Chiếc áo phao sinh tử trên chuyến tàu định mệnh
Trong lúc cấp bách giữa sự sống cái chết, anh Hiệp đã nhường lại áo phao cho đồng nghiệp rồi bị sóng cuốn đi.
Hai năm trôi qua kể từ tai nạn kinh hoàng khiến 9 người chết trên vùng biển Cần Giờ (TP HCM). Đến nay, cơn ác mộng hàng đêm vẫn khiến những người còn sống sót ám ảnh, nỗi đau vì thế khó mà nguôi ngoai khi lần lượt chứng khiến những người anh em thân thiết bị sóng biển cuốn đi. Nó thường xuyên xuất hiện trong tâm trí, in sâu trong ký ức, đặc biệt là với những người nhận sự hy sinh của người khác, để mình được tái sinh.
Anh Lai Hồng Phúc, một nạn nhân còn sống, cho biết: "Phải cần một thời gian rất dài, thậm chí là không bao giờ chúng tôi quên được sự kiện kinh hoàng này".
Chị Nguyễn Thị Bình, một nạn nhân khác, đến thắp nén nhang cho những người em, người đồng nghiệp xấu số rồi cũng vội vã trở về nhà vì chuyến tàu định mệnh luôn khiến chị phải hoảng sợ mỗi khi bước chân ra đường.
Vị trí tàu gặp nạn, cách Cần Giờ TP HCM 10km. |
Trong ký ức của mỗi người con sống, buổi chiều hôm ấy bắt đầu thật êm ả. Hôm đó là thứ 6, ngày 2/8/2013, họ - nhóm công nhân làm cùng công ty - xuất phát từ bến tàu Gò Công Đông (Tiền Giang) đi Vũng Tàu để dự đám cưới một người bạn, đồng thời kết hợp với kỳ nghỉ cuối tuần. Chuyến tàu dự kiến sẽ đi trong 5 tiếng, thế nhưng nó đã mãi mãi không thể cập bến.
Hôm đó, trời trong xanh nên không mấy ai để ý đến cơn bão số 5 đang tiến sát bờ biển, kết hợp với gió Tây Nam hoạt động mạnh gây gió cấp 5-6, biển động, giông mạnh. Một số công nhân cho biết, đã yêu cầu cho cano tấp vào bờ nhưng lái tàu vẫn tiếp tục hành trình, mà không biết tai ương đang cận kề phía trước.
Anh Nguyễn Văn Hà, một nạn nhân trên tàu nhớ lại, 30 phút sau, mưa ngày càng lớn, sóng cao, cano nhỏ lại chở nặng càng trở nên chòng chành trước biển khơi. 21h, tàu bắt đầu chao đảo, nghiêng nặng sang trái. "Lúc đó tôi thấy phụ lái nhảy xuống, mọi người đều nhảy xuống theo, chỉ có chị Phin là mắc lại trong cabin", anh nói.
Họ xếp thành vòng tròn, chống chọi lại từng cơn sóng dữ. Ảnh cắt từ video dựng lại. |
Tai nạn ập đến quá bất ngờ, không ai kịp chuẩn bị. Tiếng la hét kêu khóc vang lên giữa màn đêm và từng cơn sóng lớn. Nhóm người bị nạn đã sử dụng dây thừng buộc thành vòng tròn lớn, neo vào mũi tàu. Phụ nữ đứng ở giữa, đàn ông ở vòng ngoài. Họ nắm chặt tay, động viên nhau chống chọi giữa cơn giông. Cứ ai bật ra, các nam thanh niên lại thay phiên bơi ra kéo vào.
Anh Nguyễn Văn Cương kể: "Khi chiếc điện thoại còn pin, em bảo vệ nó còn hơn cả mạng sống của mình, lúc nào cũng phải giơ cao quá đầu để tránh nước vào". Chiếc điện thoại của anh Cương là cứu tinh cuối cùng của nhóm, để thông báo với đội cứu hộ gần nhất tới ứng cứu.
Anh Lai Phồng Phúc nhớ lại: "Anh em lúc đó hỗ trợ nhau, ai còn sức thì bơi ra cứu những người bị sóng đánh, chúng tôi cứ thay nhau nhưng sóng đánh ngày một mạnh, nên anh em cứ đi dần".
Anh Hiệp đã nhường lại chiếc áo phao của mình cho đồng nghiệp. Ảnh cắt từ video dựng lại. |
Anh Hiệp được những nạn nhân nhắc tới nhiều bởi người thanh niên này đã nhường lại sự sống của mình cho đồng nghiệp khi cởi chiếc áo phao trên người, trao cho cô bạn gái. Anh chắn sóng cho cô, truyền niềm tin mạnh mẽ cho mọi người giữa lúc ai nấy đều tuyệt vọng vô cùng, người mệt lả đi theo từng đợt sóng. Cuối cùng, do kiệt sức, anh bị cuốn đi. Ba ngày sau, thi thể anh mới được tìm thấy và đưa về đất mẹ Thanh Hóa trong sự tiếc thương và cảm phục.
Câu chuyện này nằm trong serie "Khoảnh khắc sinh tử" trên HTV7 lúc 11h30 chủ nhật hàng tuần.
Tùng Dương
Video được xem nhiều nhất