh cầu chứa toàn nước và oxy như thời điểm trước khi bị Mặt trời tàn phá, chúng ta cũng không biết sự sống có tồn tại ở đó hay không. 

Nhưng có một số điều chúng ta biết chắc về sao Hỏa. Thứ nhất, trên sao Hỏa có nước dạng lỏng trên bề mặt (dù không thể uống được). Thứ 2, đã từng tìm ra các phân tử hữu cơ - nhiều khả năng là sản phẩm của sự sống - trên hành tinh Đỏ.

 - Ảnh 1.

Vệ tinh đã xác nhận được có một nguồn nước khổng lồ ở Nam Cực của sao Hỏa (ảnh minh họa)

Và mới đây nhất, chúng ta xác định được vị trí một nguồn nước khổng lồ tại đây. Nó là một cái hồ rộng đến 20km ở phía cực Nam của sao Hỏa, dưới một lớp băng dày khoảng 1,5km. 

Chính phát hiện mới nhất này đã khiến rất nhiều người - cả giới chuyên gia lẫn người bình thường - phải đặt câu hỏi, rằng liệu điều đó có nghĩa sao Hỏa cũng có sự sống tồn tại? Và phải chăng, đó không phải là cái hồ duy nhất trên hành tinh?

Câu trả lời ngắn gọn nhất thì vẫn là... chẳng ai biết cả. Tuy nhiên, chúng ta có thể dự đoán được một số khả năng. 

Sự sống chưa chắc đã giống những gì ta tưởng tượng

Dựa trên những gì đã xác nhận, khu vực cực Nam của sao Hỏa rất khó để sự sống tồn tại vì điều kiện quá khắc nghiệt. Nhưng đồng thời, lượng nước tại đây cũng có thể tương tự như nước dưới băng ở Trái đất. Và theo quan niệm phổ biến: nơi nào có nước, nơi đó có sự sống, kể cả khi đó là nước mặn, nước nhiễm xạ, nước đóng băng, hoặc nước gần đạt đến độ sôi. 

 - Ảnh 2.

Sự sống tồn tại cả ở trong hồ núi lửa nóng bỏng

Ở thời điểm hiện tại, khoa học phát triển đã đến mức độ cho phép chúng ta xác định được sự sống ở cấp độ vi khuẩn, thậm chí là virus rồi. Chúng ta đã từng tìm thấy các vi sinh vật bám trụ ở ngay cạnh ống thủy nhiệt dưới đáy đại dương - nơi có nhiệt độ cực cao. Chúng lấy năng lượng từ lưu huỳnh, và tồn tại ngay cả khi phải chịu đựng bức xạ khủng khiếp mỗi ngày. 

Chúng ta từng tìm thấy tảo trong những luồng gió ở tầng khí quyển rất cao - dường như do núi lửa thổi lên. Thậm chí, sự sống còn tồn tại trong những hang động sâu rất sâu. Còn virus thì khỏi phải nói, chúng tồn tại ở mọi nơi. 

Ngay cả ở Nam Cực, nơi tưởng như là hẻo lánh nhất, thì hệ sinh quyển dưới lớp băng vĩnh cửu tại đó cũng hết sức ấn tượng. Tóm lại, sự sống có thể tồn tại ở bất kỳ đâu, dưới bất kỳ dạng nào, ngoại trừ những khu vực bất khả thi như trong dung nham thôi.

 - Ảnh 3.

Hệ sinh quyển khủng khiếp từng tồn tại ở Nam Cực

Dĩ nhiên, từ trước đến nay chúng ta chưa khi nào tìm ra sự sống ở bất kỳ đâu ngoài Trái đất. Cũng có nghĩa rằng khoa học đang giả định sự sống phát triển, tiến hóa và thích nghi dựa trên một mẫu duy nhất. Nhưng chỉ như vậy cũng đủ để thấy rằng sự sống cực kỳ linh hoạt, luôn có cách để tồn tại. 

Nếu như sự sống đã nảy mầm trên sao Hỏa, và bằng cách nào đó có được sự tiến hóa như những gì đã làm với Trái đất, thì chúng ta sẽ tìm thấy. Tiếc là ở thời điểm hiện tại, chưa có một bằng chứng nào xác thực cả. 

Cũng có thể trên đó chẳng có gì. Nhưng hãy nhớ, sự sống đã từng tồn tại được ở những nơi có điều kiện còn kinh khủng hơn cái hồ nước đóng băng ở Hỏa tinh. Thế nên niềm hy vọng vẫn còn đó, đúng không?

Theo JD/Helino
Tham khảo: Live Science, IFL Science

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất