Em bé được mang thai hộ đầu tiên ở Việt Nam chào đời

Ngoisao.net - 22/01/2016, 10:52

Sáng 22/1, bé gái Quỳnh Anh chào đời, nặng 3,6 kg tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương Hà Nội, là đứa trẻ đầu tiên được mang thai hộ ở Việt Nam.

Bé rất kháu khỉnh đáng yêu, cất tiếng khóc thật to chào đời. Thứ trưởng Bộ Y tế, Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến đã đích thân mổ đưa bé ra khỏi bụng sản phụ ở tuần thai thứ 38.

Bế đứa con sau hơn chục năm mong chờ, chị Nguyễn Thị Hà (Hà Nam) không giấu được sự hạnh phúc. Chị Hà nói: “Vợ chồng tôi đã chờ đợi giây phút này quá lâu rồi, giây phút con chào đời tôi như vỡ òa, chẳng biết nói thế nào để diễn tả cảm xúc của tôi bây giờ, thực sự hạnh phúc đến nghẹn ngào…”.

em-be-duoc-mang-thai-ho-dau-tien-o-viet-nam-chao-doi

Bé Đinh Quỳnh Anh chào đời sáng 22/1 ngủ ngoan trong vòng tay mẹ.

Vợ chồng chị Hà lấy nhau đã được 18 năm. Sau 3 năm không có con, anh chị đi khám hiếm muộn thì phát hiện vợ bị tử cung nhỏ bẩm sinh không thể có con. Vợ chồng cố gắng chạy chữa hơn chục năm nay mà vẫn không có kết quả.

Nhiều lần chị Hà đề nghị chồng kiếm con bên ngoài nhưng anh một mực không đồng ý. Vì thế ngay khi luật cho phép mang thai hộ, vợ chồng đã đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương nộp hồ sơ và được duyệt. Mang thai hộ cho vợ chồng chị Hà là người cô họ, 46 tuổi, bắt đầu thụ thai từ tháng 3/2015.

Chị Hà có bất thường về tử cung không thể tự mình mang thai, nhưng buồng trứng hay chức năng sinh lý khác đều bình thường. Bác sĩ đã tiến hành lấy noãn của chị và tinh trùng của chồng sau đó cấy phôi vào người mang thai hộ. Chi phí cho một ca mang thai hộ không khác gì so với kinh phí thụ tinh trong ống nghiệm.

Họp báo ngay sau giờ phút hạnh phúc đón đứa bé đầu tiên chào đời bằng phương pháp mang thai hộ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Thứ trưởng Tiến xúc động chia sẻ: “Chứng kiến em bé chào đời, chúng ta khẳng định được rằng Luật Hôn nhân và Gia đình đã được sửa đổi, trong đó điều khoản về mang thai hộ, đã đi vào cuộc sống với kết quả rất tốt”.

Ông Tiến nói thêm, những cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn vì lý do người vợ không mang thai được trong khi vợ có noãn, chồng có tinh trùng, thì có thể nhờ mang thai hộ và vẫn còn cơ hội làm cha làm mẹ. Nếu không có phương pháp mang thai hộ, nhiều cặp vợ chồng chỉ còn cách xin con nuôi.

Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương Vũ Bá Quyết cho biết: “Để chúc mừng ca mang thai hộ đầu tiên thành công này, chúng tôi sẽ miễn phí toàn bộ viện phí cho gia đình. Bé sẽ được chăm sóc bình thường như những đứa trẻ khác”.

Sau hơn một năm Nghị định cho phép mang thai hộ có hiệu lực (1/1/2015), hơn 60 hồ sơ mang thai hộ đã được duyệt tại Bệnh viện phụ sản Trung ương. Cả nước có khoảng 100 hồ sơ, tương đương nước ngoài. 3 tháng tới sẽ có gần 30 em bé ra đời bằng phương pháp mang thai hộ.

Thứ trưởng Tiến cho rằng đây là quy định mang tính nhân đạo, nhằm tạo điều kiện cho các gia đình hiếm muộn có con. Các trường hợp mang thai hộ thực hiện phần lớn là phụ nữ không có tử cung, sảy thai thường xuyên không rõ nguyên nhân. Người mang thai hộ hay người nhờ mang thai hộ đều chỉ được phép thực hiện một lần.

Hiện cả nước có 3 bệnh viện được phép thực hiện kỹ thuật này là Bệnh viện Phụ sản trung ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế và Bệnh viện Từ Dũ TP HCM.

VnExpress

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất