Cậu bé có đuôi được tôn thờ như thánh sống tại Ấn Độ

Dân trí - 13/07/2015, 10:14

Một cậu bé 14 tuổi sống tại bang Punjab được sinh ra với một phần “đuôi” mọc ra từ xương cụt đã được những người dân tại Ấn Độ tôn thờ như một vị thánh. Tuy nhiên, cậu bé đã chấp nhận bỏ đi sự tôn thờ này để có một cuộc sống bình thường.

Arshid Ali Khan, 14 tuổi, sống tại bang Punjab (Ấn Độ) được sinh ra với chiếc “đuôi” sau lưng đã được người dân trong làng tôn thờ như một vị thánh. Những người sùng đạo tin rằng cậu bé là hiện thân của thần khỉ Hanuman trong tín ngưỡng của đạo Hindu. 
 
Vào năm 2001, khi cậu bé được sinh ra với chiếc đuôi dài 10cm sau lưng, hàng trăm tín đồ trong làng Chandigarh ở phía bắc Ấn Độ đã đến quỳ lạy cậu bé. Nhiều bác sĩ đã khuyên gia đình nên cắt bỏ đuôi cho cậu bé, nhưng do áp lực từ những tín đồ trong làng nên gia đình không thể đồng ý.
 

Cậu bé Arshid và phần “đuôi” dài hơn 17cm ở sau lưng

Cậu bé Arshid và phần “đuôi” dài hơn 17cm ở sau lưng
 
Cha của Arshid đã mất năm 2004, mẹ của cậu bé, Salma Begum, 28 tuổi đã bỏ rơi cậu để kết hôn lần nữa. Ông nội đã nhận nuôi cậu bé từ nhỏ đến giờ. 
 
Arshid phải sống trong một ngôi đền, và cầu nguyện cho những ai tới viếng thăm. Những vị khách này thường để lại tiền mặt hoặc quà tặng như là một sự đền đáp cho cậu bé.
 
Sau nhiều năm, “đuôi” của cậu bé phát triển dài lên 17cm, chiếc đuôi đã khiến cho chân và bàn chân cậu bé bị vẹo, việc đi lại trở nên khó khăn nếu không có sự trợ giúp.
 
“Lúc Arshid sinh ra, các bác sĩ có tư vấn cho chúng tôi về việc cắt đuôi của cậu bé, nhưng họ không thể chắc chắn về kết quả, do đó chúng tôi sợ ảnh hưởng tới cuộc sống sau này của bé”, ông nội cậu bé Iqbal Qureshi, 64tuổi cho hay. “Nhưng thời gian lâu sau đó, chúng tôi được một người tốt bụng chỉ tới bệnh viện Fortis ở Mohali. Các bác sĩ đã nói rằng đuôi của cháu có thể cắt bỏ được và có thể tái tạo lại tủy sống”.
 

Cậu bé Arshid phải sống trong một ngôi đền và được nhiều người tôn thờ như một vị thánh sống

Cậu bé Arshid phải sống trong một ngôi đền và được nhiều người tôn thờ như một vị thánh sống
 
Để có được cuộc sống bình thường, Ali Khan phải chấp nhận cắt đi “đuôi” của mình, đồng nghĩa với việc mất đi sự tôn kính của mọi người. Dù vậy, Arshid đã chấp nhận từ bỏ sự tôn kính đó để có được cuộc sống bình thường.
 
Với sự giúp đỡ của các bác sĩ bệnh viện Fortis ở thành phố Mohali, sau ca phẫu thuật miễn phí kéo dài hơn 7 giờ đồng hồ, chiếc đuôi đã bị loại bỏ. Điều này có thế giúp cậu bé đi lại bớt khó khăn hơn trong thời gian tới.
 
 “Chúng tôi thật sự rất vui và biết ơn các bác sĩ đã phẫu thuật cho cháu, giúp cháu có thể loại bỏ được cái đuôi. Đó thật sự là điều không may khi sinh ra không được như bao đứa trẻ khác, nhưng giờ nó có thể trở lại cuộc sống bình thường”, ông nội Qureshi của cậu bé cho biết.
 
Theo bác sĩ Ashis Pathak, người đã thực hiện ca phẫu thuật cho Arshid cho biết cậu bé sinh ra với dị tật bẩm sinh ở chân, khiến chi dưới bị yếu. Việc cắt bỏ phần “đuôi” có thể ảnh hưởng đến phần tủy sống bình thường ở trên, gây nên những biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên ca phẫu thuật đã cắt bỏ thành công phần “đuôi”, dù không thể khắc phục biến dạng ở chân, nhưng sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe cậu bé về sau. 
 
Ca phẫu thuật được tiến hành hoàn toàn miễn phí và cậu bé Arshid sẽ tiếp tục được hỗ trợ phục hồi chức năng và các dịch vụ chăm sóc y tế miễn phí trong tương lai.
 

Cậu bé Arshid đã có thể trở về cuộc sống bình thường sau khi đã cắt bỏ “đuôi”

Cậu bé Arshid đã có thể trở về cuộc sống bình thường sau khi đã cắt bỏ “đuôi”
 
Cậu bé Arshid, với ước mơ trở thành một giáo viên dạy nhạc khi trưởng thành, cho biết mình rất hạnh phúc sau khi ca phẫu thuật thành  công và đã có thể trở lại cuộc sống bình thường.
 
“Cháu rất vui và hài lòng vì ca phẫu thuật thành công. Giờ đây mọi người sẽ không gọi cháu là thánh. Cháu chưa bao giờ thích điều đó vì biết mình chỉ là một đứa trẻ bình thường”, cậu bé Arshid cho biết.
 
Mọc “đuôi” là tình trạng bẩm sinh hiếm gặp và thường xuất hiện trong quá trình phát triển của thai nhi trong bụng mẹ, ở thời gian từ 31 đến 35 ngày của thai kỳ và thông thường sẽ tự biến mất một cách tự nhiên sau một thời gian. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, như của cậu bé Arshid kể trên, “đuôi” vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển cho đến khi ra đời và trưởng thành, thường gây nên những tổn thương về cột sống và các dị tật về chân.
 
T.Thủy

Theo Mirror/HP

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất