Cách não bộ "hư cấu" thế giới chúng ta thấy hàng ngày
Bạn có tin rằng cuộc sống thường ngày là chuỗi những vụ "lừa đảo", mà thủ phạm chính là não bộ của chúng ta?
Bạn có biết rằng từ trước tới nay những gì bạn nghe, nhìn và cảm nhận đều đang được "hư cấu" bởi chính não bộ của chúng ta?
Hãy cùng đọc bài dưới đây để hiểu xem "thủ phạm" não bộ đã làm gì chúng ta trong suốt thời gian qua nhé.
Làm thế nào để chúng ta nhìn thấy các sự vật? Đó là nhờ ánh sáng phản xạ từ vật được tiếp nhận bởi mắt, sau đó hình ảnh được chuyển thành tín hiệu để não bộ xử lý, rồi tạo ra hình ảnh chúng ta đang thấy.
Xét về mặt logic, não bộ cần thời gian để xử lý thông tin. Trên thực tế, khoa học đã chứng minh được khoảng thời gian này là 100 mili giây (0,1 giây). Vì thế có thể nói thế giới chúng ta vẫn nhìn thấy không phải là "thực", mà chỉ là hình ảnh trong quá khứ mà thôi.
2. Tốc độ nghe, nhìn và cảm nhận đều không giống nhau
Khi chạm vào một vật, chúng ta thấy xúc giác, thính giác, thị giác hoạt động cùng một lúc.
Nhưng trên thực tế, tốc độ xử lý thông tin của các loại giác quan này là khác nhau. Tuy nhiên bằng cách nào đó, não bộ đã tự chỉnh sửa và kết hợp chúng lại khi tất cả tín hiệu đã "về đích".
3. Khi hoảng sợ, sự vật như chậm lại
Rất nhiều người đã mô tả trải nghiệm khi sợ hãi, đó là thời gian dường như trôi chậm lại. Tuy nhiên các khoa học gia khẳng định rằng mọi vật vẫn diễn ra với tốc độ vốn có. Thứ khác biệt duy nhất là ký ức.
Hiện tượng này đã được kiểm chứng vào năm 2007, khi các khoa học gia thử nghiệm thả rơi người từ độ trên cao (tất nhiên là có dây an toàn) rồi ghi lại nhận thức về thời gian của họ.
Các nhà nghiên cứu cho biết não bộ đã ghi lại những sự kiện kinh hoàng một cách chi tiết hơn bình thường, do đó ký ức về những sự kiện này cho chúng ta cảm giác chậm hơn.
4. Điều gì xảy ra khi những người mù bẩm sinh đột nhiên nhìn được?
Theo các khoa học gia, những người mù bẩm sinh nếu nhìn lại được, có khả năng não bộ sẽ không xử lý nổi thông tin. Trên thực tế, trường hợp như vậy không nhiều nhưng những người như vậy đều gặp rắc rối trong việc phân tích hình ảnh.
Ví dụ như trường hợp trong nghiên cứu năm 2003 của Ione Fine từ ĐH Washington: người đàn ông khi phục hồi thị giác sau 40 năm đã không thể phân tích được chiều sâu của hình ảnh. Như khi quan sát một người đi bộ, những gì ông nhìn thấy là việc người đó "thu nhỏ" kích cỡ theo đúng nghĩa đen.
5. Não bộ thích nghi với những hình ảnh vô lý nhất
Nếu bạn đeo một cái kính cho phép nhìn thế giới thành lộn ngược thì một thời gian sau đó, bạn sẽ nhìn thấy thế giới thực bị đảo lộn, ngay cả khi đã bỏ kính ra.
Hiện tượng này được đưa ra trong nghiên cứu của cố tiến sĩ tâm lý học Gearge Stratton. Sau khi đeo kính trong 5 ngày, não bộ của tiến sĩ đã quen với các hình ảnh đảo ngược, và kết quả là ông nhìn thế giới thực... cũng lộn ngược luôn. Sau ba ngày, mắt ông trở lại bình thường.
6. Thế giới có nhiều màu sắc hơn bạn tưởng
Nhưng bạn sẽ không nhìn thấy đủ đâu. Chúng ta xác định được điều này là nhờ một số phụ nữ có gene đột biến, cho phép họ nhìn thấy nhiều màu hơn gấp 100 lần người bình thường.
Cụ thể, người bình thường chỉ có 3 tế bào hình nón - cơ quan thụ cảm màu sắc - trong khi những người mang gen đột biến có tới 4 tế bào. Điều này cho phép khiến những sự khác biệt về màu sắc dù là nhỏ nhất cũng không qua khỏi mắt họ.
7. Khả năng nghe của chúng ta cũng rất hạn chế
Không bàn đến độ xa gần, nhưng về cơ bản chúng ta chỉ nghe được những âm thanh trong tần số từ 20 - 20.000 Hz. Trong khi đó các loài động vật như cá voi có thể nghe âm thanh ở tần số lên tới 123.000 HZ.
8. Ngay cả vị giác cũng đang lừa chúng ta
Khi ăn ớt chúng ta cảm nhận được vị cay. Tuy nhiên thực chất không hề có vị cay, mà thứ chúng ta cảm nhận thấy là do phản ứng hóa học.
Cụ thể, các loại ớt hoặc tiêu đều có chứa chất capsaicin. Chất này tác động đến lưỡi, phát tín hiệu đến não bộ và khiến chúng ta cảm nhận được sự gia tăng về nhiệt độ.
Và không chỉ đồ ăn cay có thể lừa chúng ta, mà còn có một loại quả mang tên "quả diệu kỳ" - the miracle fruit. Loại quả này có chứa chất miraculin, có tác dụng kích hoạt tế bào cảm nhận vị ngọt ở lưỡi đối với các loại axit. Nhờ đó, ta sẽ thấy chanh, dấm ngọt như đường, hay thậm chí bia đắng sẽ có vị chocolate.
9. Đôi lúc "sấm đánh ngang tai" bạn cũng không hề hay biết
Tùy trường hợp, não bộ có thể tự động bỏ qua những hình ảnh và âm thanh được cho là không quan trọng, dù cho hình ảnh và âm thanh đó có rõ ràng đến mức nào. Nguyên nhân là bởi não bộ không cho phép chúng ta tập trung vào quá nhiều sự vật trong cùng một lúc.
Nếu không tin, hãy kiên nhẫn xem hết video dưới đây nhé, và bạn sẽ hiểu được rằng đôi lúc chúng ta mất tập trung đến mức nào.
Video được xem nhiều nhất