Giải mã lời nguyền World Cup: vì sao những nhà đương kim vô địch lại bị loại ngay từ vòng bảng?
Cỗ xe tăng Đức không chỉ ra đi sớm mà còn giẫm lên đúng những “vết xe đổ” của Pháp, Ý và Tây Ban Nha đã từng...Phải chăng có lời nguyền World Cup nào ở đây?
Trước cả khi World Cup 2018 diễn ra, cư dân mạng đã bàn tán về một "lời nguyền World Cup" nghiệt ngã. Đó là đương kim vô địch mùa trước sẽ bị loại ngay từ vòng bảng mùa tiếp theo.
Điều đó một lần nữa đã diễn ra với tuyển Đức! Đáng chú ý hơn, đây là lần 3 liên tiếp "lời nguyền" trên ứng nghiệm, lần lượt với Ý (2010), Tây Ban Nha (2014) và Đức (2018).
Và cũng trong suốt 20 năm qua, tương đương với 5 kỳ World Cup, chỉ có mỗi Brazil là cựu vô địch mà vẫn "qua" ở vòng bảng thôi!
Chuyện gì đã xảy ra vậy? Lời nguyền có thật không? Lí do chia tay là gì?
Nói một cách ngắn gọn, việc chiến thắng và kỳ vọng quá lớn của người hâm mộ, bị truyền thông liên tục gọi tên... đã vô tình tạo nên những rào cản quá lớn. Chiếc cúp vàng trở thành một gánh nặng nhấn chìm những nhà vô địch!
Chỉ cần tìm hiểu đôi chút, chúng ta đã có thể nhận ra những điểm chung trên con đường sa ngã của các cựu vương.
1. Họ đánh mất sự nhiệt huyết, không thể thắng ngay trận đầu tiên
Cựu cầu thủ Tây Ban Nha Xabi Alonso, nhà vô địch World Cup 2010, nói rằng : "Chúng tôi không còn có thể giữ được sự khao khát rực lửa. Đã có đủ sung sướng, thành công và giờ chỉ còn mệt nhọc. Những chiến thuật khôn ngoan cũ thì bắt đầu bộc lộ khuyết điểm của nó".
ĐKVĐ Tây Ban Nha để thua Hà Lan 1-5 tại World Cup 2014
Đây không chỉ là suy nghĩ riêng của Alonso. Lịch sử World Cup đã cho thấy các cựu vương Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Đức đều bước vào trận đấu ĐẦU TIÊN ở vòng bảng với tâm trạng ủ rũ, gặp một đối thủ không mạnh lắm và đều không chiến thắng.
Năm 2000, cựu vương Pháp thua sốc Senegal 0-1.
Năm 2010, Ý hòa cả Paraguay lẫn New Zealand rồi thua Slovakia 2-3.
Năm 2014, Tây Ban Nha gặp "kình địch" Hà Lan và thua, nhưng tỷ số cách biệt 1-5 mới là điều nói hơn cả.
Năm nay, Đức thua Mexico 0-1 và vẫn là trận ra quân đầu tiên.
Đúc kết lại, ta thấy một điểm chung giữa các cựu vương: Họ đã không chiến đấu ra trò ngay từ những phút đầu tiên và phải trả giá đắt sau đó!
2. Áp lực tâm lí khiến họ không thể thoải mái như 31 đội khác
Theo nhà tâm lí học Mark Nesti, trong thể thao, người chơi sẽ đạt phong độ tốt nhất khi giữ tinh thần như đứa trẻ 12 tuổi - chơi mà không cần quan tâm kết quả.
Khi đã trưởng thành, bạn vẫn có thể bắt mình suy nghĩ theo lối này, miễn là bạn ở trong một đội chơi... bị đánh giá thấp hơn. (Ví dụ như Hàn Quốc đã chơi như không có ngày mai trước khi nắm tay Đức rời khỏi World Cup 2018).
