Cuộc "đào tẩu" ngoạn mục của người đàn bà 25 năm bị bán sang TQ

Người đưa tin - 28/06/2016, 14:13

Vì nghèo đói bà theo người phụ nữ cùng xã đi Móng Cái gánh hàng công cao, đến nơi bà mới ngã ngửa người biết mình bị bán sang Trung Quốc. Từ đó bà vừa làm vợ vừa làm "thân trâu ngựa" nơi xứ người.

Nhiều ngày qua, người dân xã Cảnh Hưng (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) vẫn bàn tán xôn xao câu chuyện bà Nguyễn Thị Lăn (SN 1956) trú tại thôn Dền “đội mồ sống lại” sau 25 năm bặt vô âm tín.

 - Ảnh 1

Bà Lăn buồn bã chia sẻ về những ngày làm kiếp nô lệ (ảnh: Thành Long).

Để tìm hiểu thực hư câu chuyện về người đàn bà khốn khổ trên, PV báo Người Đưa Tin đã tìm về thôn Dền vào một ngày đầu hè trời nắng như đổ lửa.

Nhắc lại ký ức buồn không muốn khơi lại, nước mắt cứ thế tuôn ra, bà Lăn bắt đầu kể: “Đầu năm 1991, tôi được một người phụ nữ trong xã tên là Hậu giới thiệu đi gánh hàng công cao tại Móng Cái (Quảng Ninh).

Tôi có chồng và con gái 4 tuổi rất kháu khỉnh, đáng yêu, nhưng vì nghèo đói, chồng lại đau yếu nên tôi đã gật đầu đồng ý. Không ngờ sau lần đó, tôi phải lưu lạc nơi đất khách suốt 25 năm khốn khổ, cũng may có ngày hôm nay được về quê hương”.

Ký ức về chuyến xe ác mộng mà nhiều năm nay nhớ lại bà Lăn vẫn rùng mình sợ hãi: “Tôi được bà Hậu mua vé ô tô khoảng nửa ngày rồi xuống đi thuyền vượt sông, rồi băng rừng đi bộ vượt biên giới sang biên giới Trung Quốc.

Sau đó, tôi lại được đưa lên xe ô tô đi tiếp một ngày một đêm nữa, say xe ngất ngư, lúc mở mắt ra thấy toàn đồi núi, không khác gì vùng núi ở nước ta, nhà cửa thưa thớt, hoang vu và vắng vẻ càng khiến tôi sợ hãi. Tôi có hỏi bà Hậu đi đâu thì bà Hậu nói lên Móng Cái đi đường tắt qua đồi núi cho gần.

Bà Hậu dẫn tôi đến một căn nhà tranh lợp rơm rạ, có một bà già khoảng 70 tuổi và một người đàn ông lớn tuổi, họ đều nói tiếng Trung Quốc với nhau nên tôi không hiểu. Tối hôm đó bà Hậu có dẫn một người đàn ông hơn tôi mấy tuổi, nói tiếng Trung Quốc.

Rồi người đàn ông Trung Quốc đưa tiền cho bà Hậu. Đến đây tôi mới biết mình bị bán. Tôi khóc lóc gào thét xin bà Hậu cho tôi về, nhưng bà Hậu khuyên nhủ ở lại một thời gian nữa sẽ đưa về và cũng đe dọa tôi bỏ trốn vào rừng hổ sẽ ăn thịt. Tôi theo người đàn ông lạ về một căn nhà tranh nứa tồi tàn và hoang vắng, cách nhà bà Hậu không xa”.

Bà Nguyễn Thị Lăn cũng chỉ biết mình bị lừa bán sang Trung Quốc làm vợ một người dân tộc thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), còn hỏi ở xã huyện nào thì bà không rõ. Những ngày đầu, đêm nào bà cũng khóc vì nhớ con gái, nhớ gia đình, sau không còn nước mắt thì bà lầm lũi sống chờ ngày tìm đường về quê.

Năm đầu tiên làm dâu ở Trung Quốc, bà ít bị đánh đập. Nhưng từ năm thứ 2 trở đi, mãi không có con nên bà thường xuyên bị chồng đánh không biết bao nhiêu trận, trên người cũng có vết thâm tím.

 - Ảnh 2

Nhiều người nghe tin bà Lăn (ngồi giữa) về đến thăm hỏi (Ảnh: Thành Long).

“Ngày tôi phải đi cuốc ruộng, thả trâu, trồng mía, tối về nhà thì bị chồng đánh bất kể giờ giấc nào. Đến năm thứ 3, tôi mang bầu nên ít bị đánh hơn, nhưng công việc lên nương, làm rẫy vẫn phải một tay làm như trâu ngựa”, bà Lăn rớm nước mắt nói.

Kinh khủng nhất là ngày bà phải một mình vượt cạn. Bà Lăn bị nhốt trong một căn phòng tồi tàn, lúc đau đớn chỉ biết bám chấn song cửa sổ, một mình cắn răng chịu đựng, chồng và mẹ chồng mặc kệ.

Đến ngày sinh, bà phải tự vượt cạn một mình, tới khi thằng bé con chui ra, khóc oe oe, bà dùng cật nứa cắt rốn, lau chùi xong thì bà mẹ chồng mới mở cửa vào. Trao thằng bé cho mẹ chồng, bà Lăn tự vệ sinh cho mình xong mới được bò lên giường nằm nghỉ...

Sau ngày sinh nở, bà Lăn cũng chỉ được nghỉ ít ngày rồi lại đi làm bình thường. Kể từ ngày sinh con xong, bà Lăn gần như đã hoàn thành nhiệm vụ “đẻ con thuê”, chồng và mẹ chồng coi bà như người ở, bắt đi làm nương cả ngày, đến tối muộn mới được về bế con đi ngủ.

Nhắc đến đứa con trai bà Lăn dứt ruột đẻ ra, vì chồng và mẹ chồng không cho chăm sóc, yêu thương nên tình cảm mẹ con rất nhạt nhẽo. Có khi hai mẹ con cả ngày chẳng nói với nhau câu nào, nó cũng chẳng bao giờ hỏi thăm bà hay chủ động nói chuyện.

Ở bên đó cũng giống như trên vùng cao, nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, dân cư thưa thớt vẫn còn rất lạc hậu và cổ hủ. Không tivi, không đài báo, không máy móc phục vụ nông nghiệp mà phải dùng sức con người để canh tác, thu hoạch.

Ở bên đó, một tuần có ba phiên chợ, chồng tôi đi chợ uống rượu và đánh bạc, hôm nào lão thắng mình cũng bị đánh mà thua cũng no đòn. Tiền bạc đều do chồng tôi quản lý, tôi làm việc quần quật từ sáng đến tối mịt, cơ cực nhất là phải cuốc đất hơn một mẫu ruộng đồi núi”.

Sau 25 năm, bà may mắn gặp người tên là Mơ cũng là nạn nhân của nạn buôn bán phụ nữ. Bà Lăn vui mừng kể “Mơ đồng ý đưa tôi về Việt Nam và báo cho người nhà tôi biết ngày nào sẽ về Việt Nam để ra đón. Nửa đêm tôi trốn chồng, theo Mơ bắt xe về Việt Nam”.

(Còn nữa)

Vũ Phương

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất