Hài nhảm, lố lăng nhưng "Tướng quân ở trên, ta ở dưới" vẫn gây náo loạn làng phim
Vừa mới lên sóng nhưng "Tướng quân ở trên, ta ở dưới" đã gây náo loạn làng phim Hoa ngữ bởi việc vượt qua những giới hạn trong cách làm phim thông thường.
Dù chỉ mới lên sóng từ ngày 25/10 nhưng webdrama Tướng quân ở trên, ta ở dưới đã gây sốt ở làng phim Hoa ngữ. Tính đến ngày 29/10, Tướng quân ở trên, ta ở dưới đạt hơn 200 triệu lượt xem, các diễn viên chính như Mã Tư Thuần, Thịnh Nhất Luân cũng lọt vào top nhân vật thu hút sự quan tâm của công chúng nhất. Sự "trỗi dậy" bất ngờ này làm khán giả liên tưởng đến Thái tử phi thăng chức ký - webdrama cũng từng làm làng phim Hoa ngữ náo loạn vì nội dung hài hước "không tưởng".
"Tướng quân ở trên, ta ở dưới" là bộ phim đang được khán giả quan tâm bậc nhất.
Nội dung hài lố lăng nhưng hợp thời
Tướng quân ở trên, ta ở dưới được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Quất Hoa Tán Lý. Nội dung phim xoay quanh cặp đôi Diệp Chiêu (Mã Tư Thuần) - Triệu Ngọc Cẩn (Thịnh Nhất Luân). Diệp Chiêu là đại tướng quân nắm giữ trong tay hàng vạn binh sĩ, nàng thân là nữ nhi nhưng lại có tính cách mạnh mẽ, kiên cường chẳng khác nam nhi. Về phần Triệu Ngọc Cẩn, chàng mang thân phận vương gia, từ nhỏ đến lớn chỉ làm mỗi một chuyện là ca hát nhảy múa.
Cách xử lý các tình tiết của phim mang phong cách hiện đại chứ không thuần cổ trang như những dự án khác.
Số trời run rủi, Triệu Ngọc Cẩn bị bắt ép phải cưới Diệp Chiêu làm vợ cả. Một người ương bướng, ẻo lả, một kẻ ngang tàng, mạnh mẽ, khi đặt vào chung nhà, vô số tình huống dở khóc dở cười đã xảy ra. Qua 6 tập phim đầu tiên, thế giới ngôn tình với đủ màu sắc rực rỡ được khắc họa thông qua lăng kính hiện đại. Dù khoác lên bộ phim lớp áo cổ trang nhưng cách thể hiện của phim lại khá mới. Từ cách dàn dựng bối cảnh, tình tiết cho tới xử lý lời thoại, khán giả đều thấy tư tưởng phim khá hiện đại.
Thông thường, những phim cổ trang Hoa ngữ rất ngại đề cập chuyện nam chính ẻo lả, yếu mềm. Tuy nhiên, mọi giới hạn về giới tính đã được phá bỏ hoàn toàn ở Tướng quân ở trên, ta ở dưới. Với bộ phim này, khán giả được theo dõi hành trình "nữ tính hóa" của đại tướng quân "đầu đội trời chân đạp đất" Diệp Châu. Bên cạnh đó, người xem còn được phen "há hốc mồm" bởi những diễn biến mới lạ trong việc "bẻ cong thành thẳng" của Triệu Ngọc Cẩn. Từ một chàng trai chỉ biết ca hát, nhảy múa, Triệu Ngọc Cẩn sẽ từng bước trở nên mạnh mẽ và thành "đàn ông đích thực".
Chuyện bẻ trai cong thành trai thẳng là nội dung hấp dẫn mà bộ phim tập trung khai thác.
Việc lựa chọn khai thác nội dung này là một bước đi táo bạo của ekip sản xuất Tướng quân ở trên, ta ở dưới. Một phần, vì phim đánh vào tâm lý khán giả, phần khác do không phát sóng trên truyền hình nên "giới hạn đạo đức" mà bộ phim bị bó hẹp cũng có phần thoải mái hơn. Dẫu khi xem phim, nhiều khán giả sẽ chỉ trích ekip sản xuất là lố lăng, phản cảm nhưng sự vui nhộn, hài hước mà Tướng quân ở trên, ta ở dưới tạo ra vẫn khiến khán giả khó lòng rời mắt được.
Diễn viên đủ sức hút
Mã Tư Thuần và Thịnh Nhất Luân là 2 cái tên được nhắc đến nhiều nhất của Tướng quân ở trên, ta ở dưới. So với các phim truyền hình đã đóng trước đó, lần này Mã Tư Thuần có sự tiến bộ rõ rệt, biểu cảm gương mặt cũng linh hoạt và có hồn hơn. Thông qua diễn xuất của nữ diễn viên, hình ảnh tướng quân Diệp Chiêu đã được khắc họa. Từ ánh mắt, cử chỉ cho đến lời thoại, Mã Tư Thuần đều thể hiện ở mức tròn vai.
Mã Tư Thuần trong vai tướng quân Diệp Chiêu.
Đầu phim, khán giả nhìn thấy Mã Tư Thuần - Diệp Chiêu kiên cường đứng giữa sa trường để chiến đấu với quân địch. Đến tập 6 của phim, hình ảnh tướng quân Diệp Chiêu trở nên mềm mại và nữ tính hơn bởi những rung động bất ngờ dành cho Triệu Ngọc Cẩn. Tuy không nói ra nhưng bằng ánh mắt, khán giả cảm nhận được những sự khác lạ trong tâm hồn của Diệp Châu.
Thịnh Nhất Luân đóng vai Triệu Ngọc Cẩn.
Vì giang sơn đất nước, Diệp Chiêu đã bỏ lại sau lưng hình ảnh dịu dàng, hiền ngoan, nàng chấp nhận mặc áo giáp, bước ra sa trường để làm tròn nghĩa vụ của một công dân yêu nước. Xem đến đoạn Diệp Chiêu rưng rưng nước mắt và thề rằng sẽ giết sạch quân địch để báo thù cho cha, khán giả không khỏi xúc động. Bởi núp sau cái hài lố lăng mà Tướng quân ở trên, ta ở dưới thể hiện, vẫn chất chứa vô vàn điều ý nghĩa về tình cảm giữa người với người.
Sau cái hài lố lăng mà "Tướng quân ở trên, ta ở dưới" thể hiện, vẫn chất chứa vô vàn điều ý nghĩa về tình cảm giữa người với người.
Những cảnh hài hước, ngọt ngào trong phim liên tục làm khán giả chao đảo.
Về phần Thịnh Nhất Luân, việc anh chàng đảm nhận vai Triệu Ngọc Cẩn ẻo lả từng khiến cho khán giả bất ngờ. Bởi trong mắt nhiều người, Thịnh Nhất Luân từng là diễn viên khá nam tính. Tuy nhiên, khi khoác lên mình lớp áo của Triệu Ngọc Cẩn, Thịnh Nhất Luân đã thay đổi hoàn toàn. Khi Thịnh Nhất Luân đích thân thể hiện những đoạn ca hát, nhảy múa dưới hoa, nhiều khán giả đã phải thốt lên: "Thật sự chẳng còn nhận ra Thịnh Nhất Luân nữa", "Đóng vai ẻo lả này là một sự hy sinh rất lớn của Thịnh Nhất Luân".
Một điều thú vị là hơn 1 năm trước, Thịnh Nhất Luân cũng từng góp mặt trong Thái tử phi thăng chức ký - bộ phim được xem là phá vỡ mọi quy tắc, chuẩn mực của làng giải trí Hoa ngữ. Hơn 1 năm sau, anh chàng lại tiếp tục gây xôn xao bằng vai Triệu Ngọc Cẩn - một mỹ nam có tính cách và ngoại hình gây tranh cãi bậc nhất hiện nay.
Trang phục, bối cảnh có đầu tư
Một điểm đáng để hoan nghênh đoàn phim Tướng quân ở trên, ta ở dưới chính là bối cảnh và phục trang có sự đầu tư. Hẳn nhiên, không thể so sánh Tướng quân ở trên, ta ở dưới với những dự án tiền tỷ như Võ Tắc Thiên hay Năm ấy hoa nở trăng vừa tròn được, tuy nhiên xét trên mặt bằng webdrama, thì rõ ràng phim có sự kỹ lưỡng trong việc thiết kế, dàn dựng bối cảnh, phục trang.
Trang phục trong phim gây ấn tượng bởi sự sặc sỡ và bắt mắt.
Với các tướng sĩ, đoàn phim sử dụng tông xanh chủ đạo. Với văn võ bá quan trong triều, màu tím lại là lựa chọn hàng đầu của đoàn phim. Trang phục dành cho Triệu Ngọc Cẩn cũng được đầu tư kỹ lưỡng, thể hiện sự diêm dúa, sặc sỡ đúng tính cách nhân vật. Hẳn nhiên, sẽ có nhiều người cho rằng đoàn phim đã sử dụng màu sắc hơi quá đà, nhưng vì đây là bộ phim hài, làm ra chủ yếu để gây cười thì việc có "quá tay" trong việc sử dụng màu sắc cũng là điều dễ hiểu.
Việc "quá tay" với màu sắc cũng là một điểm nhấn giúp "Tướng quân ở trên, ta ở dưới" trở nên đặc biệt hơn.
So với Thái tử phi thăng chức ký, Tướng quân ở trên, ta ở dưới là một bước tiến vượt bậc trong khía cạnh trang phục, bối cảnh. Sự màu mè, diêm dúa này ở một chừng mực nào đó cũng có cái hay của nó. Tuy nhiên, nếu biết tiết chế hơn nữa, Tướng quân ở trên, ta ở dưới sẽ được khán giả ủng hộ nhiều hơn.
Video được xem nhiều nhất
- • 5 cặp đôi được yêu thích nhất trên màn ảnh Hoa ngữ nửa đầu năm 2020
- • Sao nào cũng sở hữu ít nhất một bản 'photocopy' - món đặc sản chỉ có ở phim Hoa ngữ
- • Top 3 'chị đẹp' U40 có số đào hoa, được trai đẹp theo đuổi nhiều nhất trên màn ảnh Hàn nửa đầu năm 2020
- • Điểm chung của 3 'soái ca' nổi nhất màn ảnh Việt hiện nay: đẹp trai, giàu có, tài giỏi nhưng bị mẹ quản lý chặt đến 'ngộp thở'
- • Liệu có tồn tại 'lời nguyền Glee' khi nhiều thành viên của đoàn làm phim lần lượt qua đời?
- • Cục điện ảnh Trung Quốc: Phim ngôn tình không được quá ngọt, cấm yêu sớm, tình yêu đam mỹ phải chuyển sang... tình đồng chí, bạn bè