Dù đều ở thế khó trong bảng F nhưng tâm lí của Đức và Hàn Quốc vẫn rất khác nhau
Còn khi đang là nhà vô địch, bạn sẽ không thể tránh khỏi ý nghĩ ám ảnh về sự thất bại. Mà càng nghĩ nhiều, nó càng dễ thành sự thật!
Tiền vệ Ilkay Gundogan, người bỏ lỡ World Cup 2014 do chấn thương và thất bại trong việc bảo vệ cúp năm nay - phần nào cho chúng ta thấy khó khăn của người trong cuộc là như thế nào.
Anh nói: "Suốt 3 năm qua, các đội nào với tham vọng chiến thắng thì đều coi Đức là đối thủ số 1. Dĩ nhiên còn có những ứng viên khác, nhưng chúng tôi bị để ý nhiều nhất vì là đương kim vô địch. Đó quả là một thử thách lớn..." .
3. Quãng thời gian 4 năm là quá dài, và sự kỳ vọng không đúng dành cho nhà vô địch!
Nhà vô địch World Cup lúc nào cũng bị đối xử như nhà vô địch của các môn thể thao chuyên nghiệp khác. Việc này cứ ngỡ công bằng nhưng thật ra là không.
Thomas Muller và tuyển Đức cay đắng khi Đức bị loại sớm
Bởi vì, chẳng hạn như các giải Ngoại hạng Anh, giải bóng rổ NBA, bóng bầu dục Super Bowl dù được tổ chức vô cùng quy củ, đầy tính cạnh tranh giống như World Cup, nhưng lại diễn ra hàng năm.
Nhà tâm lí học thể thao nổi tiếng - Mark Nesti cho rằng: " Tôi sẽ nói về vấn đề của hai chữ Vô địch trong World Cup. Họ ĐÃ là nhà vô địch vào 4 năm trước. Mà trong thể thao thì rất nhiều thứ khủng khiếp có thể xảy ra trong khoảng thời gian 4 năm.
Các nhà vô địch vướng phải nhiều trọng trách và kỳ vọng. Họ bị bắt nhớ lại quá khứ của mình quá thường xuyên và nghiêm trọng".
Để dễ hình dung thì hãy làm một phép so sánh nhỏ. Thử hỏi, trong mùa giải năm nay của Ngoại hạng Anh, có ai đem nhà vô địch từ tận năm 2014-2015 ra mà nói đi nói lại hay không? Đáng lẽ, nhà vô địch World Cup nên được đối xử như 31 đội chơi còn lại, hơn là "gồng mình" nhận lấy sự kỳ vọng quá lớn.
Đến nay, chỉ có 2 đội tuyển bảo vệ chức vô địch của mình mà thôi. Đó là Ý vào các năm 1934, 1938 và Brazil vào 1958, 1962. Mà hai lần "back to back" - ngôi vương trở lại - thì chỉ có 16 đội thi đấu thay vì 32 đội như ngày nay.
4. HLV cũ, công thức cũ và những cầu thủ đã già đi
Đây là một điểm chung nữa giữa các nhà cựu vô địch Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Đức: Họ đều được dẫn dắt bởi cùng một HLV trong hai lần chiến thắng và chiến bại của mình!
Đó là Roger Lemerre (góp mặt trong ban huấn luyện của Pháp 1998 và HLV trưởng năm 2000), Marcello Lippi (HLV tuyển Ý 2006, 2010), Vicente del Bosque (HLV tuyển Tây Ban Nha 2010, 2014). Và dĩ nhiên có cả HLV Joachim Low của Đức trong hai kỳ World Cup gần đây.
Từ trái qua: các HLV Vincente (TBN), Roger (Pháp), Marcello (Ý)
HLV Joachim Low (Đức)
HLV cũ - điều này sẽ không có vấn đề gì nếu họ chịu thay đổi chiến lược và làm mới đội hình của mình. Đây chính là lời khuyên của Sir Alex Ferguson - HLV huyền thoại, người đưa CLB Manchester United lên đỉnh cao.
Sir Alex nói vào năm 2013: "Hãy dám xây dựng lại đội hình của mình. Chẳng hạn như tại CLB Manchester United, chúng tôi luôn xác định 3 lớp cầu thủ rõ ràng: nhóm trên 30 tuổi, nhóm từ 23-30 và nhóm cầu thủ trẻ.
Sự phát triển lý tưởng là khi nhóm cầu thủ trẻ đạt đến trình độ mà đàn anh của họ từng thiết lập. Đồng thời, cứ sau 4 năm thì đội hình nên "thay máu" một lần".
Trùng hợp thay, chu kỳ 4 năm lý tưởng mà Sir Alex nhắc đến cũng là khoảng thời gian giữa các kỳ World Cup. Thế nhưng, cả Pháp, Ý, Tây Ban Nha gần như bê nguyên xi đội hình cũ, trừ việc họ già đi 4 tuổi.
Đức là một trường hợp khác khi HLV Low đã có nhiều quyết định khó hiểu, thậm chí gây mâu thuẫn trong nội bộ. Nhưng nhìn chung, đội hình năm nay của ông vẫn thể hiện sự xộc xệch giữa lớp cầu thủ trẻ, non kinh nghiệm với những Mesut Ozil, Sami Khedira hay Thomas Muller đều đã không còn phong độ như xưa.
Bên trái là những cựu binh từng giúp Đức lên ngôi vô địch, bên phải là những cầu thủ trẻ chụp ở Sochi, Nga
Và bạn có để ý rằng, trong suốt 20 năm qua, 4 nhà cựu vương thất bại ngay từ vòng bảng đều đến từ châu Âu hay không? Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Đức. Chỉ duy nhất Brazil từ Nam Mỹ là có thể thoát khỏi "lời nguyền" vào năm 2006 với việc dừng lại ở tứ kết.
Có lẽ cúp vô địch châu Âu cùng vô số giải đấu cấp CLB khác đã phô trương quá nhiều lối đá, chiến thuật để rồi các cựu vương đều bị "bắt bài" chăng?
5. Toàn cầu hóa bóng đá
Thậm chí, người Đức (cụ thể là trang chủ giải đấu Bundesliga của Đức) còn đi xa hơn khi đặt vấn đề: Vì sao chỉ 20 năm gần đây thì các cựu vương mới liên tiếp bị loại ngay từ vòng bảng?
Họ đặt ra giả thuyết rằng, quả bóng tròn đang lăn trên một thế giới ngày càng phẳng, "tri thức bóng đá đang được chuyển đi xa và nhanh hơn".
Kết quả là ngày càng có nhiều nước mới góp mặt tại World Cup như Iceland, hay những đội yếu thế hơn liên tục tạo ra bất ngờ.
4 đội tại bảng F đều có những cầu thủ từng chơi cho giải Bundesliga của Đức
Một ví dụ khác là tại bảng F năm nay, các đội Mexico, Thụy Điển và Hàn Quốc đều có tuyển thủ đã/đang thi đấu trong giải Bundesliga của Đức và hiểu rõ về bóng đá nước này. Bao gồm: Carlos Salcedo của Mexico, Ludwig Augustinsson và Emi Forsberg của Thụy Điển, cuối cùng là Son Heung-min của Hàn Quốc!
Vì vậy, có thể nói rằng làm một cường quốc bóng đá, một nhà vô địch bất khả chiến bại là một chuyện đã khó nay còn khó hơn!
Tuy nhiên như đã nói thì 4 năm là một khoảng thời gian đủ dài cho những thay đổi. Lịch sử World Cup cũng từng chứng kiến: Ý, Brazil vô địch - bị loại từ vòng bảng và lại vô địch tiếp! Trong bóng đá, không gì là không thể xảy ra.
Theo Đạt Lê/Helino
Nguồn: Skysports, bBundesliga, Thehindu, yahoo
Video được xem nhiều nhất