Cận cảnh quy trình nẹp răng khiến ai xem cũng "mỏi mồm"

Kênh 14 - 10/07/2015, 08:09

Với phương pháp niềng răng này, những bạn có hàm răng khấp khểnh sẽ trở nên đều tăm tắp.

Với nhiều người, chiếc răng khểnh được xem là một nét duyên mà không phải ai cũng có, nhưng dưới góc độ y khoa, chiếc răng khểnh, răng hô hay hai hàm răng không khít là những căn bệnh tiềm tàng về răng miệng.
 
Bởi lẽ, trong khoang miệng, mỗi loại răng đều giữ chức năng riêng, nếu răng cửa có nhiệm vụ cắn thức ăn, răng nanh xé thức ăn thì răng hàm có nhiệm vụ nghiền thức ăn. Với những chiếc răng mọc lệch, chức năng của nó sẽ không được đảm bảo, làm sai khớp cắn. 
 

Tuy vậy, với sự phát triển vượt bậc của nha khoa, một hàm răng đều, đẹp không phải là ước mơ quá xa vời bởi các nha sỹ sẽ sắp xếp những chiếc răng lệch hàng về đúng vị trí. Và công nghệ "bẻ hàm răng" từ cong thành thẳng này được biết đến với tên gọi niềng răng.
 
Mục đích của niềng răng là đưa hàm về đúng vị trí cân đối, thay vì đưa hàm đưa qua quá nhiều, lệch so với hàm còn lại, để đảm bảo tính cân xứng, đảm bảo chức năng ăn nhai, phòng tránh bệnh răng miệng và đề cao tính thẩm mỹ.
 

Để chuẩn bị cho quá trình niềng răng, các bác sĩ sẽ cần thực hiện bước thăm khám, khảo sát, chụp phim và đánh giá tình trạng răng cũng như xương hàm, cung hàm để đưa ra liệu pháp điều trị thích hợp nhất.
 
Nắm rõ tình trạng răng, xương hàm, cung hàm, nha sĩ sẽ tiến hành lấy dấu hàm để làm mẫu răng. Đây là cơ sở để nha sĩ thiết kế mắc cài tương ứng với cung hàm của từng người để đảm bảo chính xác cho các mắc cài lên răng thật.
 

Trên cơ sở số liệu đã đo, lấy dấu hàm và phim chụp của bệnh nhân, bác sĩ sẽ thiết kế mắc cài phù hợp với từng bước, từng giai đoạn niềng răng và sự dịch chuyển của răng trên cung hàm.
 
 

Trước khi tiến hành niềng răng, các bác sĩ sẽ vệ sinh răng miệng thật sạch như lấy cao răng, hạn chế tối đa chất bẩn còn đọng lại trong miệng bởi sau khi niềng răng, việc vệ sinh răng miệng trở nên khó khăn hơn. 
 
 

Ngay sau khi vệ sinh răng miệng, bác sĩ sẽ trực tiếp gắn mắc cài cho bệnh nhân. Những mắc cài này sẽ được gắn cố định trên bề mặt ngoài (hay trong) của răng bởi một loại keo dán đặc biệt.
 
Sau khi gắn mắc cài, bác sĩ sẽ kiểm tra lại một lần nữa để đảm bảo mắc cài ở vị trí chính xác nhất trên mỗi chiếc răng. Bởi lẽ, vị trí mắc cài sẽ phần nào quyết định lực kéo của dây cung và dây thun kết nối giữa các răng với nhau.
 
 

Khi chắc chắn về mắc cài, các bác sĩ sẽ tiến hành đeo dây cung và chỉ định các thun liên hàm phù hợp. Bạn nên biết là, sự dịch chuyển giữa các răng được tạo ra bởi lực kéo cơ học của dây thun và không gây đau đớn như tác động phổ biến của lực cơ học vẫn tạo ra.  

 

Do đó, các dây thun kết nối sẽ giúp răng di chuyển, phối hợp hài hòa với nhau. Chỉ đến khi nào trật tự sắp xếp giữa chúng ổn nhất thì kết quả công đoạn niềng răng mới đạt yêu cầu.
 
 

Trong quá trình niềng răng, có những giai đoạn bác sĩ sẽ cần sự hỗ trợ của bệnh nhân như đeo thun tại nhà hoặc đeo các khí cụ mặt ngoài…nhằm tăng lực kéo của dây cung. 
 
Đối với trường hợp niềng răng thông thường không phải nhổ răng, bạn sẽ mất khoảng 18 tháng, nếu phải nhổ răng thì thời gian có thể lên đến 24 - 30 tháng. Sau khoảng thời gian này, bạn sẽ sở hữu một hàm răng đều đặn, đẹp "không tưởng". 
 
Nguồn: Mentafloss, Healthy

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất